Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngày 16/09: Kinh tế, tài chính thế giới 24h qua

Nhật Bản can thiệp thị trường tiền tệ lần đầu tiên trong 6 năm, Cựu Chủ tịch FED kêu gọi Mỹ tăng thuế, Ủy ban châu Âu công bố dự thảo quy định về việc giám sát các hợp đồng phái sinh và hoạt động bán khống, tỷ lệ thất nghiệp tại Anh giảm, Trung Quốc yêu cầu các ngân hàng nâng tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu (CAR) lên 15% vào cuối năm 2012…là các điểm nhấn của các thị trường tài chính thế giới 24h qua.

Các nhà kinh tế và quan chức cấp cao tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) khẳng định không có nguy cơ xảy ra suy thoái kép nhưng các rủi ro vẫn còn tồn tại. Nhận định trên được đưa ra trong khuôn khổ hội nghị thường niên của WEF diễn ra ở thành phố cảng Thiên Tân của Trung Quốc.

Kinh tế Mỹ

Phát biểu trước Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ (CFR) tại New York, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Alan Greenspan kêu gọi Chính phủ Mỹ tăng thuế và thu hồi lại các gói kích thích nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách và thúc đẩy sự tăng trưởng của hoạt động đầu tư tư nhân.

Lĩnh vực sản xuất Mỹ đã mở rộng tháng thứ 13 liên tiếp và trở thành điểm sáng trong bức tranh ảm đạm của nền kinh tế. Số liệu được công bố đầu tháng này cho thấy hoạt động sản xuất tăng trưởng vượt kỳ vọng. Tuy nhiên, hai báo cáo sản xuất đưa ra trong ngày 15/09 lại kém khả quan hơn dự báo của các nhà kinh tế.

Cục Dự trữ Liên bang New York cho biết các điều kiện kinh doanh tại bang này vẫn còn tương đối tích cực trong tháng 9 dù hoạt động sản xuất suy yếu trong tháng 8.

Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ thông báo sản lượng công nghiệp tháng 8 tăng 0.2% thấp hơn dự báo 0.3% của các nhà kinh tế. Công suất thâm dụng giảm xuống 74.7% từ mức đã được điều chỉnh 74.8%.

Chỉ số giá nhập khẩu tháng 8 tăng 0.6% do giá gas ngày càng leo thang, chỉ số giá xuất khẩu cùng tháng tăng 0.8%.

Kinh tế châu Âu

Ủy ban châu Âu (EC) sắp công bố dự thảo quy định về giao dịch các sản phẩm tài chính phức tạp từng được cho là nguyên nhân gây ra sự bất ổn của nền kinh tế với mục đích giám sát thị trường phái sinh. Ngoài ra, các quan chức cũng muốn đánh giá quy mô của hoạt động bán khống. Theo một số chuyên gia, các hợp đồng phái sinh và hoạt động bán khống là hai tác nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng nợ châu Âu và khiến thị trường bất ổn nghiêm trọng.

Tỷ lệ thất nghiệp từ tháng 5-tháng 7 tại Anh giảm 0.1% so với mức đã được điều chỉnh trong giai đoạn từ tháng 4-tháng 6 xuống xuống 7.8%. Số người thất nghiệp cùng kỳ giảm bớt 8,000 xuống còn 2.47 triệu nhưng số người thất nghiệp hơn 12 tháng lại tăng thêm 16,000 lên 797,000 người.

Kinh tế châu Á

Lần đầu tiên kể từ năm 2004, Nhật Bản quyết định can thiệp vào thị trường tiền tệ bằng cách bán đồng JPY nhằm ngăn chặn đà leo thang của đồng tiền này. Theo thông tin trên tờ Yomiuri Shimbun, Nhật có thể chi tới vài trăm đến 1,000 tỷ JPY (tương đương 11.6 tỷ USD) để mua vào đồng USD nhằm hạ giá đồng nội tệ. Thay mặt cho Bộ Tài chính, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ bắt đầu bán JPY và mua USD vào lúc 8h35 phút sáng (giờ Việt Nam) ngày 16/09.

Các nhà điều hành Trung Quốc có thể yêu cầu các tổ chức tài chính lớn nhất nước này nâng tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu (CAR) lên 15% vào cuối năm 2012. Đồng thời các nhà điều hành cũng đang phát thảo kế hoạch trong đó kêu gọi nâng vốn cấp 1 lên 8%. Các quy định của Trung Quốc sẽ nghiêm khắc hơn so với chuẩn Basel III được công bố hôm 12/09.

Một lần nữa, các nhà điều hành Trung Quốc lại phủ nhận các cáo buộc cho rằng nước này đã thao túng tiền tệ để đẩy mạnh lĩnh vực xuất khẩu. Tuy nhiên, nước này vẫn tiếp tục nâng giá đồng Nhân dân tệ trong lúc các nhà lập pháp Mỹ sắp tổ chức các cuộc tranh luận về việc liệu có áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc về chính sách ngoại hối của nước này. Theo đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) thiết lập tỷ giá Nhân dân tệ bình quân hàng ngày ở mức cao kỷ lục 6.7250 NDT/USD, đánh dấu phiên tăng giá thứ tư liên tiếp của đồng Nhân dân tệ.

Vòng quanh các thị trường

Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng từ 2.67% lên 2.72%.

Trên thị trường Mỹ, USD/EUR tăng so với đồng EUR, bảng Anh và tăng vọt gần 3% so với đồng JPY.

Giá vàng giao tháng 12 trên sàn COMEX tại New York quay đầu giảm 3 USD/oz xuống 1268.70 USD/oz từ mức cao kỷ lục 1,271.70 USD/oz xác lập hôm 14/09.

Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 10 trên sàn NYMEX giảm mạnh 1 USD/thùng xuống 75.80 USD/thùng.

Theo báo cáo của Viện Dầu mỏ Mỹ (API), nguồn cung dầu thô bất ngờ gia tăng vào tuần trước trong khi báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) lại cho thấy nguồn cung dầu giảm.

Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 16/09:

New Zealand

- 4h00: NHTW New Zealand (RBNZ) công bố lãi suất

Nhật Bản

- 13h00: Thống đốc NHTW Nhật Bản (BOJ) phát biểu

Thụy Sỹ

- 14h15: Sản lượng công nghiệp

- 19h00: NHTW Thụy Sỹ (SNB) công bố lãi suất

Anh

- 15h30: Doanh số bán lẻ

Eurozone

- 16h00: Thương mại với Liên minh châu Âu (EU)

Mỹ

- 19h30: Số người lần đầu nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp

- 19h30: Số người đang trong diện nhận trợ cấp thất nghiệp

- 19h30: Chỉ số giá sản xuất

- 19h30: Tài khoản vãng lai quý 2

- 21h00: Điều kiện kinh doanh tại bang Philadelphia

Nguồn: Vietstock

ĐỌC THÊM