Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngày 17/06: Điểm tin kinh tế, tài chính thế giới 24h qua

Lãi suất Tây Ban Nha phá kỷ lục mới, tin đồn về hạn mức tín dụng trị giá 250 tỷ EUR (tương đương 335 tỷ USD) mà EU, IMF và Mỹ dành cho nước này, BP đồng ý lập quỹ chuyên dụng trị giá 20 tỷ USD và quyết định không chia cổ tức quý I, lạm phát Eurozone tăng cao…chính là các thông tin thu hút sự chú ý nhiều nhất của các thị trường trong ngày Thứ Tư 16/06.

Kinh tế Mỹ

Trong khuôn khổ cuộc gặp giữa các quan chức điều hành BP và Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng, BP đã đồng ý thành lập quỹ chuyên dụng trị giá 20 tỷ USD nhằm bồi thường thiệt hại cho những nạn nhân của vụ tràn dầu tại vịnh Mexico. Ngoài ra, BP cũng hủy việc chia cổ tức quý I với tổng số tiền thanh toán lên đến 2.6 tỷ USD vào ngày 21/06 tới.

Thị trường nhà ở Mỹ trong Tháng 5 bộc lộ một số dấu hiệu yếu kém sau khi chương trình tín thuế dành cho người mua nhà hết hạn.

Theo các báo cáo công bố hôm 16/06, số nhà mới khởi công Tháng 5 giảm mạnh 10% so với tháng trước xuống mức 593 ngàn đơn vị, thấp hơn dự báo 650 ngàn đơn vị của các nhà kinh tế.

Số nhà được cấp phép xây mới, thước đo niềm tin của nhà xây dựng, cũng rớt 5.9% xuống mức thấp nhất trong vòng một năm qua và đi ngược với dự đoán tăng của các nhà kinh tế.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) Tháng 5 giảm 0.3% sau khi trượt nhẹ 0.1% trong Tháng 4. PPI cơ bản (trừ giá năng lượng và thực phẩm) tăng 0.2%, cao hơn dự báo tăng 0.1% từ các nhà kinh tế.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố sản lượng công nghiệp Tháng 5 tăng 0.2%, thấp hơn so với mức mở rộng 0.7% trong tháng trước và dự báo tăng 0.8% của các nhà kinh tế.

Kinh tế châu Âu

Theo một nguồn tin thân cận trên tờ El Economista trong hôm 16/06, Liên minh Châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Bộ Tài chính Mỹ đang phát thảo một kế hoạch thanh khoản dành cho Tây Ban Nha, trong đó bao gồm hạn mức tín dụng lên đến 250 tỷ EUR (tương đương 335 tỷ USD). Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu (EC) đã ngay lập tức lên tiếng bác bỏ thông tin này.

Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 17/06:

Switzerland: - Số đơn đặt hàng công nghiệp quý I

                      - Lãi suất Libor quý II

Anh:    Doanh số bán lẻ Tháng 5

Mỹ:   - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Tháng 5

          - Tài khoản vãng lai quý I

          - Số người nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần

           - Số người đang trong diện nhận trợ cấp thất nghiệp

           - Chỉ số sản xuất bang Philadelphia

Cơ quan thống kê Anh (ONS) cho biết số người nộp đơn nhận trợ cấp thất nghiệp trong Tháng 5 giảm 30,900 người, khả quan hơn dự báo giảm 20,000 của các nhà kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp từ Tháng 2 đến Tháng 4 tăng lên 7.9% từ mức 7.8% trong 3 tháng trước đó. Tổng số người thất nghiệp cùng kỳ tăng lên 2.47 triệu người sau khi tăng thêm 23,000 người.

Giá cả năng lượng đắt đỏ đã đẩy lạm phát Tháng 5 của Eurozone tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp đà suy giảm của giá thực phẩm. CPI của 16 quốc gia Eurozone tăng khớp dự đoán 0.1% so với Tháng 4 và tăng 1.6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn kỳ vọng thị trường là 1.5%. CPI cơ bản (trừ giá năng lượng và thực phẩm) tăng 0.1% so với tháng trước và 0.9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Được biết, ECB muốn ghìm lạm phát dưới mức 2% trong trung hạn và theo dõi sát CPI cơ bản để đo lường được áp lực lạm phát. Các nhà kinh tế dự đoán ECB có thể giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục 1% cho tới năm 2011.

Chi phí vay mượn của chính phủ Tây Ban Nha đã chạm mức cao kỷ lục mới do mối quan ngại về tình hình kinh tế và tình hình tài chính công của nước này. Lãi suất Tây Ban Nha hiện cao hơn của Đức 2.23%. Khoảng cách ngày càng gia tăng trên thị trường trái phiếu đánh dấu sự sụt giảm niềm tin về khả năng thanh toán nợ của Tây Ban Nha.

Vòng quanh các thị trường

Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/06 tại Mỹ, chỉ số Dow Jones nhích 4.69 điểm (0.05%) lên 10,409.46. Chỉ số S&P 500 giảm nhẹ 0.62 điểm (0.06%) xuống 1,114.61. Trong khi Nasdaq  gần như không thay đổi tại mốc 2,305.93 điểm.

Thị trường châu Âu đóng cửa trong sắc xanh với chỉ số FTSE 100 của Anh và chỉ số CAC 40 của Pháp cùng tăng 0.4%, chỉ số DAX của Đức cộng 0.3%.

Tất cả các chỉ số chính của chứng khoán châu Á đều tăng điểm trong phiên giao dịch cùng ngày với chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tiến 1.8%, chỉ số Kospi của Hàn Quốc cộng 0.9%. Thị trường Trung Quốc, Hy Lạp và Đài Loan đóng cửa nghỉ lễ.

Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm từ 3.31% xuống 3.28%.

Đồng USD tăng so với đồng EUR và bảng Anh nhưng giảm so với đồng JPY xuống 91.43 JPY/USD.

Cụ thể, đồng bạc xanh nhích 0.1% so với bảng Anh và tăng 0.2% với đồng EUR; tuy nhiên đồng tiền chung vẫn duy trì trên mốc 1.23 USD/EUR.

Giá vàng giao Tháng 8 trên sàn COMEX tại New York giảm 3.90 USD/oz xuống 1,1230.50 USD/oz.

Giá dầu thô ngọt nhẹ giao Tháng 7 trên sàn NYMEX tăng 73 cent (tương đương 0.95%) lên 77.67 USD/thùng.

(Vietstock)

ĐỌC THÊM