Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngày 22/10: Kinh tế, tài chính thế giới 24h qua

IMF nâng dự báo tăng trưởng 2010 của châu Á lên 8%, kinh tế Trung Quốc giảm tốc trong quý 3, lạm phát Trung Quốc leo thang, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết hiện giá của các đồng tiền chính tương đối hợp lý, Nouriel Roubini nhận định ECB nên xem xét nới lỏng tín dụng như Anh và Mỹ, Đức mạnh tay nâng dự báo GDP 2010… là các thông tin quan trọng trong 24h qua.

Kinh tế Mỹ

Theo thông tin trên tờ Wall Street Journal, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cho biết hiện giá của các đồng tiền chính tương đối hợp lý. Vì vậy đồng USD không cần phải giảm giá mạnh hơn nữa so với đồng JPY và đồng EUR. Ông Geithner nhấn mạnh Mỹ không theo đuổi chính sách nhằm hạ giá đồng USD.

Số người lần đầu nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 16/10 giảm xuống 452,000, thấp hơn dự báo 455,000 của các nhà kinh tế.

Conference Board thông báo chỉ số của các chỉ báo kinh tế hàng đầu tăng 0.3% trong tháng 9, khớp với kỳ vọng và cao hơn so với mức đã được điều chỉnh trong tháng 8 là 0.1%.

Chỉ số sản xuất bang Philadelphia tăng lên 1 điểm trong tháng 10 từ mức -0.7% trong tháng 9, thấp hơn dự báo 1.4% của các nhà kinh tế.

Kinh tế châu Âu

Chuyên gia kinh tế Nouriel Roubini nhận định Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không nên lo lắng quá nhiều vào rủi ro lạm phát mà nên tập trung vào nguy cơ giảm phát nếu chiến tranh tiền tệ nổ ra. Theo ông, mối quan ngại về lạm phát của châu Âu đang bóp nghẹt đà phục hồi của các quốc gia đang chìm trong nợ nần như Bồ Đào Nha, Ý, Ireland, Hy Lạp và Tây Ban Nha (PIIGS). Thay vào đó, ECB nên xem xét nới lỏng tín dụng như Anh và Mỹ.

Bộ Kinh tế Đức quyết định nâng hơn gấp đôi dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2010 của nước này lên 3.4% từ mức ước tính hồi tháng 4 là 1.4%. Trong khi đó, Bộ Tài chính nước này nhận định tăng trưởng GDP có thể giảm tốc trong quý 3.

Doanh số bán lẻ tháng 9 của Anh bất ngờ giảm tháng thứ hai trong khi số đơn vay thế chấp được phê chuẩn giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm rưỡi do người tiêu dùng chuẩn bị tinh thần ứng phó với đợt siết chặt ngân sách khắc nghiệt nhất kể từ thế chiến II.

Markit Economics công bố chỉ số sản xuất và dịch vụ (PMI) sơ bộ tháng 10 của Eurozone giảm xuống mức thấp 12 tháng 53.4 điểm từ mức 54.1 điểm trong tháng 9. Cụ thể, chỉ số của PMI dịch vụ tháng 10 giảm xuống mức thấp 8 tháng 53.2 điểm từ mức 54.1 của tháng trước đó. Chỉ số PMI sản xuất tháng 10 tăng lên 54.1 điểm từ mức 53.7 điểm trong tháng 9.

Kinh tế châu Á

Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Khu vực châu Á - Thái Bình Dương mới nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng châu Á vẫn đang dẫn đầu đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu và tốc độ tăng trưởng mạnh sẽ còn tiếp tục. Theo đó, IMF nâng dự báo tăng trưởng 2010 của khu vực này lên 8%, tăng gần 1% so với mức ước tính hồi tháng 4 nhờ sự mở rộng vượt kỳ vọng trong nửa đầu năm.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 3 của Trung Quốc tăng trưởng 9.6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn dự báo 9.5% của các nhà kinh tế nhưng thấp hơn mức mở rộng 10.3% trong quý 2 và 11.9% trong quý 1.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 3.6% so với cùng kỳ 2009, khớp với dự báo của các nhà kinh tế nhưng cao hơn mức 3.5% trong tháng 8.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 4.3% so với cùng kỳ năm trước, bằng với mức tăng trong tháng 8 và cao hơn ước tính 4.1% của các nhà kinh tế.

Sản lượng công nghiệp cùng tháng tăng 13.3%, thấp hơn mức 13.9% trong tháng 8 và dự báo 14% của các nhà kinh tế. Doanh số bán lẻ trong tháng qua tăng 18.8%.

Vòng quanh các thị trường

Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 2.55%.

Trên thị trường Mỹ, đồng USD tăng so với đồng EUR, đồng JPY và bảng Anh.

Giá vàng giao tháng 12 trên sàn COMEX tại New York rớt 18.60 USD/oz xuống 1,325.60 USD/oz.

Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 11 trên sàn NYMEX trượt 1.98 USD/thùng xuống 80.56 USD/thùng.

Giá cà phê tương lai nhảy vọt hơn 2% sau khi tăng lên mức cao nhất trong vòng 13 năm do mối lo lắng về nguồn cung ngày càng hạn hẹp.

Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 22/10:

Các bộ trưởng tài chính G20 nhóm họp tại Seoul, Hàn Quốc

Đức

- 15h00: Chỉ số môi trường kinh doanh của IFO

- 15h00: Các điều kiện kinh tế hiện tại của IFO

Canada

- 18h00: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

- 19h30: Doanh số bán lẻ

- 22h00: Cán cân ngân sách

Nguồn: Vietstock

ĐỌC THÊM