Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngày 31/08: Kinh tế, tài chính thế giới 24h qua

Các thông tin quan trọng nhất của thị trường tài chính thế giới trong 24h qua bao gồm Nhật bơm thêm 10,000 tỷ JPY để cứu nền kinh tế, nhà kinh tế Paul Krugman cho rằng Mỹ cần gói kích cầu thứ hai, chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ tăng mạnh nhất trong 4 tháng.

Kinh tế Mỹ

Nhà kinh tế đoạt giải Nobel Paul Krugman cho rằng kinh tế Mỹ cần thêm một gói kích thích có quy mô tương tự gói giải cứu mà chính quyền Tổng thống Barack Obama đưa ra vào tháng 2/2009.  Tuy nhiên, theo ông một gói giải cứu lớn như vậy không thể được đưa ra trong thời gian sớm, nhất là khi các cuộc bầu cử giữa kỳ đang đến gần. Theo ông, hiệu quả của gói kích cầu trước đang suy yếu với tác dụng cao nhất là vào quý IV/2009. Gói kích thích này có thể đến từ các biện pháp cắt giảm thuế (trừ người giàu và doanh nghiệp).

Chi tiêu tiêu dùng tháng 7 tăng với tốc độ mạnh nhất trong vòng 4 tháng qua 0.4%, cao hơn ước tính 0.3% của các nhà kinh tế và mức tăng 0.1% trong tháng trước. Trong khi đó, chi tiêu cá nhân cũng tăng 0.2%, khớp với dự báo nhưng thu nhập cá nhân lại tăng nhẹ hơn so với ước tính.

Kinh tế châu Âu

Ủy ban châu Âu (EC) cho biết niềm tin kinh tế tại eurozone tiếp tục cải thiện trong tháng 8 nhưng với tốc độ chậm hơn. Theo đó, chỉ số niềm tin nhích nhẹ 0.7 điểm lên 101.8 điểm. Trong số các thành viên lớn nhất khu vực, niềm tin kinh tế tại Anh cải thiện đáng kể nhất, tiếp theo là Đức.

Tổ chức Nghiên cứu Thị trường Bất động sản Hometrack cho biết giá nhà ở tháng 8 tại Anh giảm 0.3% xuống 158,200 bảng Anh (tương đương 243,944 USD) sau khi tăng 0.1% trong tháng 7. So với cùng kỳ năm ngoái, giá nhà tăng 1.5%. Theo Hometrack, sự mất cân đối cung cầu trên thị trường nhà ở ngày càng gia tăng với số người đăng ký mua nhà tăng 2.2% trong khi số nhà trên thị trường tăng 2.4%.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 2 của Ba Lan tăng 3.5% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sự tăng trưởng của nhu cầu nội địa, cao hơn so với dự báo 3.2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý 1, kinh tế Ba Lan tăng 3% so với cùng kỳ 2009.

Kinh tế châu Á

Tại cuộc họp khẩn sáng 30/08, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) quyết định bơm thêm cho hệ thống ngân hàng nước này 10,000 tỷ JPY (tương đương 118 tỷ USD) dưới dạng các khoản vay kỳ hạn 6 tháng với lãi suất cố định. Mục đích của BOJ là nhằm đảm bảo đà phục hồi của nền kinh tế vốn đang rất yếu kém do đà tăng quá mạnh của đồng JPY.  Tuy nhiên, giới phân tích tỏ ra nghi ngờ rằng động thái của BOJ không đem lại hiệu quả cao nhằm ngăn chặn đà tăng của đồng nội tệ.

Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK), chỉ số niềm tin kinh doanh tại nước này chạm mức thấp 4 tháng nhưng đa số các doanh nghiệp vẫn còn lạc quan. Trong khi đó, sản lượng công nghiệp tại nước này tăng vượt dự báo trong tháng 7. Hai số liệu trên cho thấy nền kinh tế lớn thứ tư châu Á vẫn đang trên đà phục hồi vững chắc. Theo nhận định của các nhà phân tích, các số liệu kinh tế tương đối khả quan có thể khiến BOK nâng lãi suất vào đầu tuần tới, lần thứ hai kể từ khi khủng hoảng tài chính bùng nổ.

Vòng quanh các thị trường

Diễn biến của các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới ngày 31/08:

Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm từ 2.64% xuống 2.54%.

Trên thị trường Mỹ, đồng USD tăng so với đồng EUR và bảng Anh nhưng giảm so với đồng JPY.

Giá vàng giao tháng 12 trên sàn COMEX tại New York tăng 1.3 USD/oz lên 1,239.20 USD/oz.

Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 10 trên sàn NYMEX giảm 63 cent xuống 74.54 USD/oz.

Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 31/08:

New Zealand:

- 5h45: Số nhà được cấp phép xây mới

Anh:

- 6h00: Niềm tin tiêu dùng

- 15h30: Tín dụng tiêu dùng

- 15h30: Số liệu về hoạt động cho vay thế chấp

Nhật Bản:

- 6h50: Chỉ số sản xuất PMI

- 6h50: Doanh số bán lẻ

- 12h00: Số nhà mới khởi công

Australia:

- 8h30: Số nhà được cấp phép xây mới

- 8h30: Thâm hụt tài khoản vãng lai quý 2

Đức:

- 15h00: Tỷ lệ thất nghiệp

- 15h00: Số người thất nghiệp

Eurozone:

- 16h00: Kỳ vọng lạm phát

- 16h00: Tỷ lệ thất nghiệp

Canada:

- 19h30: GDP quý 2

Mỹ: 

- 20h00: Chỉ số giá nhà ở

- 20h45: Chỉ số sản xuất PMI bang Chicago

- 21h00: Niềm tin tiêu dùng

- 01h00 (ngày 01/09): Biên bản cuộc họp của FOMC

Nguồn: Vietstock

ĐỌC THÊM