Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngày 10/09: Kinh tế, tài chính thế giới 24h qua

OECD hạ dự báo tăng trưởng GDP của G7, thâm hụt thương mại Mỹ thu hẹp đáng kể, Ngân hàng Trung ương Anh và Hàn Quốc giữ nguyên lãi suất, OPEC giữ nguyên dự báo nhu cầu dầu mỏ, Quỹ Đầu tư Quốc gia Na Uy mua trái phiếu của các nước thuộc nhóm PIIGS, Mỹ tụt hạng cạnh tranh toàn cầu… là các sự kiện quan trọng trong ngày 09/09.

Cơ quan Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng hoạt động kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh hơn so với dự báo và điều này có thể đảm bảo cho việc bơm thêm các gói kích thích tiền tệ cũng như trì hoãn việc áp dụng các biện pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách.

Ông Pier Carlo Padoan, kinh tế trưởng kiêm Phó Chủ tịch OECD tỏ ra phân vân rằng liệu đây có phải là sự mất phương hướng tạm thời hay là dấu hiệu cho sự yếu kém hơn nữa của lĩnh vực chi tiêu cá nhân khi các chính sách kích thích tài chính và tiền tệ bị thu hồi.

OECD hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nửa cuối năm 2010 của nhóm các quốc gia phát triển G7 xuống 1.5% từ mức ước tính 1.75% trong lần trước.

Kinh tế Mỹ

Thâm hụt thương mại tháng 7 của Mỹ giảm mạnh 14% xuống 42.8 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với dự báo 47.3 tỷ USD của các nhà kinh tế và mức đã được điều chỉnh trong tháng trước là 49.8 tỷ USD. Nguyên nhân cho sự thu hẹp đáng kể này là do trong nhập khẩu giảm trong khi xuất khẩu tăng lên mức cao nhất trong gần 2 năm qua.

Bộ Lao động Mỹ thông báo số người lần đầu nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 04/09 là 451,000, thấp hơn so với dự báo 470,000 của các nhà kinh tế và giảm 27,000 so với số liệu đã được điều chỉnh tăng trong tuần trước là 478,000 người.

Bảng xếp hạng Cạnh tranh Toàn cầu 2010/2011 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố ngày 09/09 cho thấy Mỹ rớt từ vị trí thứ 2 xuống thứ 4. Nguyên nhân tụt hạng của Mỹ theo WEF là do sự mất cân đối vĩ mô, tình trạng yếu kém của các công ty quốc doanh và tư nhân cũng như mối quan ngại về tình hình của các thị trường tài chính nước này.

Kinh tế châu Âu

Ủy ban Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục 0.5% tháng thứ 18 liên tiếp và duy trì chương trình mua tài sản trị giá 200 tỷ bảng Anh (tương đương 309 tỷ EUR). Dù động thái của BOE diễn ra đúng như dự báo nhưng ngày càng xuất hiện nhiều lời kêu gọi cho rằng BOE cần nâng lãi suất để ngăn chặn lạm phát. Được biết CPI tháng 7 của nước này tăng 3.1%, vượt mục tiêu 2% của BOE. Biên bản cuộc họp sẽ được công bố vào ngày 22/09.

Quỹ Đầu tư Quốc gia Na Uy đã mua nợ của Hy Lạp và trái phiếu do Chính phủ Tây Ban Nha, Ý và Bồ Đào Nha phát hành. Quỹ đầu tư quốc gia lớn thứ 2 thế giới khẳng định Hy Lạp sẽ không vỡ nợ.

Ireland bán thành công 400 EUR (tương đương 509.1 triệu USD) tín phiếu kỳ hạn 6 tháng và 8 tháng. Cụ thể, Ireland bán 150 triệu EUR tín phiếu kỳ hạn 6 tháng với lợi tức 1.925%, thấp hơn mức 1.978% trong cuộc đấu giá tương tự vào ngày 26/08. Lực cầu cao hơn số lượng cổ phiếu chào bán 9.41 lần nhưng thấp hơn mức 10.1 lần trong tháng 8. Trong cuộc đấu giá 250 triệu EUR trái phiếu kỳ hạn 8 tháng, lợi tức cũng giảm từ mức 2.35% trong tháng 8 xuống 2.19%, lực cầu tăng từ 4.1% lần lên 5.4 lần.

Kinh tế châu Á

Trong một động thái khá bất ngờ và ngược với dự báo, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) giữ nguyên lãi suất ở mức 2.25% do mối quan ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu. Được biết, BOK đã nâng lãi suất thêm 0.25% vào tháng 7, đánh dấu lần thắt chặt chính sách đầu tiên kể từ khi khủng hoảng tài chính bùng nổ. Theo BOK, lạm phát sẽ leo thang trở lại vào cuối năm nay và dao động trong khoảng 2-3% do đà tăng trưởng của nền kinh tế và thị trường việc làm.

Vòng quanh các thị trường

Diễn biến của các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới ngày 09/09:

Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng từ  2.65% lên 2.76%.

Trên thị trường Mỹ, đồng USD tăng so với đồng EUR, bảng Anh và đồng JPY.

Giá vàng giao tháng 12 trên sàn COMEX tại New York giảm 6.60 USD/oz xuống 1,250.90 USD/oz.

Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 10 trên sàn NYMEX giảm 42 cent xuống 74.25 USD/thùng.

Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 10/09:

New Zealand:

- 05h45: Kim ngạch xuất, nhập khẩu

- 05h45: Cán cân thương mại

Trung Quốc:

- 9h00: Kim ngạch xuất, nhập khẩu

- 9h00: Cán cân thương mại

Anh:

- 15h30: Chỉ số giá sản xuất (PPI)

Canada:

- 18h00: Báo cáo việc làm

- 18h00: Tỷ lệ thất nghiệp

Mỹ:

- 21h00: Lượng hàng tồn kho của các hãng bán buôn

Nguồn: Vietstock

ĐỌC THÊM