Lượng dầu dự trữ của Mỹ giảm mạnh nhất trong 4 tháng rưỡi qua đã kéo giá dầu thế giới tăng 3%.
Chốt phiên giao dịch ngày 10/5, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,49 USD/thùng, hay 3%, lên 50,22 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ tăng 1,45 USD/thùng và được giao dịch ở mức 47,33 USD/thùng.
Giá dầu trong phiên 10/5 được hỗ trợ khi Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết lượng dầu dự trữ của nước này đã giảm 5,2 triệu thùng hồi tuần trước, nhiều hơn gần 3 lần so với dự đoán giảm 1,8 triệu thùng của giới phân tích.
Từ đầu năm đến nay, chưa có tuần nào mà dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh như vậy.
Lượng tồn kho các mặt hàng xăng và sản phẩm chưng cất từ dầu thô cũng giảm xuống. Những thông tin này hỗ trợ cho giá dầu, mặt hàng vốn bị bán tháo trong mấy tuần gần đây do sức ép từ dự trữ xăng dầu ở mức cao của Mỹ.
Dù tồn kho dầu của Mỹ giảm nhưng sản lượng vẫn đang tăng lên. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, giới phân tích không rõ thành quả tăng giá này của giá dầu có thể kéo dài được bao lâu khi sản lượng dầu tại Mỹ tăng và hiện đang ổn định ở mức trên 9,3 triệu thùng/ngày. EIA dự báo, sản lượng này sẽ tăng lên mức gần 10 triệu thùng/ngày vào năm 2018.
Trong khi đó, nhu cầu xăng trong bốn tuần qua lại giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, thị trường dầu mỏ toàn cầu đang chịu sức ép do sản lượng dầu mỏ của Mỹ tiếp tục gia tăng, nhất là sản lượng dầu khí đá phiến.
Bên cạnh đó, các tín hiệu mới đây cho thấy xu hướng giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc đang cản trở nỗ lực của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong việc phục hồi giá dầu.
Cuối năm ngoái, giá dầu thế giới đã tăng vọt sau khi OPEC và một số nước ngoài khối vào tháng 11 nhất trí hạ sản lượng để giữ ổn định giá dầu.
Tuy nhiên, giá “vàng đen” đã sụt trở lại trong mấy tuần gần đây, khi sản lượng dầu tăng lên của Mỹ xói mòn nỗ lực của OPEC trong việc giảm tình trạng thừa dầu trên toàn cầu.
Vào thời điểm này, giá dầu thế giới đang bấu víu vào thông tin do Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid Al-Falih đưa ra.
Ông này tin rằng thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC, dự kiến kết thúc vào tháng 6/2017, sẽ được gia hạn sang nửa cuối năm nay, thậm chí có thể sang đầu năm 2018.
Trong khi đó, Bộ Năng lượng Nga cho biết nước này sẵn sàng ủng hộ việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ tới cuối năm 2017.
Nguồn tin: Baodatviet.vn