Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tăng trưởng nhu cầu của Trung Quốc hiện có phải là động lực tăng giá duy nhất cho dầu thô?

Sự phục hồi của Trung Quốc đang diễn ra, và nhiều người dự đoán rằng sự hồi phục của Trung Quốc sẽ đồng nghĩa với việc cần nhiều dầu thô hơn, thúc đẩy giá dầu. Nhưng sự phục hồi về kinh tế của Trung Quốc không phải là điều chắc chắn khi nói đến nhu cầu và giá dầu.

Tiêu dùng hộ gia đình, hoạt động nhà máy và chi tiêu cơ sở hạ tầng đều tăng trong hai tháng đầu năm, cho thấy quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới đã bắt đầu bước ra khỏi hoạt động yếu kém từ chính sách không Covid. Nhưng sự không chắc chắn trong nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ làm suy yếu nhu cầu xuất khẩu của Trung Quốc.

Các tổ chức dự báo cho biết, bất chấp khởi đầu chậm chạp vào năm 2023, nhập khẩu hàng hóa năng lượng của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng vào cuối năm nay, trong khi nhu cầu dầu sẽ phục hồi và đưa đưa tiêu thụ dầu toàn cầu lên mức cao kỷ lục.

Trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế do lãi suất tăng và tình trạng bán tháo trên thị trường tài chính trong tuần qua, lan sang các tài sản rủi ro như dầu thô, câu hỏi quan trọng đối với các nhà phân tích là liệu mức tăng nhập khẩu và nhu cầu dầu thô dự kiến của Trung Quốc có đủ để hỗ trợ giá dầu hay không?

Giá dầu thô giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng trong tuần qua do lo ngại về lĩnh vực ngân hàng lan từ Mỹ sang châu Âu với lo sợ về gã khổng lồ Thụy Sĩ Credit Suisse và dẫn tới đợt bán tháo.

Nhập khẩu hàng hóa năng lượng của Trung Quốc đã giảm mạnh trong tháng 1 và tháng 2 năm 2023, nhưng chúng dự kiến sẽ tăng vào cuối năm nay với khả năng mua dầu thô cao kỷ lục, mặc dù Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Vào tháng 1 và tháng 2, hai tháng mà Trung Quốc gộp báo cáo dữ liệu thương mại lại với nhau để loại trừ những sai lệch xung quanh kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài một tuần đầy biến động, nhập khẩu dầu thô và khí đốt tự nhiên của Trung Quốc đã giảm so với năm 2022. Tuy nhiên, khối lượng quặng sắt - nguyên liệu chính để sản xuất thép - tăng vọt khi các nhà máy thép dự trữ hàng với kỳ vọng chính phủ sẽ thúc đẩy nền kinh tế thông qua các dự án cơ sở hạ tầng.

Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đạt trung bình 10,4 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 1 và tháng 2, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2022, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc được Clyde Russell, chuyên gia hàng hóa và năng lượng phụ trách khu vực châu Á của Reuters trích dẫn.

Mức nhập khẩu dầu thô thấp hơn một phần có thể là do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào cuối tháng 1 và thực tế là các lô hàng dầu thô thường được sắp xếp hàng tháng trước khi cập cảng thực tế và thông quan.

Trong tháng này, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc dự kiến vào khoảng 11,18 triệu thùng/ngày, theo Refinitiv Oil Research được nhà báo Russell của Reuters trích dẫn.

Dữ liệu kinh tế chính thức mới nhất của Trung Quốc trong tuần trước cho thấy doanh số bán lẻ đã tăng 3,5% trong tháng 1-tháng 2 so với mức của năm trước, sau khi giảm 1,8% vào tháng 12 năm 2022. Sản lượng công nghiệp cũng tăng trong hai tháng đầu năm 2023 so với một năm trước đó, và đầu tư cơ sở hạ tầng tăng 9% khi chính phủ tăng chi tiêu để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, nhu cầu dầu thô phục hồi khi nền kinh tế Trung Quốc hoạt động bình thường trở lại đã đẩy công suất tại các nhà máy lọc dầu tăng 3,3% trong hai tháng đầu năm.

Cả OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đều kỳ vọng Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu toàn cầu lên mức cao kỷ lục trong năm nay.

OPEC cho biết trong Báo cáo thị trường dầu hàng tháng (MOMR) trong tuần trước rằng việc mở cửa trở lại của Trung Quốc sẽ tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, khi tổ chức này điều chỉnh tăng dự báo cho tăng trưởng nhu cầu dầu của Trung Quốc.

OPEC cho biết: “Tại các nền kinh tế mới nổi, việc Trung Quốc mở cửa trở lại, sau khi dỡ bỏ chính sách hạn chế nghiêm ngặt về COVID-19, sẽ tạo thêm động lực đáng kể cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu”.

Nhu cầu dầu của Trung Quốc dự kiến đạt trung bình 15,56 triệu thùng/ngày vào năm 2023, tăng 710.000 thùng/ngày so với năm ngoái, theo ước tính mới nhất của OPEC. Con số này cao hơn mức tăng trưởng 590.000 thùng/ngày dự kiến trong báo cáo tháng trước.

Về phần mình, IEA cho biết trong báo cáo hàng tháng rằng thị trường dầu mỏ sẽ chuyển từ dư thừa nguồn cung trong nửa đầu năm 2023 sang thiếu hụt vào cuối năm do sự phục hồi kinh tế ở Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ toàn cầu lên mức cao kỷ lục.

IEA cho biết: “Việc tăng dự trữ ngày hôm nay sẽ giảm bớt căng thẳng khi thị trường chuyển sang thiếu hụt trong nửa cuối năm khi Trung Quốc dự kiến sẽ đẩy nhu cầu dầu thế giới lên mức kỷ lục”.

“Việc đáp ứng mức tăng đó sẽ là một thách thức ngay cả khi Nga có thể duy trì sản xuất ở mức trước chiến tranh.”

Nguồn tin: xangdau.net  

ĐỌC THÊM