Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngày 30/06: Điểm tin kinh tế, tài chính thế giới 24h qua

Chỉ số kinh tế hàng đầu Trung Quốc bị điều chỉnh giảm mạnh, Trung Quốc và Đài Loan ký hiệp định thương mại lịch sử, tỷ lệ thất nghiệp Nhật tăng vượt dự báo và đà sụt giảm mạnh của các thị trường chứng khoán toàn cầu…là các thông tin thu hút được sự chú ý đặc biệt trong ngày thứ Ba 29/06.

Kinh tế Mỹ

Theo Tổ chức Nghiên cứu Conference Board, chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 6 giảm mạnh từ 62.7 điểm trong tháng 5 xuống 52.9 điểm, thấp hơn so với dự đoán giảm nhẹ xuống 62 điểm của các nhà kinh tế. Điều này phản ánh mối lo lắng về thị trường lao động và triển vọng kinh tế.

Chỉ số giá nhà ở S&P/Case-Shiller tháng 4 tăng 0.8% so với tháng 3 và 3.8% so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh hơn so với dự báo tăng 3.4% của các nhà kinh tế. Dù vậy, hiện chỉ số này vẫn còn thấp hơn mức đỉnh 30%.

Tổng thống Barack Obama hôm thứ Ba cho biết ông và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Ben Bernanke đồng ý rằng kinh tế Mỹ vẫn đang trên đà tăng trưởng nhưng vấp phải một số trở ngại từ châu Âu. Yêu cầu đặt ra lúc này là thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế để tạo thêm công ăn việc làm cho người dân.

Liên quan đến kế hoạch cải tổ hệ thống tài chính Mỹ, các nghị sỹ Đảng Dân chủ hôm 29/06 lên kế hoạch cắt bỏ khoản thuế ngân hàng gây nhiều tranh cãi khỏi dự luật nhằm đạt được đủ số phiếu bầu cần thiết để Quốc hội thông qua. Theo đó, các nhà lập pháp Đảng Dân chủ và những cộng sự có kế hoạch dỡ bỏ khoản thuế 17.9 tỷ đôla áp lên các tổ chức tài chính lớn. Thay vào đó, họ sẽ chấm dứt chương trình giải trừ các tài sản xấu (TARP) trị giá 700 tỷ đôla để trang trải chi phí cho dự luật này.

Trong bối cảnh một số nghị sỹ Đảng Cộng hòa de dọa sẽ bỏ phiếu chống, Đảng Dân chủ đang ráo riết tìm kiếm các biện pháp thay thế nhằm tiến tới việc phê chuẩn một trong những dự luật chỉnh sửa quan trọng nhất của thị trường tài chính phố Wall kể từ những năm 1930. Dự kiến các phiên đàm phán mới về dự luật sẽ được tổ chức vào lúc 5h chiều ngày thứ Ba (giờ địa phương). Các nhà phân tích cho rằng dù thời gian thực hiện có thể lệch so với kế hoạch nhưng dự luật này vẫn còn nhiều khả năng trở thành luật. Những cộng sự Đảng Dân chủ cũng tin tưởng rằng Quốc hội vẫn có thể thông qua dự luật vào cuối tuần này.

Kinh tế châu Á

Theo số liệu điều chỉnh của Tổ chức Nghiên cứu Conference Board tại New York, chỉ số của các chỉ báo kinh tế hàng đầu Trung Quốc chỉ tăng 0.3% trong tháng 4, thấp hơn so với mức 1.7% được công bố hôm 15/05. Theo Conference Board, số liệu công bố lần trước đã bị nhầm lẫn.

Các số liệu kinh tế tháng 5 của Nhật Bản đều cho thấy tốc độ tăng trưởng của nước này diễn ra chậm chạp. Cụ thể, sản lượng công nghiệp tháng 5 giảm 0.1% sau hai tháng tăng trưởng liên tiếp trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp cùng tháng bất ngờ tăng từ 5.1% lên 5.2%, mức cao nhất kể từ tháng 12/2009. Chi tiêu hộ gia đình tháng 5 giảm 0.7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi thu nhập hộ gia đình trung bình trong tháng qua giảm 2.4% so với cùng kỳ 2009 xuống 421,413 yên (tương đương 4,714 đôla).

Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Nhật Yoshihiko Noda cho biết doanh thu thuế trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3 có khả năng lên đến 1.9 ngàn tỷ yên (tương đương 21 tỷ đôla).

Kim ngạch xuất khẩu của Đài Loan sang Trung Quốc từ 1995-2009

Ngày 29/06 tại thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc và Đài Loan đã ký kết hiệp định Hiệp định khung Hợp tác Kinh tế (ECFA) mang tính lịch sử và có ý nghĩa lớn nhất kể từ cuộc nội chiến giữa hai chính phủ cách đây 60 năm. ECFA sẽ dỡ bỏ thuế quan đối với hàng trăm sản phẩm và được kỳ vọng gia tăng kim ngạch thương mại song phương lên mức 110 tỷ đôla/năm. Ngoài ra hiệp định còn cho phép các doanh nghiệp Đài Loan tiếp cận với 11 ngành dịch vụ tại Trung Quốc, điển hình như ngân hàng, kế toán, bảo hiểm và bệnh viện....

Vòng quanh các thị trường

Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/06 tại Mỹ, chỉ số Dow Jones trượt 268.22 điểm (2.65%) xuống 9,870.30 điểm; chỉ số S&P 500 sụt 33.33 điểm (3.1%) xuống 1,041.24 điểm; chỉ số Nasdaq Composite lao dốc 85.47 điểm (3.85%) đóng cửa tại 2,135.18 điểm.

Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh rớt 3.1%, chỉ số DAX của Đức hạ 3.33% và chỉ số CAC 40 của Pháp lao dốc 4.01%.

Tại châu Á, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc chìm 4.3%, Hang Seng của Hồng Kông lùi 2.3%, Nikkei 225 của Nhật Bản hạ 1.3%, Kospi của Hàn Quốc trừ 1.4%, All Ordinaries của Australia rớt 0.9%, Taiex của Đài Loan đánh mất 1.3% và Straits Times của Singapore trượt 1.5%.

Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm từ 3.03% xuống 2.96%.

Đồng euro giảm 0.7% so với đồng đôla nhưng vẫn còn trụ vững trên mức thấp 4 năm 1.188 USD/EUR xác lập hồi đầu tháng. Đồng đôla rớt 1.1% so với đồng yên.

Giá vàng giao Tháng 8 trên sàn COMEX tại New York tăng 4.40 USD/oz lên 1,243 USD/oz.

Giá dầu thô ngọt nhẹ giao Tháng 8 trên sàn NYMEX giảm 2.70 USD/thùng xuống 75.56 USD/thùng.

Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 30/06:

Mỹ:

- Báo cáo dự trữ dầu thô

- Chỉ số sản xuất bang Chicago

Eurozone: Kỳ vọng lạm phát

Đức: Tỷ lệ thất nghiệp

Anh: Giá nhà ở

Nhật: Số nhà mới khởi công

(Vietstock)

ĐỌC THÊM