Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tin tổng hợp kinh tế quốc tế ngày 15-4

OPEC duy trì mức dự báo nhu cầu dầu thế giới: Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong báo cáo hàng tháng về thị trường dầu phát hành ngày 14-4 cho rằng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt 85,2 triệu thùng/ngày trong năm nay, giảm 1,1% so với nhu cầu hàng ngày của năm ngoái.

Báo cáo của OPEC chỉ ra mức tiêu thụ dầu trong quý 2 thường thấp, nhưng quý 3 là cao điểm nhu cầu dầu, nếu nhu cầu nhiên liệu công nghiệp và vận tải trong hai quý này không cao như dự báo, tổng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm sẽ thấp.

Mỹ: Doanh số bán lẻ tháng 3 tăng cao hơn dự kiến

Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh số bán lẻ tháng 3 của nước này tăng 1,6% so với tháng trước đó, cao hơn mức dự báo của các nhà phân tích là 1,2%, là mức tăng cao nhất trong bốn tháng qua. Báo cáo cho thấy doanh số bán xe ô tô trong tháng 3 tăng 6,7% so với tháng trước đó, mức tăng cao nhất kể từ tháng 10-2009. Doanh số bán lẻ, không bao gồm xe ô tô, tăng 0,6% so với tháng trước đó và cao hơn mức dự báo của các nhà phân tích là 0,5%. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh số bán lẻ tháng 3 tăng 7,6%.

Trung Quốc: Hạn chế tăng giá nhà tại một số thành phố

Tình trạng thiếu nhà ở tại một số thành phố của Trung Quốc khiến một số người mua nhà để đầu cơ đã làm cho giá nhà tăng cao và nhanh.

Bộ Xây dựng nhà ở đô thị và nông thôn Trung Quốc gần đây tổ chức cuộc họp nhằm kiềm chế giá nhà đất tại một số thành phố tăng nhanh. Sắp tới, bộ này sẽ gia tăng cung cấp nhà ở thông thường, tăng cường quản lý nhu cầu nhà ở và giám sát thị trường, thực thi chính sách tín dụng và thuế nghiêm ngặt hơn đối với nhà ở để ngăn chặn đầu cơ.

EU: Bồ Đào Nha cần thiết phải có biện pháp bổ sung để giảm thâm hụt ngân sách

Ủy viên Kinh tế và Tiền tệ Ủy ban châu Âu, Olli Rehn, cho biết kế hoạch cắt giảm thâm hụt tài chính của Bồ Đào Nha vẫn đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt là khi tăng trưởng kinh tế của nước này thấp hơn so với dự kiến. Ông Olli Rehn cho rằng Bồ Đào Nha có thể phải có biện pháp khác để giảm thâm hụt ngân sách tài chính, đặc biệt là trong năm nay.

Năm 2009, thâm hụt ngân sách của Bồ Đào Nha chiếm 9,3% trong tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP). Mục tiêu của Bồ Đào Nha là đến năm 2013, thâm hụt ngân sách chỉ chiếm 3% GDP, mức trần do Liên minh châu Âu quy định.

Singapore: Cho phép nâng giá tiền tệ

Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore thông báo sẽ cho phép nâng giá đô la Singapore để đối phó với áp lực lạm phát. Ngày 14-4, đô la Singapore tăng 1,25%, 1 đô la Mỹ đổi được 1,347 đô la Singapore. Ngân hàng trung ương Singapore nâng mức dự báo tỷ lệ lạm phát của nước này trong năm nay lên 2,5-3,5%, cho thấy áp lực lạm phát tại Singapore đang gia tăng.

(TBKTSG Online)

ĐỌC THÊM