Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Than đã tăng giá, xăng ‘gặm’ quỹ bình ổn, điện lại sắp ‘rút túi’ người tiêu dùng?

 Có lẽ những ai đang quan ngại chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng quá thấp có thể vui mừng khi biết rằng: các doanh nghiệp xăng dầu tiếp tục ‘ăn’ quỹ bình ổn mà vẫn còn báo lỗ, giá than đã tăng từ đầu năm trong khi ngành điện thì khẳng định: “Giá điện do nhà nước quản lý, tuy nhiên chắc chắn sắp tới giá điện sẽ phải tăng” (trích lời ông Hà Quang Giới - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng).

Theo báo cáo chỉ số Nhà quản trị mua hàng PMI tháng 3/2014,: tốc độ tăng chi phí đầu vào đã chậm lại song vẫn tăng, trong khi giá hàng hóa trên thị trường thế giới như HSBC chỉ ra là giảm, dù Việt Nam là một trong những nước nhập linh kiện, nguyên vật liệu khá cao, chiếm 70-90% nhiều ngành sản xuất quan trọng. Điều đó có nghĩa là: hoặc mức thuế nhập khẩu, vận chuyển, chi phí “ẩn” quá cao, hoặc giá nguồn thiết yếu của sản xuất từ nội địa (xăng dầu, điện, than) quá lớn. Cũng có thể là cả hai.
 
Năm 2013, nhờ giá bán điện bình quân thực hiện năm 2013 ước đạt 1.498,8 đồng/kWh, tăng 134,5 đồng/kWh so với năm 2012, doanh thu bán điện toàn EVN ước đạt 172.470 tỷ đồng, tăng 19,85% so với năm 2012. Năm 2014, EVN tiếp tục đặt mục tiêu kinh doanh có lãi nhờ tăng giá có lộ trình thêm 22% trong hai năm, và được phép tăng 7% một lần thay vì 5% như trước đây, nghĩa là giá bán điện bình quân năm 2014 sẽ tăng thêm ít nhất 34 đồng/kWh. Con số này có thể còn cao hơn nữa khi ngày 1/1/2014, giá than bán cho điện đã tăng từ 4-10% tùy từng loại.
 
Ngay lập tức, EVN đã tỏ ra rất xót xa khi các nhà máy nhiệt điện thuộc quyền mình quản lý ra sức than thở vì tình trạng phải tăng chi phí mua than cho sản xuất điện. Và ngày 28/3, tại hội thảo Phát triển thị trường năng lượng Việt Nam do Ban Kinh tế Trung ương và Hiệp hội Năng lượng tổ chức ở Hà Nội, ông Dương Quang Thành - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - kiến nghị ngành điện đang bị làm khó do giá than đã được “theo thị trường” trong khi EVN hoàn toàn phụ thuộc vào giá bán than của TKV. “Việc liên tiếp tăng giá bán than nội địa cho các nhà máy nhiệt điện than trong hai năm vừa qua cũng đã đẩy mức chi phí nhiệt điện lên cao hơn” - ông Đinh Thế Phúc - Cục phó Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) - góp thêm tiếng nói. Hiện nay, Bộ Công thương cũng đang cố “chia sẻ” phần nào khó khăn của ngành điện khi nỗ lực để thông qua dự thảo thông tư hướng dẫn giá bán điện năm 2014, nới rộng quyền tăng giá cho điện lực trong khi hứa hẹn một sự minh bạch giá điện trong tương lai. Hay nói cách khác, sẽ tăng quyền lực cho một ngành đang chưa minh bạch.
 
Chưa cần điều chỉnh tăng, người dân Việt Nam cũng đang phải hứng chịu một mức giá điện khá cao so với các nước khi xét trên mức thu nhập. Chiếu theo dữ liệu tổng hợp từ IEA, EIA cũng như các ban ngành quản lý năng lượng từ các nước, trang Shrink That Foot Print chỉ ra rằng giá bán điện trung bình ở Mỹ vào khoảng 0,12 USD/kWh, chỉ gấp đôi so với giá điện bán lẻ trung bình ở Việt Nam, trong khi thu nhập bình quân đầu người ở Mỹ cao gấp 26 lần Việt Nam. Giá điện ở Nhật cao gấp gần 5 lần nhưng thu nhập của họ lại gấp 24 lần Việt Nam, trong khi Nhật Bản nổi tiếng là vùng đất của sự đắt đỏ với Tokyo thường xuyên nằm trong Top 3 của thế giới.
 
 
Trong khi đó, không chịu kém cạnh, phía xăng dầu cũng đang “dọn đường” cho bài ca thua lỗ. Theo bảng tính giá cơ sở trên trang web Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, giá bán lẻ xăng 92 hiện hành đang thấp hơn 214 đồng/lít so với giá cơ sở, sau khi dùng quỹ bình ổn thì xuống còn 14 đồng/lít. Nguyên nhân không phải vì giá xăng thế giới tăng, bởi giá thế giới bình quân 30 ngày hôm 30/3 là 116,57 USD/thùng, đến ngày 31/3 đã giảm xuống chút ít 116,53 USD/thùng, và đến hôm 1/4 còn 116,48 USD/thùng. Việc xăng đang ăn chênh 235 đồng/lít sang “lỗ” 14 đồng/lít là nhờ… sự điều hành của Bộ Tài chính. Theo công văn mới, các doanh nghiệp đã được khôi phục lợi nhuận định mức từ 100 đồng lên 300 đồng. Một điều kỳ lạ là, các bài than lỗ trước đó thường vận dụng Nghị định 84 (giữ nguyên lợi nhuận định mức và không được tính trích quỹ bình ổn) thay vì Công văn điều chỉnh của Bộ, trong khi vẫn tiến hành trích quỹ như bình thường. Nay với công văn mới đã được điều chỉnh, nhưng vẫn tiếp tục được trích quỹ bình ổn, các doanh nghiệp xăng dầu lại điềm nhiên… lỗ tiếp - một cái cớ hoàn hảo cho đợt tăng giá trong tương lai.
 
Xem ra, các đại gia ngành năng lượng của Việt Nam đang điều chỉnh giá cực kỳ ăn ý. Có lẽ các bộ ban ngành quản lý, chủ quản dự án - vốn rất hay mắc lỗi “phối hợp chưa đồng bộ” - cũng có thể học hỏi không ít từ bộ ba này.
 
Một trong những nguyên nhân tăng giá than các năm trước là do tăng giá xăng. Năm nay, không thấy Vinacomin kể lể nhiều như vậy nữa, nhưng cũng không thể loại trừ khả năng giá than tăng đầu năm vừa qua cũng một phần là nhờ giá xăng đẩy lên. 

Nguồn tin: SM kinh tế

ĐỌC THÊM