Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Sự can thiệp của Chính phủ Mỹ thật sự đã giúp ngăn cản cuộc suy thoái lần 2

Chính quyền Bush và Obama đều cho rằng sự can thiệp của Chính phủ nhằm hỗ trợ nền kinh tế từ năm 2008 đến nay đã giúp ngăn chặn cuộc suy thoái thứ 2. Điều này đang được 2 nhà kinh tế học hàng đầu chứng minh bằng những mô hình định lượng phức tạp.

Hai nhà kinh tế học hàng đầu là Alan S. Blinder, giáo sư tại đại học Princeton và cựu phó chủ tịch Fed, ông Mark Zandi, đồng thời là nhà kinh tế trưởng tại Hãng phân tích Moody’s, trong nghiên cứu của mình đã ước tính ảnh hưởng của những phản hồi trong chính sách kinh tế vài năm trở lại đây.

Hai ông này cho biết nếu không có kế hoạch bảo lãnh một loạt các tổ chức tài chính Phố Wall, cuộc thanh tra các ngân hàng, kế hoạch cho vay khẩn cấp và việc mua bán tài sản của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và chương trình kích thích tài chính của Chính quyền Obama, GDP của Mỹ năm 2010 sẽ thấp hơn so mức thực tế tới 6,5%.

Thêm vào đó, nền kinh tế sẽ thiếu hụt thêm khoảng 8,5 triệu việc làm bên cạnh con số hiện tại là hơn 8 triệu việc làm đã mất. Nền kinh tế vì vậy sẽ phải đối mặt với giảm phát, thay vì mức lạm phát thấp như hiện nay.

Trong nghiên cứu, 2 ông nhận định: “Ảnh hưởng của mỗi nhân tố riêng lẻ thì có thể đem ra bàn cãi, song nhìn tổng thể thì hiệu quả cao của sự phản hồi về chính sách là gần như chắc chắn.”

Ông Blinder và ông Zandi nhấn mạnh đến quy mô tổn thất do cuộc khủng hoảng tài chính gây nên. Tổng chi phí trực tiếp của cuộc suy thoát là khoảng 1,6 nghìn tỷ USD, tổng chi phí ngân sách, tính cả khoản doanh thu bị mất xấp xỉ 750 tỷ USD do nền kinh tế suy yếu, chiếm 2,35 nghìn tỷ USD, tương đương 16% GDP.

Con số nói trên được so sánh với mức chi phí từ cuộc khủng hoảng tiết kiệm và cho vay là 350 tỷ USD, trong đó 275 tỷ USD là chi phí trực tiếp và 75 tỷ USD là từ cuộc khủng hoảng 1990-1991, chiếm khoảng 6% GDP vào thời điểm đó.

Hai nhà kinh tế học cũng chỉ ra rằng những biện pháp bình ổn tài chính - Chương trình Giải cứu Tài sản Xấu (TARP) hay gói bảo lãnh, cùng với cuộc thanh tra các ngân hàng và tác động từ phía Fed, đã tạo nên tác động lớn hơn so với chương trình kích thích tài chính của Chính quyền Obama.

Nếu chỉ riêng chương trình kích thích tài chính được thực thi và không có các biện pháp tài chính, mức giảm GDP năm 2009 sẽ là 5% với 12 triệu việc làm bị mất. Nhưng nếu chỉ thực thi các biện pháp tài chính và không thực hiện chương trình kích thích, GDP sẽ giảm gần 4% với 10 triệu việc làm bị mất.

Họ cũng cho biết, không thể so sánh ảnh hưởng kết hợp của cả 2 loại chính sách nói trên với ảnh hưởng riêng biệt mà mỗi loại chính sách đem lại, vì “các chính sách luôn có xu hướng hỗ trợ lẫn nhau.”

Tuy nhiên, một nhà kinh tế hàng đầu khác lại tỏ ý nghi ngờ những kết quả nói trên. Giáo sư Đại học Stanford đồng thời là ủy viên cao cấp tại học viện Hoover, ông John B. Taylor cho biết: “Tôi rất bất ngờ với những ảnh hưởng to lớn của các chính sách được chỉ ra trong nghiên cứu. Và tôi thấy những kết quả trên không đúng với những gì tôi thấy từ kinh nghiệm của mình.”

Theo ông Taylor, Fed đã bình ổn thành công thị trường thương phiếu và thị trường tiền tệ, nhưng việc mua 1,25 nghìn tỷ USD chứng khoán dựa vào những khoản thế chấp đã không mang lại hiệu quả. Ông cũng cho rằng chương trình kích thích của Chính quyền Obama “mang lại hiệu quả rất thấp và không có nhiều điều để nói về chương trình này ngoại trừ việc kế thừa một khoản nợ lớn hơn.”

Sự bất đồng đối với nghiên cứu 2 nhà kinh tế Blinder và Zandi chủ yếu xoay quanh mức độ phụ thuộc của những ước tính về toán kinh tế vào những giải thiết và mô hình. Hai nhà kinh tế học cho biết họ mong rằng phân tích của mình có thể đứng vững trước sự soi xét từ phía các học giả khác. Trong phân tích, 2 ông khẳng định: “Khi mọi thứ đã được thực thi, những chính sách tài chính và tài khóa sẽ tiêu tốn của những người nộp thuế một khoản tiền khổng lồ, nhưng không đến mức như đa số vẫn lo ngại và chắc chắn không nhiều bằng con số sẽ phải chi ra nếu các nhà hoạch định chính sách không có bất kỳ hành động nào.”

Nguồn: New York Times

ĐỌC THÊM