Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngày 16/06: Điểm tin kinh tế, tài chính thế giới 24h qua

Nhật tung ra gói tín dụng mới 3 ngàn tỷ JPY (tương đương gần 33 tỷ USD); các cuộc đấu giá nợ tại Tây Ban Nha, Bỉ và Ireland diễn ra thành công; Nouriel Roubini nhận định nguy cơ suy thoái kép tại eurozone ngày càng cao và việc S&P 500 phá vỡ đường trung bình 200 ngày…là các thông tin kinh tế, tài chính thế giới nổi bật trong ngày 15/06.

Kinh tế Mỹ

Bộ Lao động Mỹ thông báo, giá nhập khẩu Tháng 5 giảm 0.6%, mức giảm nhẹ nhất trong gần một năm qua với lạm phát vẫn đứng ở mức thấp. Giá xuất khẩu cùng tháng cũng tăng 0.6%.

Chỉ số sản xuất bang New York Tháng 5 tăng lên 19.57 điểm từ mức 19.11 điểm trong Tháng 4, thấp hơn so với dự báo tăng lên 20 điểm từ các nhà kinh tế.

Theo báo cáo của Standard & Poor's, tỷ lệ vỡ nợ thẻ tín dụng tiêu dùng tại Mỹ sụt giảm trong Tháng 5 và tất cả năm hạn mức tín dụng tiêu dùng đều cho thấy sự cải thiện trong tháng qua.

Cơ quan tín dụng Fitch hôm Thứ Ba hạ 6 bậc tín dụng của “đại gia dầu mỏ” BP, từ AA xuống BBB, do Fitch ngày càng ít tin tưởng vào khả năng thanh toán nợ nần của tập đoàn này trước các khoản chi phí khổng lồ liên quan đến việc thu dọn và thủ tục pháp lý sau thảm họa tràn dầu tại vịnh Mexico.

Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hiện đang chuẩn bị cho kịch bản suy thoái khép trong bối cảnh sự đe dọa toàn cầu đối với kinh tế Mỹ ngày càng gia tăng. Những đe dọa này bao gồm cuộc suy thoái tiềm ẩn tại châu Âu và các biện pháp thắt chặt chính sách tại một số nền kinh tế mới nổi có sức ảnh hưởng lớn như Trung Quốc.

Kinh tế châu Âu

Nhà kinh tế hàng đầu Liên minh Châu Âu (EU), Olli Rehn, đã lên tiếng chỉ trích về quyết định hạ bậc tín dụng Hy Lạp xuống mức không đầu tư của Moody hôm 15/06. Theo ông Rehn, đây là động thái khá bất ngờ và không hợp lý trong lúc các nhà kiểm toán EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang xem xét lại những nỗ lực cắt giảm nợ nần của Hy Lạp.

Lạm phát Tháng 5 của Anh giảm 3.4% từ mức 3.7% trong Tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn dự báo 3.5% của các nhà kinh tế nhưng đã vượt quá mức mục tiêu hàng năm 2% của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE). Còn so với tháng trước, lạm phát tăng 0.2%, thấp hơn mức ước tính 0.3%.

Sơ lược sự kiện ngày 16/06

Anh:  Thất nghiệp

Eurozone: Lạm phát

Mỹ: - Số nhà được cấp phép xây mới

        - Số nhà mới khởi công

        - Chỉ số giá sản xuất (PPI)

        - Công suất thâm dụng

        - Sản lượng công nghiệp

        - Dự trữ dầu thô

Văn phòng ngân sách Anh cảnh báo rằng kinh tế nước này có thể không bao giờ trở lại các mức trước khủng hoảng tài chính cùng với dự báo rằng thâm hụt ngân sách Anh sẽ chiếm tới 8.8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm tài khóa 2010.

Chỉ số niềm tin kinh tế Đức trong Tháng 6 sụt giảm mạnh xuống 28.7 điểm từ mức 45.8 trong Tháng 5, xấu hơn rất nhiều so với dự đoán 42.5 điểm của các nhà kinh tế. Tuy nhiên, chỉ số các điều kiện kinh tế hiện tại, lại tăng mạnh từ -21.6 điểm trong Tháng 5 lên -7.9 điểm.

Giá nhà ở Tây Ban Nha giảm 2.9% trong quý I/2010 so với cùng kỳ năm ngoái, khả quan hơn mức lao dốc 4.3% trong quý IV/2009. So với quý trước, giá nhà tăng 1.2%, đi ngược với mức giảm 0.4% trong quý IV. Dù nền kinh tế Tây Ban Nha vẫn còn trong tình trạng yếu kém nhưng đà sụt giảm của giá nhà ở đã chậm lại.

Trong cuộc phỏng vấn trên trang CNBC, nhà kinh tế danh tiếng Nouriel Roubini nhận định nguy cơ xảy ra suy thoái kép ngày càng tăng cao, đặc biệt là tại eurozone bởi Hy Lạp không thể tránh khỏi việc tái cấu trúc nợ.

Theo ông Roubini, dưới một góc độ nào đó, tình hình tại Tây Ban Nha thậm chí còn tồi tệ hơn bởi tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã chạm mức 20% chứ không phải 10% như Hy Lạp. Thêm vào đó, bong bóng nhà ở Tây Ban Nha đã vỡ và nước này là một trong bốn nền kinh tế thành viên hàng đầu của eurozone. Do đó, sự sụp đổ của Tây Ban Nha sẽ là một thảm họa.

Kinh tế châu Á

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ngày 15/06 cho biết sẽ cung cấp cho các tổ chức tài chính nước này gói tín dụng mới trị giá 3 ngàn tỷ JPY (tương đương 32.8 tỷ USD) đồng thời giữ nguyên lãi suất ở mức 0.1% như dự đoán. BOJ cũng nhận định nền kinh tế Nhật Bản ngày càng “bộc lộ thêm dấu hiệu phục hồi, dù với tốc độ khiêm tốn, nhờ sự cải thiện của các điều kiện kinh tế bên ngoài nước.”

Biên bản cuộc họp ngày 01/06 của Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) được công bố hôm Thứ Ba cho thấy ngân hàng này vẫn mang thái độ “chờ đợi và xem xét” trong vấn đề lãi suất. Cũng theo biên bản, các nhà làm chính sách sẽ quan tâm đặc biệt đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến công bố vào cuối Tháng 7 tới.

Làm ngơ trước động thái của Moody, Trung Quốc dự định ký kết một loạt hợp đồng đầu tư quan trọng với Hy Lạp, chủ yếu và các ngành hàng hải cũng như cơ sở hạ tầng và vận tải.

Vòng quanh các thị trường

Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/06 tại Mỹ, chỉ số Dow Jones tăng 213.88 điểm (2.1%) lên 10,404.77 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 25.60 điểm (2.35%) lên 1,115.23 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng mạnh 61.92 điểm (2.76%) đóng cửa tại 2,305.88 điểm.

Thị trường châu Âu cũng khép phiên trong sắc xanh với chỉ số FTSE 100 của Anh nhận 0.3%, DAX của Đức cộng 0.8% và CAC 40 của Pháp tiến 1%.

Các chỉ số chính của chứng khoán châu Á tăng điểm nhẹ trong phiên giao dịch cùng ngày, trừ chỉ số Kospi của Hàn Quốc.

Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng từ 3.28% lên 3.31%.

Tại Mỹ, đồng EUR tăng 0.9% so với đồng USD, đồng bạc xanh giảm 0.4% so với đồng JPY.

Giá vàng giao Tháng 8 trên sàn COMEX tại New York tăng mạnh 11.70 USD/oz lên 1,234.40 USD/oz.

Giá dầu thô ngọt nhẹ giao Tháng 7 trên sàn NYMEX tăng 1.95 USD/thùng xác lập mốc 76.94 USD/thùng.

(Vietstock)

ĐỌC THÊM