Nhập khẩu dầu thô của Mỹ tới Trung Quốc đã vượt ngưỡng 1 triệu tấn lần đầu tiên trong tháng 6, tăng 8 lần so với năm ngoái, khi giá dầu Dubai leo thang khiến cho các nhà máy lọc dầu độc lập lẫn của nhà nước tận dụng cơ hội để đa dạng hóa nguồn cung, một xu hướng có thể làm tăng thêm sự đau đầu cho các nhà cung cấp của OPEC.
Trong khi việc vận chuyển từ Mỹ đến Trung Quốc đạt mức 1,09 triệu tấn, tương đương 268.000 thùng/ngày trong tháng 6, thì nhập khẩu từ Ả-rập Xê-út giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng ở mức 940.000 thùng/ngày trong cùng tháng đó, một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang sẵn sàng hơn để thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung OPEC và mở rộng nguồn nguyên liệu của nó nhiều nhất có thể.
Nhà phân tích cấp cao của S & P Global Platts, Song Yen Ling, cho biết "Nhập khẩu của Trung Quốc từ Hoa Kỳ trong nửa cuối năm nay có thể sẽ tăng lên do kỳ vọng rằng Mỹ sẽ tăng sản xuất, làm gia tăng nguồn cung sẵn có".
Nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ đã tăng gấp nhiều lần từ chỉ khoảng 34.034 thùng/ngày một năm trước. Khối lượng nhập khẩu tháng 6 năm 2017 cũng cao hơn 49,1% so với tháng 5 với 179.442 thùng/ngày, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.
Xem xét kỹ hơn những con số nhập khẩu tích lũy cho thấy, thị phần của OPEC tại thị trường tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới đã giảm xuống khoảng 55% trong sáu tháng đầu năm, so với 58% của cùng kỳ năm trước.
Thị phần của OPEC không có khả năng phục hồi trong nửa cuối năm, vì xuất khẩu dầu thô của Ả-rập Xê-út được dự báo không ít thì nhiều sẽ bị hạn chế ở mức hiện tại do những nỗ lực nhằm xóa bỏ dư cung dầu toàn cầu. Sự gia tăng nhu cầu đối với dầu thô Mỹ đã xuất hiện nhờ những khoản giảm giá đáng kể mà dầu thô Mỹ được chào bán dựa trên chuẩn toàn cầu. Các tàu chở dầu thô thường mất khoảng 53 ngày để đi từ Bờ Vịnh Hoa Kỳ sang Trung Quốc.
Giá WTI giao ngay phần lớn có chênh lệch giảm so với dầu Dubai giao ngay cho đến năm 2017, làm cho xuất khẩu của Mỹ hấp dẫn hơn trong mắt các nhà máy lọc dầu Châu Á. Trong tháng 4, chênh lệch này ở mức âm 1.08 USD/thùng, điều này làm gia tăng xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc lên 323.000 thùng/ngày trong tháng 4, số liệu của Cục Kiểm kê Mỹ cho thấy. Những thùng dầu được đưa lên tàu vào đầu tháng 4 sẽ đến Trung Quốc vào cuối tháng Năm, trong khi số còn lại sẽ đến vào tháng Sáu.
Những cắt giảm sản lượng của OPEC đã được nhất trí chủ yếu tập trung vào các loại dầu chua trung bình, làm cho giá các chuẩn dầu chua như Dubai cao hơn. Thêm vào đó, các loại dầu Mỹ ngọt nhẹ như Eagle Ford và WTI Midland đã được vận chuyển tới Châu Á vào năm 2017, thậm chí các loại dầu chua như Mars và Southern Green Canyon cũng cũng đã xâm nhập.
Mars, Thunder Horse và Southern Green Canyon đã được các nhà máy lọc dầu Trung Quốc ưa chuộng tại các bờ biển phía nam và phía đông như Sinopec, cũng như các nhà máy lọc dầu độc lập ở tỉnh Sơn Đông.
Một số loại dầu thô khác của Mỹ cũng đang trên đường đến Trung Quốc, trong đó có 1 triệu thùng dầu đá phiến Bakken, được bán theo giá FOB vào đầu tháng 7, cũng như 500.000 thùng Bryan Mound Sour được vận chuyển từ Kho Dự trữ Dầu Chiến lược Hoa Kỳ. Bryan Mound Sour, được nhập khẩu bởi Chinaoil, công ty kinh doanh thuộc PetroChina, đã đến tỉnh Sơn Đông hồi tháng 7 cho các nhà máy lọc dầu độc lập.
Trong khi đó, Unipec, nhà nhập khẩu dầu thô Mỹ hàng đầu, có kế hoạch nhập khẩu nhiều mặt hàng của Mỹ để sản xuất tại các nhà máy lọc dầu của Sinopec, với nỗ lực pha trộn chúng với các loại dầu khác và nhằm mục đích tối ưu hoá kế hoạch nguồn nguyên liệu. Unipec là chi nhánh kinh doanh quốc tế của Sinopec.
Nhìn vào tháng 7, lượng hàng đến từ Mỹ dự kiến sẽ chững lại vì xuất khẩu của Mỹ tương đối thấp trong tháng 5 cho hàng giao cuối tháng 6 và tháng 7. Số liệu của Cục Kiểm kê Hoa Kỳ cho thấy xuất khẩu dầu thô của Mỹ vào Trung Quốc trong tháng 5 đã giảm hơn một nửa so với mức của tháng 4 xuống còn 147.000 thùng/ngày.
Tổng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 6 tăng 17,9% so với năm ngoái lên 8,82 triệu thùng/ngày, từ mức 7,48 triệu thùng/ngày, trong khi nhập khẩu luỹ kế trong giai đoạn tư tháng 1 tới tháng 6 tăng 14,5% so với năm trước lên 8,6 triệu thùng/ngày, từ 7,51 triệu thùng/ngày.
Việc vận chuyển dầu thô từ Ả-rập Xê-út đến Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng với 940.456 thùng/ngày trong tháng 6, giảm 15,7% so với năm ngoái, thấp hơn 13,2% so với mức của tháng 5. Mức thấp trước đó được ghi nhận vào tháng 12 với 845.284 thùng/ngày.
Do tuân thủ theo thỏa thuận cắt giảm sản lượng, Saudi Arabia đã rớt xuống vị trí thứ ba trong số các nhà cung cấp hàng đầu cho Trung Quốc trong tháng 6, sau Nga và Angola.
Bộ trưởng Năng lượng Ảrập Xêút Khalid al-Falih hôm thứ Hai cho biết xuất khẩu dầu của nước này sẽ bị giới hạn ở mức 6,6 triệu thùng/ngày để loại bỏ dư cung toàn cầu.
Tuy nhiên, các chuyến hàng của Ả-rập Xê-út tới Trung Quốc sẽ không thể giảm nhiều hơn nữa trong 6 tháng cuối năm vì một số lô hàng dầu thô bổ sung của Ả-rập Xê-út đã được hoàn tất sau khi khởi công cơ sở mới tại PetroChina và CNOOC.
Saudi Aramco đã ký hợp đồng một năm để cung cấp một tàu chở dầu siêu lớn chở dầu thô Arab Medium mỗi tháng cho dự án lọc dầu Huệ Châu giai đoạn 2 của CNOOC, dự kiến sẽ bắt đầu vào nửa cuối năm 2017. Chinaoil cũng đã đặt mua thêm các thùng dầu từ Saudi cho nhà máy lọc dầu Yunnan của PetroChina.
Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ các nước OPEC đã tăng 8,3% so với năm ngoái lên 4,69 triệu thùng/ngày, bất chấp hiệp ước cắt giảm sản lượng.
Sự gia tăng này chủ yếu là do dầu đến từ Angola, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1,1 triệu thùng/ngày. Dầu thô của Angola phổ biến tại các nhà máy lọc dầu độc lập. Mặc dù tăng trưởng về khối lượng, nhưng thị phần của OPEC trong nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã giảm xuống 54,6% trong nửa đầu năm từ mức 57,7% của một năm trước.
Nguồn tin: xangdau.net