Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Sự đấu tranh của OPEC để tránh giá dầu xuống 40 USD

 

Một vài tuần trước, OPEC + đã cân nhắc khả năng thoát khỏi thỏa thuận cắt giảm sản lượng vì thị trường dầu có nguy cơ bị thắt chặt quá mức. Bây giờ Ả Rập Xê Út đang tìm mọi cách để gia hạn việc cắt giảm và thậm chí có thể đơn phương giảm sản lượng của chính mình nhiều hơn nữa nhằm nỗ lực chống lại sự trượt giá.

Hôm thứ Hai, được biết các quan chức từ Saudi và Nga đã thảo luận về một kịch bản có thể xảy ra trong đó giá dầu rớt xuống dưới 40 đô la mỗi thùng, một sự thừa nhận rằng thị trường đã xấu đi một cách nhanh chóng. Họ xem kết quả đó như một khả năng nếu họ không thể đồng ý việc gia hạn thỏa thuận. “Hiện nay có nhiều rủi ro lớn về tình trạng dư cung”, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết tại Moscow sau cuộc họp với Bộ trưởng dầu mỏ Saudi Khalid al-Falih. “Chúng tôi đã đồng thuận rằng chúng tôi cần tiến hành phân tích sâu hơn và xem các sự kiện diễn ra như thế nào trong tháng Sáu”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như làm nhen nhóm suy đoán về sự rạn nứt ở Vienna trong các phát biểu với hãng tin tức Interfax vào tuần trước. “Tất nhiên, Ả Rập Xê Út muốn giá dầu tiếp tục cao hơn”, hãng thông tấn Interfax dẫn lời ông Putin. “Tuy nhiên, chúng tôi không cần như vậy do bản chất đa dạng hơn của nền kinh tế Nga”.

Saudis, tất nhiên, đang tuyệt vọng để ngăn chặn một đợt rớt giá xoáy ốc như vậy. “ Ở cả hai ở cấp độ song phương và OPEC +, chúng tôi hợp tác để thực hiện các bước phòng ngừa để không cho phép kịch bản đó xảy ra”, al Falih phát biểu tại Moscow. Ông chắc chắn đang cố gắng thuyết phục Novak về sự khôn ngoan trong việc gia hạn cắt giảm sản xuất. Có lẽ để làm cho đề nghị của mình thêm phần hấp dẫn, Ả Rập Xê Út đang xem xét đầu tư vào các dự án ở Nga, bao gồm dự án khí đốt Bắc cực LNG 2, một cổ đông trong công ty hóa dầu Nga Sibur Holding, cùng với các dự án khác hợp tác với Gazprom và Rosneft, Bloomberg đưa tin.

Triển vọng cho thị trường dầu đã tối đi khá nhanh. Chưa đầy một tháng trước, IEA đã dự đoán thâm hụt nguồn cung khá đáng kể trong quý hai ngay cả khi họ thừa nhận một số tổn thất trong nhu cầu. Nhưng kể từ đó mọi thứ dường như trở nên tồi tệ hơn, khi dầu có tháng tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính.

Một số lượng lớn các nhà phân tích đang đưa ra các đánh giá bi quan cho thị trường dầu năm tới. “Cân bằng cung-cầu cho năm 2020 đã rất đáng lo ngại, và nhu cầu giảm xuống mà chúng ta đang dự tính sẽ đặt chúng vào hạng mục xấu”, Roger Diwan của IHS Markit Ltd nói với Bloomberg. Đáng chú ý, các nhà phân tích hàng đầu dự báo tình trạng dư cung trong năm tới ngay cả khi sản lượng từ Iran và Venezuela không tăng trở lại. Đơn cử như, S & P Global Platts, tính đến thời điểm hiện tại, ước tính thừa 400.000 thùng/ngày vào năm 2020, trong khi EIA đưa ra mức khiêm tốn hơn, 100.000 thùng/ngày. IHS Markit dự báo dư 800.000 thùng/ngày. 

Lý do là nhu cầu đang sụt giảm trong khi đá phiến của Mỹ vẫn được dự đoán sẽ tăng trưởng. “Ngày càng có nhiều bằng chứng về nhu cầu giảm mạnh hơn dự kiến”, Martijn Rats, nhà phân tích dầu mỏ tại Morgan Stanley cho biết, theo Bloomberg. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã làm gia tăng đáng kể lo ngại về suy thoái kinh tế.

Nền kinh tế toàn cầu đang giảm tốc, với hoạt động sản xuất trên toàn thế giới chậm lại, một dấu hiệu chắc chắn cho thấy một nền kinh tế gặp phải một số khó khăn. “Bạn đột nhiên nhận thấy tất cả các loại quốc gia trên thế giới chứng kiến ​​các chỉ số sản xuất của họ rơi vào lãnh thổ thu hẹp. Điều đó sẽ trở nên tồi tệ đối với nhu cầu”, Bill O’Grady, một chiến lược gia thị trường tại Confluence Investment Management, cho biết trong một cuộc phỏng vấn của Wall Street Journal.

Nhưng giả sử OPEC + quyết định gia hạn cắt giảm sản xuất, nhóm này sẽ đi một chặng đường dài để bảo vệ chống lại một cuộc bán tháo kịch tính hơn, ngay cả khi điều đó đòi hỏi sự hy sinh liên tục từ phía họ. “Dữ liệu kinh tế yếu kém và xung đột thương mại mở rộng đã tạo ra triển vọng nhu cầu ảm đạm hơn. Để phản hồi lại, chúng tôi đã điều chỉnh hạ dự báo quý III của mình cho Brent xuống còn 66 đô la (trước đó là 73 đô la)”, Commerzbank viết trong một ghi chú. “Chúng tôi đang để nguyên dự báo cuối năm của mình là 70 USD. Điều này là do chúng tôi tin rằng OPEC và Nga sẽ làm mọi việc trong khả năng của họđể ngăn chặn tình trạng thừa cung và đảm bảo giá cao hơn”.

Ngân hàng này lưu ý rằng mặc dù Putin tỏ ra hoài nghi về việc để giá tăng quá xa và thường hài lòng với giá trong phạm vi hiện tại, thế nhưng ông cũng đã chỉ ra rằng Nga và OPEC sẽ đưa ra quyết định chung. “Điều này cho thấy rằng Nga sẽ tham gia vào một thỏa thuận cắt giảm sản xuất sau giữa năm nay”, Commerzbank kết luận.

Saudi có thể đi xa hơn. Sau khi Hoa Kỳ tuyên bố không có miễn trừ mới cho các quốc gia mua dầu của Iran, thì có suy đoán rằng Riyadh sẽ quyết định tăng sản lượng, có thể lên tới 400.000 hoặc 500.000 thùng/ngày. Nhưng với sự suy yếu gần đây của thị trường, điều đó bây giờ đã không được bàn tới. Thay vào đó, Saudi đã cắt giảm sản lượng 120.000 thùng/ngày trong tháng 5 so với một tháng trước đó. Saudi thậm chí có thể đưa sản lượng về mức thấp hơn”, Helima Croft đến từ RBC Capital Markets nói với WSJ.

Nguồn tin: xangdau.net

ĐỌC THÊM