Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thế giới tuần 23-29/8: Ánh sáng cuối đường hầm

Tuyên bố cuối tuần của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke không chỉ có tác dụng trấn an tâm lý giới đầu cơ cổ phiếu Mỹ, mà còn là “ánh sáng cuối đường hầm” với thế giới khi mà quá nhiều dự báo đưa ra gần đây cho rằng kinh tế Mỹ có khả năng rơi vào suy thoái lần hai, từ đó kéo lùi đà hồi phục của kinh tế toàn cầu.

Suy thoái, đại suy thoái

Trước phát biểu của ông Bernanke đã có khá nhiều dự báo về nền kinh tế đầu tàu thế giới được đưa ra, với mức độ “u ám”, “chán chường” mỗi lúc một nặng nề hơn, căng thẳng hơn. Và đi theo sau những dự báo này là thị trường chứng khoán các khu vực chao đảo, giằng co mạnh, thậm chí có lúc còn xuống dưới những ngưỡng hỗ trợ tâm lý quan trọng.

IMF từng cảnh báo, kinh tế Mỹ đang lộ những dấu hiệu suy yếu. Và tệ hơn nữa, Mỹ cũng như nhiều quốc gia phát triển khác đang thiếu một chiến lược tăng trưởng dài hạn hợp lý. Nếu họ không thể hoạch định một con đường chính xác thì kinh tế toàn cầu cũng khó có thể hồi phục thực sự.

IMF cho rằng, sự thay đổi trong cấu trúc nền kinh tế Mỹ 15 năm qua được dẫn dắt bởi thói quen tiêu dùng phung phí, bắt nguồn từ vấn đề lạm phát tài sản nợ. Cuộc khủng hoảng đã đánh dấu chấm hết cho thời kỳ này, tuy nhiên những khiếm khuyết trong cấu trúc kinh tế thì vẫn còn đó: xuất khẩu của Mỹ quá ít ỏi, và khu vực tài chính từng bùng nổ quá mức nay đang thu hẹp lại.

Cơ sở hạ tầng ít được đầu tư đã làm giảm đáng kể sức cạnh tranh của nền kinh tế, vấn đề định giá năng lượng bị bỏ qua khiến cho vốn đầu tư vào hạ tầng đô thị và giao thông thấp hơn mức cần phải có. Hệ thống giáo dục gặp phải nhiều nghi vấn về khả năng cũng như tính hiệu quả của nó. Ở khía cạnh khác, ngân sách các tiểu bang hầu như đều đang trong cảnh túng quẫn, đó là hậu quả của chính sách tài khóa không đủ kiên quyết.

Không như IMF, Cục nghiên cứu kinh tế quốc gia Hoa Kỳ (NBER) nói thẳng suy thoái kinh tế Mỹ chưa chấm dứt, và những nhà hoạch định chính sách cũng như giới phân tích Phố Wall có vẻ như đã lạc quan quá sớm khi cho rằng, suy thoái đã chấm dứt từ hơn 1 năm trước – vào khoảng tháng 6 hoặc tháng 7.

Ngay đầu tháng 4, ủy ban kinh tế học của NBER đã cho rằng còn quá sớm để nhận định cuộc suy thoái bắt đầu từ tháng 12/2007 đã đi đến hồi kết. Các chỉ báo gần đây nhất đều cho thấy quá trình phục hồi thực sự vẫn chưa diễn ra. Tỷ lệ thất nghiệp cho đến nay vẫn không được cải thiện nhiều và đang “kiên trì” ở mức cao.

Số việc làm được trả lương chính thức trong khu vực tư nhân chỉ tăng 71.000 trong tháng 7, thấp hơn so với con số báo cáo được các quan chức đưa ra trước đó. Tính chung tổng số việc làm đã giảm đến 131.000, còn thất nghiệp vẫn tiếp tục trụ vững ở con số 9,5%. Tỷ lệ tiết kiệm tiền mặt của các cá nhân và doanh nghiệp hiện đang ở mức cao kỷ lục, cho thấy người dân cũng như các tổ chức kinh tế thực sự lo lắng khi nghĩ đến tương lai.

Các công ty thuộc khu vực phi tài chính trong nhóm S&P 500 thông báo nắm giữ tới 837 tỷ USD tiền mặt vào thời điểm cuối tháng 3. Con số này tăng 26% so với 665 tỷ USD năm ngoái – một điều rất bất bình thường. Lượng tiền mặt này tương đương với 10% giá trị của các công ty – gần gấp đôi tỷ lệ trung bình được ghi nhận từ năm 1999.

Tương tự như vậy, người tiêu dùng cũng đang chọn cách nắm giữ tiền. Theo báo cáo mới đây của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, tỷ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình ở Mỹ trong tháng 6 lên đến 6,4% - mức cao nhất kể từ đầu năm.

Trên thực tế, GDP vẫn đang tăng trưởng kể từ đầu năm, nhưng đóng góp phần lớn vào kết quả đó là nhờ gói kích thích chi tiêu khổng lồ trị giá 787 tỷ USD của chính phủ và nhu cầu bổ sung hàng tồn kho của các cơ sở công nghiệp vốn đã lâu không xuất hiện.

Tác động của những nhân tố này đang mờ nhạt dần, dẫn đến tốc độ tăng trưởng trong quý II giảm xuống 2,4% so với 3,7% của quý trước. Tình hình có thể sẽ còn tồi tệ hơn nữa cho đến cuối năm. Một số người từng nghĩ rằng khủng hoảng đã kết thúc thì nay lại nhận định nền kinh tế sẽ rơi vào một cuộc suy thoái khác.

Tuy nhiên, những tuyên bố của IMF và NEBR chưa “nặng đô” bằng nhận định của ông David Rosenberg, cựu chuyên gia kinh tế tại Merrill Lynch. Ông này cho rằng, kinh tế Mỹ đang trong thời kỳ khủng hoảng giống như thập niên 1930.

Theo ông, dấu hiệu về sự phục hồi là không bền vững và chỉ mang đến cảm khác ổn định giả tạo. Ông coi điều kiện kinh tế hiện nay đang trong giai đoạn khủng hoảng chứ không phải suy thoái và nhấn mạnh bất kỳ tin tức tốt nào trong giai đoạn đầu của suy thoái kinh tế 1929 – 1933 và đợt suy thoái kinh tế bắt đầu vào năm 2008 chỉ khiến tạo ra những phản ứng hưng phấn.

Ông nhận xét: “Đó là bản chất của con người và không ai có thể bị đổ lỗi vì đã quá lạc quan, tuy nhiên trong công việc quản lý tiền tệ, chúng ta phải có trách nhiệm có cái nhìn thực tế về triển vọng của kinh tế và thị trường.”

Thời kỳ suy thoái 1929 – 1933, GDP hồi phục trong 6 quý với mức tăng trung bình đạt 8%, đầu năm 1930, thị trường chứng khoán Mỹ tăng 50% bởi nhà đầu tư tin rằng thời kỳ tồi tệ nhất đã qua. “Hãy đoán xem điều gì xảy ra, lịch sử có thể đang lặp lại. Chúng ta đã có 4 quý GDP tăng trưởng và mức trung bình chỉ đạt 3%”, Rosenberg cảnh báo.

Và… “chỉ tăng trưởng chậm”

Ngược lại với xu hướng dự báo trên, hôm 27/8, phát biểu Hội nghị thường niên của FED ở Jackson Hole (Wyoming, Mỹ), ông Bernanke cho rằng, sự phục hồi của nền kinh tế đầu tàu thế giới yếu hơn dự tính và FED sẵn sàng hành động khi cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng.

Theo ông Bernake, tăng trưởng kinh tế Mỹ trong thời gian qua ở mức quá thấp và tỷ lệ thất nghiệp quá cao. Tuy vậy, chương trình kích thích kinh tế, khôi phục hàng tồn kho đối với tiêu dùng người dân và đầu tư doanh nghiệp đã phát huy tác dụng. Tiền đề cho khả năng kinh tế đi lên trong năm 2011 vẫn đang tồn tại.

Chủ tịch FED nhận định, nguy cơ giảm phát và suy thoái kép tại Mỹ là rất thấp, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp cao vẫn là yếu tố có sức ảnh hưởng lớn tới việc ra các quyết định chính sách của cơ quan này. FED sẽ luôn cảnh giác và linh hoạt khi lạm phát giảm quá mạnh.

Theo ông Bernanke, hoạt động mua các chứng khoán dài hạn của FED đã phát huy hiệu quả trong việc hạ thấp chi phí vay mượn. Ông tin rằng, việc mua các tài sản như thế mang lại lợi ích lớn hơn là những bất lợi từ chương trình này. Các biện pháp khác như cam kết giữ nguyên lãi suất ở mức siêu thấp trong một thời gian dài hiện đã được phản ánh vào các thị trường, hay việc gia tăng mục tiêu lạm phát có thể đem lại hiệu quả thấp hơn.

Chủ tịch FED cho biết, cơ quan này sẽ tiến hành mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo kinh tế phục hồi và có thể hỗ trợ tăng trưởng bằng cách đưa ra thêm chương trình mua chứng khoán, bán thêm trái phiếu chính phủ hoặc bằng cam kết giữ lãi xuất cơ bản ở mức thấp trong một thời gian dài hơn.

Ngay sau tuyên bố của ông Bernanke, chỉ số đo lường tâm lý nhà đầu tư VIX hạ mạnh xuống 24,25 điểm, thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh. Các chỉ số chính giành giật lại những gì đã mất trong những phiên trước đó, đặc biệt chỉ số công nghiệp Dow Jones lại bật qua ngưỡng cản 10.000 điểm. Tuy nhiên, xét chung cả 5 ngày giao dịch, thị trường chứng khoán Mỹ suy yếu tuần thứ 3 liên tiếp.

Nguồn: vneconomy

ĐỌC THÊM