Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Lênh đênh số phận đồng Rúp Nga - “con tin” của giá dầu

BizLIVE - Sự song hành cho thấy mối quan hệ biện chứng giữa nội tệ của Nga và dầu thô - mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

Lênh đênh số phận đồng Rúp Nga - “con tin” của giá dầu
 
 
Ngày 28/12, đồng Rúp của Nga giảm giá xuống mức thấp nhất năm 2015 so với đồng USD tại 72,47 Rúp đổi 1USD. Trong khi đó, giá dầu Brent mất mốc 37USD/thùng, áp sát đáy 11 năm, xuống dưới mức giá dầu thô Mỹ, điều hiếm khi xảy ra trong những năm gần đây.
 
Tính từ đầu tháng, Rúp đã “bốc hơi” 6% giá trị, là đồng tiền chuyển biến tệ hại nhất trong 24 nước phát triển.

Sự song hành cho thấy mối quan hệ biện chứng giữa nội tệ của Nga và dầu thô – mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
 
Doanh thu từ xuất khẩu dầu thô và khí đốt thiên nhiên chiếm một nửa nguồn thu ngân sách của Nga. Giá dầu Brent rơi dốc đứng từ đỉnh cao đạt được hồi tháng Sáu đã tạo sức ép lên chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong lúc nước này đang vật lộn với đợt suy thoái nặng nề nhất từ năm 2009.
 
Giải tỏa sức ép
 
Moscow đã sớm tính đến kịch bản này. Trước đó, Thứ trưởng tài chính Nga Aleksey Moiseev từng cảnh báo đồng Rúp sẽ trượt giá theo chu kỳ vào cuối 2015, giống giai đoạn tháng 11 – 12 hàng năm. Tính theo mùa, đồng ruble thường tăng mạnh vào mùa hè, giảm vào đầu thu, tăng trưởng vào trung thu và sụt giảm vào cuối năm, ông chỉ ra.
 
Mặc dù Ngân hàng Trung ương Nga không mua bán ngoại tệ trên thị trường kể từ tháng Bảy năm nay, các nhà hoạch định chính sách vẫn liên tục trấn an người dân, nhấn mạnh họ có đủ công cụ để can thiệp vào thị trường trong trường hợp bất ổn nảy sinh.
 
Ông Chris Weafer, chuyên gia tại công ty Macro-Advisory, cho biết trên thực tế, Nga đã thả nổi đồng Rúp từ cuối năm 2014. Kể từ khi giá dầu bắt đầu giảm vào mùa hè năm 2014, đồng Rúp cũng mất một nửa giá trị so với đồng USD.
Điều này giải tỏa một phần sức ép lên ngân sách của Nga, mặc dù vẫn đang chịu thâm hụt 2,5% GDP trong năm nay, có thể tăng lên 3% trong năm sau. Nó cho phép Ngân hàng Trung ương bảo toàn kho dự trữ ngoại hối thay vì phải “rút ruột” bán ra ngoại tệ để cứu đồng tiền.

Cụ thể, cơ quan này đã ổn định thị trường thông qua việc tăng mạnh lãi suất đột ngột rồi giảm từ từ, lộ trình “truyền thống” được phần đông các ngân hàng trung ương theo đuổi để ứng phó trong trường hợp tương tự.
 
“Thành quả rõ rệt”
 
Với mức thâm hụt dự đoán tại 3% trong năm 2016, ông Chris Weafer cho rằng tỷ lệ này vẫn trong tầm kiểm soát của Moscow, khi tính đến các nguồn tài chính hiện có. Thậm chí, chuyên gia nghiên cứu kinh tế Nga - ông Anders Åslund còn cho rằng đây là một “thành quả rõ rệt” của Nga, khi nước này phải chống chọi với lệnh trừng phạt kinh tế bủa vây tứ phía.
 
Trong năm tới, chính phủ Nga dự định sẽ chi 40-45 tỷ USD từ vốn dự trữ để hỗ trợ ngân sách. Nga có khả năng chi trả cho điều này với két dự trữ ngoại tệ đạt 364 tỷ USD và nợ công chỉ ở mức 14% GDP.
 
Trong Thông điệp Liên bang đọc ngày 4/12, ông Putin đề cập tới việc dự trữ ngoại hối của Nga có giảm, nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát và đủ để sử dụng trong mọi tình huống cần thiết.
 
Giá dầu Brent có thể giảm xuống mức 30USD/thùng vào đầu năm 2016, kéo đồng ruble xuống gần 80 RUB/USD, nhưng Ngân hàng Trung ương Nga vẫn chưa cần can thiệp để trợ giá nội tệ, chuyên gia Weafer dự đoán.
 
Lạm phát tăng tốc
 
Ngoài ra, dầu và các hàng hóa khác được thanh toán bằng USD, nên công ty dầu khí và chính quyền Nga sẽ kiếm được nhiều hơn từ xuất khẩu dầu tính theo đồng ruble. Điều này sẽ bù đắp cho hiệu ứng giá dầu giảm và thâm hụt ngân sách, giải thoát cho Moscow khỏi lựa chọn đau thương là giảm chi tiêu công.

Ngoài ra, đồng Rúp yếu cũng tái cân bằng cán cân thương mại của Nga, khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn.
 
Theo số liệu hải quan, giá trị hàng nhập khẩu của Nga đã giảm 38% trong 10 tháng đầu năm. Điều này kéo theo thặng dư cán cân vãng lai tăng lên hơn 60 tỷ USD trong năm nay, bù vào dòng vốn tháo chạy khỏi Nga.
 
Tuy nhiên trước mắt, người dân Nga là thành phần cảm nhận đậm nét nhất tác động tiêu cực từ bản tệ sụt giảm. Tính riêng trong tháng 12, lạm phát đã đạt con số 12%.
 
Chỉ vài ngày nữa thôi là Nga sẽ cùng thế giới đón chào năm mới, nhưng trả lời khảo sát của công ty VTsIOM, tới 39% người Nga cho biết họ thiếu tiền để mua thực phẩm hoặc quần áo, cao hơn hẳn so với tỷ lệ 22% vào tháng 12 năm ngoái.

LỀ PHƯƠNG/BIZLive

ĐỌC THÊM