Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tiêu điểm kinh tế - tài chính thế giới tháng 9/2010

Nhìn lại những điểm đáng chú ý nhất của kinh tế - tài chính thế giới trong tháng 9/2010.

Thị trường chứng khoán thế giới

TTCK Mỹ

Tính cả tháng 9/2010, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 773 điểm tương đương 7,71%; chỉ số S&P 500 tăng 8,75% còn chỉ số Nasdaq tăng 12,03%.

TTCK châu Âu

Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9/2010, chỉ số Stoxx 60 giảm 0,5% xuống 259,72 điểm tính đến 4h30 phút chiều tại thị trường London. Trong tháng 9/2010, chỉ số tăng 3,4%.

Trong quý 3/2010, chỉ số tăng 6,7% bởi lạc quan kinh tế toàn cầu sẽ tránh được khả năng kinh tế suy thoái lần 2. Tuy nhiên so với mức đỉnh cao thiết lập trong tháng 4/2010, chỉ số vẫn thấp hơn tới 4,6%.

Tháng 9/2010, chỉ số CAC 40 của thị trường Pháp tăng 6,43%. Chỉ số FTSE 100 của thị trường Anh tăng 6,19%.

TTCK châu Á

Chỉ số MSCI của TTCK châu Á – Thái Bình Dương tăng 8,4% trong tháng 9/2010 và như vậy ghi nhận mức tăng tháng mạnh nhất tính từ tháng 7/2009. Chỉ số trong quý 3/2010 có quý tăng điểm mạnh nhất trong 1 năm.

Tính cả tháng 9/2010, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật tăng 6,18%. Chỉ số Shanghai Composite của thị trường Trung Quốc tăng 0,64% (thị trường Trung Quốc nghỉ lễ dài ngày). Chỉ số Hang Seng của thị trường Hồng Kông tăng 8,87%. Chỉ số S&P/ASX 200 của thị trường Úc tăng 4,06%. Chỉ số Bombay SE Sensitive của thị trường Ấn Độ tăng 11,67%.

Mỹ

Ngày 08/09/2010, báo cáo khảo sát tình hình kinh tế các vùng (Beige Book) của FED cho thấy kinh tế tăng trưởng với tốc độ vừa phải tại 5 khu vực, 2 khu vực chứng kiến sự đi lên tích cực.5 khu vực còn lại công bố tình hình tốt xấu đan xen hoặc đang đi xuống.

Báo cáo mới nhất từ FED cho thấy quan điểm của FED rằng kinh tế Mỹ dù đang hồi phục chững lại nhưng sẽ không rơi vào suy thoái lần 2.

Bộ Thương mại Mỹ công bố thâm hụt thương mại giảm 14% xuống 42,8 tỷ USD. Các chuyên gia đã dự báo mức thâm hụt sẽ là 47 tỷ USD. Tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu tăng 1,8% lên 153,3 tỷ USD.

Ngày 10/09/2010, ông James Bullard, chủ tịch FED tại St Louis, dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chững lại trong nửa sau năm 2010 thế nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ trở lại tốc độ bình thường trong nửa đầu năm 2011.

Ông Bullard, người có tiếng nói lớn đối với chính sách tiền tệ của Mỹ, trong bài phỏng vấn với CNBC, nói: “Hiện trên thị trường tồn tại sự đồng thuận rằng kinh tế sẽ tăng trưởng chững lại trong nửa sau năm 2010. Thế nhưng mọi thứ sẽ tốt hơn vào nửa đầu năm 2011.”

Ông dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm vào năm 2010, chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp phục hồi.

Theo ông Bullard, việc nước Mỹ có vài báo cáo kinh tế tồi tệ trong tháng 7 và tháng 8/2010 cùng là điều bình thường khi kinh tế đang hồi phục từ thời kỳ suy thoái.

Ngày 21/09/2010, FED thêm một lần nữa cam kết sẽ đưa ra mọi biện pháp để cứu kinh tế Mỹ. Như vậy khả năng biện pháp nới lỏng định lượng lần 2 (QE2) được đưa ra rất lớn. Tuy nhiên FED chưa công bố khung thời gian cụ thể.

Thông tin kinh tế Mỹ công bố trong tháng 9/2010

Tháng 7/2010: Cơ quan tài chính bất động sản liên bang (FHFA) công bố giá nhà đất tại Mỹ tháng 7/2010 giảm 3,3% so với 1 năm trước và như vậy ghi nhận tháng giảm thứ 8 liên tiếp khi nguồn cung nhà bị thu hồi tràn ngập thị trường.Giá nhà đất tại Mỹ, theo tính toán của FHFA, giảm 0,5% so với tháng 6/2010, cao hơn dự báo 0,2% của các chuyên gia.

Chỉ số giá nhà đất Standard & Poor's/Case-Shiller của 20 khu vực đô thị Mỹ tăng 0,6% trong tháng 7/2010 so với tháng 6/2010 và 3,2% so với tháng 7/2009.

Doanh số bán nhà tháng 7 giảm tuy nhiên nhưng được hỗ trợ bởi chương trình tín dụng thuế cho người mua nhà vào tháng 5 và tháng 6/2010.

Bộ Thương mại Mỹ công bố GDP Mỹ quý 2/2010 tăng trưởng 1,7%, cao hơn dự báo của các chuyên gia (1,3% đến 2,2%) và cao hơn so với số liệu 1,6% công bố lần thứ 2. Tuy nhiên con số trên chưa bằng một nửa so với tốc độ tăng trưởng 3,7% của quý 1/2010.

Tháng 8/2010: Bộ Thương mại Mỹ công bố doanh số bán lẻ tháng 8/2010 tăng 0,4% sau khi tăng 0,3% trong tháng 7/2010. Doanh số bán lẻ, không tính ô tô, tăng 0,6%, gấp đôi dự báo của các chuyên gia.

Các nhà máy sản xuất tại Mỹ hãm bớt sản xuất bởi các hãng xe hạn chế sản xuất sau thời kỳ sản lượng tăng trưởng mạnh trong tháng trước đó. Sản xuất công nghiệp tháng 8/2010 tăng 0,2% sau khi tăng 0,6% trong tháng 7/2010. Sản lượng các nhà máy (không kể ô tô) trong tháng 8/2010 lên 0,5%, mức tăng mạnh nhất từ tháng 5/2010.

Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số giá sản xuất tháng 8/2010 tăng 0,4%, mức tăng mạnh nhất trong 5 tháng và cao gấp đôi mức tăng của tháng 7/2010. Các chuyên gia dự báo chỉ số tăng 0,3%. Chỉ số giá loại bỏ giá năng lượng và thực phẩm tăng 0,1%.

Bộ Lao động Mỹ công bố chi phí cuộc sống tại Mỹ tháng 8/2010 tăng 0,3% và ghi nhận tháng tăng thứ 2 liên tiếp. Loại bỏ giá thực phẩm và nhiên liệu, chỉ số giá tiêu dùng lõi không tăng trong khi các chuyên gia đã dự báo chỉ số tăng 0,1%.

Bộ Thương mại Mỹ công bố số lượng nhà xây mới tại Mỹ trong tháng 8/2010 đạt 598 nghìn, tăng 10,5% so với tháng 7/2010 và ở mức cao nhất tính từ tháng 4/2010. Tháng 7/2010, 541 nghìn căn nhà được xây mới. Các chuyên gia kinh tế đã dự báo số lượng nhà xây mới tháng 8/2010 là 550 nghìn. Số lượng giấy phép xây dựng, chỉ báo về tình hình xây dựng trong tương lai, tăng từ mức kỷ lục.

Doanh số bán nhà xây mới tại Mỹ tháng 8/2010 duy trì ở mức 288 nghìn, các chuyên gia đã dự báo số lượng này tăng 295 nghìn.

Hiệp hội nhà đất Mỹ và ngân hàng Wells Fargo công bố chỉ số niềm tin các công ty xây dựng Mỹ tháng 9/2010 duy trì ở mức 13, không thay đổi so với tháng 8/2010 và là mức thấp nhất từ tháng 3/2009. Chỉ số đã được dự báo sẽ lên mức 14.

Hiệp hội nhà đất Mỹ công bố doanh số bán nhà đang sử dụng trong tháng 8/2010 tăng 7,6% lên 4,13 triệu căn (tính trung bình theo năm).

Chính phủ Mỹ công bố số lượng đơn đặt hàng tiêu dùng bền tháng 8/2010, chỉ báo về chi tiêu doanh nghiệp trong tương lai, bất ngờ tăng 4%, trái ngược hoàn toàn với dự báo của giới chuyên gia. Số lượng đơn đặt hàng tiêu dùng bền tháng 7/2010 giảm 5,3%.

Tháng 9/2010: FED tại New York công bố chỉ số kinh tế chính tháng 9/2010 giảm xuống mức 4,1 điểm, mức thấp nhất từ tháng 7/2009 từ mức 7,1 trong tháng 8/2010.Mức trên 0 cho thấy sự tăng trưởng. Chỉ số này bao gồm khu vực New York, Bắc New Jersey và Nam Connecticut.

Số lượng người thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc ngày 11/09/2010 giảm 3.000 xuống 450 nghìn. Các chuyên gia trong đó đã dự báo số lượng thất nghiệp lần đầu tăng lên mức 459 nghìn. Tổng số người nhận trợ cấp thất nghiệp giảm.

FED tại Philadelphia công bố chỉ số kinh tế chính của khu vực lên mức âm 0,7 trong tháng 9/2010 từ mức âm 7,7 trong tháng 8/2010. Mức dưới 0 cho thấy sự suy giảm trong khu vực bao gồm đông Pennsylvania, New Jersey và Delawave.

FedEx, công ty vận tải hàng hóa lớn, hạ dự báo lợi nhuận quý 3/2010 xuống dưới mức dự báo của các chuyên gia. FedEx cho rằng lợi nhuận trong quý hiện tại có thể chỉ đạt khoảng 1,15USD/cổ phiếu cho đến 1,35USD/cổ phiếu. Các chuyên gia đã dự báo 1,37USD/cổ phiếu.

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ tháng 9/2010 do Thomson Reuters/ University of Michigan khảo sát đã rơi xuống mức 66,6 từ mức 68,9 trong tháng 8/2010. Các chuyên gia kinh tế đã dự doán chỉ số tăng lên mức 70.

Conference Board công bố chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ tháng 9/2010 bất ngờ xuống mức 48,5; thấp hơn dự báo của các chuyên gia, từ mức 53,2 của tháng 8/2010. Các chuyên gia kinh tế đã dự báo chỉ số giảm xuống 52,1.

Châu Âu

Ngày 07/09/2010, với phân tích riêng, Wall Street Journal đưa tin thị trường lo lắng kết quả kiểm tra các ngân hàng châu Âu chưa nói hết về mức thua lỗ dự kiến từ khủng hoảng nợ của nhóm ngân hàng khu vực này. Các ngân hàng châu Âu nhiều khả năng cần thêm vốn để bù lại cho thua lỗ từ các khoản đầu tư vào trái phiếu của nhóm nền kinh tế yếu nhất tại châu Âu. Hiệp hội Ngân hàng Đức cho rằng nhóm 10 ngân hàng lớn nhất nước này cần thêm khoảng 105 tỷ euro tương đương 134 tỷ USD vốn.

Ngày 08/09/2010, Đức công bố xuất khẩu tháng 7/2010 đi xuống tháng đầu tiên trong 3 tháng. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể đang mất đà tăng trưởng khi kinh tế toàn cầu chững lại. Tháng 7/2010, doanh số bán hàng ra nước ngoài, sau khi điều chỉnh với số ngày và thay đổi mang tính thời điểm, giảm 1,5% so với tháng 6/2010 khi doanh số tăng 3,7%. Các chuyên gia kinh tế đã dự báo xuất khẩu không có nhiều thay đổi. Trong khi đó, nhập khẩu tháng 7/2010 giảm 2,2% so với tháng 6/2010. Nhập khẩu tháng 6/2010 tăng trưởng 1,6%.

Số lượng đơn đặt hàng các nhà máy tại Đức tháng 7/2010 giảm. Hoạt động sản xuất tăng trưởng chững lại trong tháng 8/2010.

So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu của Đức tháng 7/2010 tăng trưởng 18,7%. Xuất khẩu hàng hóa sang nhóm nước bên ngoài Liên minh châu Âu tăng trưởng 25,1%, doanh số bán hàng hóa sang các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng 15,1%.

Ngày 08/09/2010, chính phủ Bồ Đào Nha bán thành công 1,04 tỷ euro trái phiếu, bao gồm 661 triệu euro (839 triệu USD) trái phiếu kỳ hạn 3 năm và 378 triệu euro trái phiếu kỳ hạn 10 năm.

Ủy ban châu Âu công bố kinh tế khu vực này có thể tăng trưởng cao gấp đôi tốc độ dự báo của các chuyên gia. Ủy ban tại Brussels dự báo kinh tế 16 nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể tăng trưởng 1,7% trong năm nay, gấp đôi tốc độ 0,9% theo dự báo trước đó. Trong nhóm 27 nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu, GDP có thể tăng trưởng 1,8% chứ không phải con số 1% như đã từng được dự báo.

Ireland và Bồ Đào Nha có thể cần thêm sự hỗ trợ từ bên ngoài để giải quyết vấn đề thâm hụt, khủng hoảng nợ châu Âu có khả năng cản đà phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Nhà đầu tư Đức mất niềm tin: Theo trung tâm ZEW chuyên nghiên cứu kinh tế châu Âu, chỉ số niềm tin nhà đầu tư và kỳ vọng của các chuyên gia, chỉ báo về những diễn biến trong khoảng thời gian 6 tháng tới, trong tháng 9/2010 giảm xuống mức âm 4,3 từ mức 14 của tháng 8/2010. Chỉ số niềm tin nhà đầu tư và kỳ vọng chuyên gia như vậy đã giảm đến tháng thứ 5 liên tiếp và thấp nhất từ tháng 2/2009.Các chuyên gia đã dự báo chỉ số chỉ giảm xuống mức 10.

Các công ty kinh doanh trái phiếu lớn nhất tại châu Âu nhận xét thời kỳ xấu nhất đối với nhóm nước nợ nần nhiều nhất tại khu vực đã qua. Các công ty kinh doanh trái phiếu lạc quan rằng các biện pháp giảm thâm hụt ngân sách đủ để giúp khu vực châu Âu đứng vững và tránh khả năng tan rã.

Viện Ifo của Đức công bố chỉ số môi trường kinh doanh tháng 9/2010, dựa trên khảo sát đối với khoảng 7.000 giám đốc điều hành các công ty, leo lên mức 106,8 điểm, mức cao nhất từ năm 2007.

Markit Economics công bố chỉ số khảo sát các công ty trong cả lĩnh vực dịch vụ và sản xuất giảm xuống mức 53,8 trong tháng 9/2010 từ mức 56,2 của tháng 8/2010. Mức trên 50 cho thấy sự tăng trưởng.

Trung Quốc

Cơ quan thông tin Trung Quốc công bố giá nhà tại 70 thành phố của Trung Quốc trong tháng 8/2010 tăng 9,3% so với 1 năm trước. Mức tăng trên thấp hơn con số 10,3% của tháng 7/2010 và đúng với dự báo của các chuyên gia. So với tháng 7/2010, giá nhà đất tháng 8/2010 không thay đổi.

Cơ quan thống kê Trung Quốc công bố sản lượng tăng 13,9% so với 1 năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,5% trong khi đó mức tăng tháng 7 chỉ là 3,3%.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố tổng giá trị các khoản vay mới trong tháng 8/2010 tại Trung Quốc là 545,2 tỷ nhân dân tệ tương đương 80 tỷ USD. Tăng trưởng cung tiền M2 đạt 19,2%.

Doanh số bán lẻ tháng 8/2010 tăng trưởng 18,4% so với 1 năm trước. Doanh số bán lẻ tháng 7/2010 tăng 17,9%.

8 tháng đầu năm 2010, đầu tư vào tài sản cố định tại Trung Quốc tăng trưởng 24,8% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng của tháng 7/2010 chỉ đạt 24,9%.

Số liệu mới công bố cho thấy kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng tốt ngay cả khi chính phủ đưa ra biện pháp hạn chế đà tăng giá của của bất động sản, đóng cửa các nhà máy hoạt động không tiết kiệm năng lượng và hạn chế tín dụng.

HSBC và Markit Economics công bố chỉ số PMI của lĩnh vực sản xuất Trung Quốc tháng 9/2010 tăng lên mức 52,9 từ mức 51,9 của tháng 8/2010. Con số trên đã điều chỉnh với yếu tố mùa vụ; mức trên 50 cho thấy sự tăng trưởng.

Trong tháng 9/2010, Chính phủ Trung Quốc đã cam kết hoàn thành các dự án xây dựng được đưa ra trong chương trình kích thích tài khóa.

Chính phủ Trung Quốc công bố lợi nhuận của các công ty trong lĩnh vực công nghiệp 8 tháng đầu năm 2010 tăng 55% so vơi cùng kỳ năm trước, các công ty như vậy có khả năng đầu tư nhiều hơn.

HSBC mới đây đã dự đoán kinh tế Trung Quốc quý 3/2010 tăng trưởng 9,5% và 10% trong năm 2010. Tháng 8/2010, nhập khẩu tăng trưởng mạnh, nhu cầu nội địa ở mức cao.

Bong bóng vỡ trên thị trường bất động sản Trung Quốc?

Trong khoảng 90 công ty bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến, khoảng 2/3 công ty công bố kết quả kinh doanh yếu kém trong nửa đầu năm 2010.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc yêu cầu nhóm công ty này ước tính mức thua lỗ nếu giá nhà đất có thể giảm tới 60% thay cho mức 30% theo mục tiêu trước đó.

Giá nhà đất tại Trung Quốc cao hơn 60% so với thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính năm 2008. Trong thời kỳ khủng hoảng, cổ phiếu bất động sản giảm 40% sau khi tăng gấp 10 lần trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến năm 2008.

Tính toán mới đây từ Morgan Stanley cho thấy giá nhà đất tại Thượng Hải, Bắc Kinh, Thâm Quyến đã tăng quá cao đến nỗi khoản tiền chi trả thế chấp chiếm tới hơn 80% thu nhập trung bình. Điều này tất nhiên không thể kéo dài mãi.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã quyết định ngăn sự điên rồ này bằng việc hạn chế tín dụng đối với đối tượng mua căn nhà thứ 2 hoặc thứ 2 hay đối với người không thể chứng tỏ họ có thể trả tiền nếu giá nhà ở mức cao

Kinh tế Trung Quốc vào giai đoạn bình ổn

Ngày 14/09/2010, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho rằng nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới vẫn đang tăng trưởng tốt dù ông cảnh báo giá nhà đất tăng cao sẽ đe dọa ảnh hưởng xấu đến sự ổn định.

Từ khi Trung Quốc bước vào quá trình cải tổ kinh tế cách đây 30 năm, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng hơn 90 lần. Tổng giá trị GDP của Trung Quốc trong quý 2/2010 đã vượt Nhật và đứng thứ 2 trên thế giới.

Vấn đề đồng nhân dân tệ vẫn nóng

Hạ viện Mỹ trong ngày thứ Tư (ngày 29/09/2010) đã thông qua dự luật gây sức ép buộc Trung Quốc nâng giá đồng nhân dân tệ. Dự thảo được thông qua với tỷ lệ phiếu thuận/phiếu chống là 348-79.

Hạ nghị sỹ Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, trước thời điểm 1 tháng khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ bắt đầu và vấn đề kinh tế trở nên được quan tâm nhiều nhất, tuyên bố đã đến lúc hành động để cứu việc làm cho người Mỹ.

Đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc phản đối dự thảo từ phía Mỹ và cho rằng động thái trên chỉ khiến căng thẳng giữa 2 nước tăng cao hơn.

Từ ngày 19/06/2010 khi Trung Quốc bỏ chế độ neo tỷ giá đồng nhân dân tệ đến hết tháng 9/2010, đồng nhân dân tệ tăng giá được 2%.

Châu Á và nhóm nước mới nổi

Theo Goldman Sachs, giá trị thị trường của các thị trường chứng khoán nhóm nước mới nổi có thể tăng hơn 5 lần lên 80 nghìn tỷ USD trong 2 thập kỷ và như vậy vượt qua giá trị thị trường của nhóm nước phát triển. Thị trường chứng khoán Trung Quốc vươn lên đứng đầu thế giới.

Chuyên gia Timothy Moe của Goldman Sachs dự báo tăng trưởng kinh tế và quy mô thị trường vốn lớn sẽ có thể giúp nâng tỷ lệ đóng góp của thị trường chứng khoán nhóm nước mới nổi lên 55% vào năm 2030 từ con số 31% hiện nay.

Theo IMF, kinh tế nhóm nước mới nổi được dự báo có thể tăng trưởng 6,4% trong năm sau trong khi đó tốc độ tăng trưởng của nhóm nền kinh tế phát triển được dự báo khoảng 2,4%.

Chuyên gia Moe dự báo giá trị thị trường của thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể lên mức 41 nghìn tỷ USD vào năm 2030 từ mức 5 nghìn tỷ USD hiện nay, cao hơn con số 34 nghìn tỷ USD của TTCK Mỹ.

Ngày 10/09/2010, trong báo cáo mới nhất của Goldman Sachs, lượng vốn ròng vào thị trường nhóm nước mới nổi đang tăng trưởng kỷ lục, giá tài sản tăng cao, rủi ro chính phủ các nước này áp dụng biện pháp kiểm soát vốn tăng cao hơn.

Ông Robin Brooks, chuyên gia chiến lược về thị trường ngoại hối tại Goldman Sachs, chỉ ra lượng vốn vào thị trường các nước nới nổi hiện ở mức khoảng 575 tỷ USD/năm, cao hơn bao giờ hết và cao hơn 20% so với thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Chuẩn mới cho ngành ngân hàng toàn cầu

Các ngân hàng tăng gấp đôi tỷ lệ an toàn vốn (từ 7% lên 14%). Trong đó, vốn cấp hai tăng mạnh nhất, từ 2% lên 7% tổng tài sản. Vốn cấp một cũng phải nâng từ 4% lên 7%.

Ủy ban khuyến cáo khi thị trường phát triển nóng, cơ quan giám sát của các nước cần yêu cầu ngân hàng dành ra một khoản tương đương 2,5% tổng tài sản để phòng nguy cơ bong bóng tín dụng. Với những ngân hàng lớn mà sự sụp đổ của họ có thể đe dọa cả hệ thống, ủy ban còn đưa ra những yêu cầu khắt khe hơn.

Theo lộ trình, phải tới 2013 các ngân hàng thuộc 27 thành viên Basel mới bắt đầu triển khai và đến 2019 mới áp dụng đầy đủ các tiêu chuẩn mới. Song theo New York Times, không phải ngân hàng nào cũng bằng lòng với những yêu cầu khắt khe này. Nếu áp dụng, ngân hàng sẽ khó có cửa đầu tư mạo hiểm, bởi tỷ lệ trích lập dự phòng tăng tỷ lệ thuận với mức độ rủi ro của các khoản đầu tư.

Thành viên Ủy ban Basel gồm: Argentina, Australia, Bỉ, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Hong Kong (Trung Quốc), Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Luxembourg, Mexico, Hà Lan, Nga, Saudi Arabia, Singapore, Nam Phi, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ.

Nguồn: cafef

ĐỌC THÊM