Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

World Bank cảnh báo Fed phải hoãn tăng lãi suất - Tài chính

Đó là cảnh báo vừa được nhà kinh tế trưởng Kaushik Basu của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra, trong đó ông cũng khuyến cáo Fed nên chờ cho đến khi nền kinh tế toàn cầu có vị thế vững chắc hơn.

Kaushik Basu cho rằng lo ngại ngày càng nhiều về tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc và tác động của nó đến nền kinh tế toàn cầu sẽ khiến quyết định tăng lãi suất của Fed vào tuần tới nếu được thực hiện sẽ mang đến những hậu quả tiêu cực.

Cảnh báo của vị chuyên gia WB này đang nêu bật mối quan ngại đối với yếu tố bên ngoài nước Mỹ trước quyết định tăng lãi suất của Fed.

Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đưa ra những khuyến cáo tương tự, trong đó nêu ra những hậu quả tiềm tàng của việc Fed tăng lãi suất vào tháng 9.

Điều này có nghĩa là nếu các nhà hoạch định chính sách của Fed quyết định tăng lãi suất vào tuần tới, họ sẽ đi ngược lại với mong muốn của cả 2 tổ chức được sáng lập tại Bretton Woods và là những tổ chức giám hộ cho sự ổn định kinh tế toàn cầu.

Ông Basu cho rằng quyết định tăng lãi suất như vậy có thể tạo ra một cú sốc và một cuộc khủng hoảng mới cho các thị trường mới nổi, đặc biệt là khi nó lại diễn ra trong bối cảnh lo ngại về sức khỏe của kinh tế Trung Quốc đã tăng đáng kể sau khi chính quyền Bắc Kinh có động thái phá giá đồng tiền vào tháng trước.

Và dù việc tăng lãi suất đã được Fed báo trước từ lâu, nó sẽ vẫn gây ra sự tháo chạy dòng vốn khỏi các nền kinh tế mới nổi cũng như gây biến động mạnh cho các đồng tiền của họ. Ngoài ra, việc đồng USD mạnh lên cũng sẽ gây phương hại cho tăng trưởng của Mỹ.

Theo ông Basu, việc Fed tăng lãi suất sẽ không tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn, nhưng nó sẽ gây ra một số bất ổn trước mắt, và cùng với việc Trung Quốc phá giá mới đây nó sẽ gây ra hiệu ứng kép, dẫn đến tâm lý hoảng loạn và bất ổn.

"Nền kinh tế thế giới đang rối rắm đến nỗi nếu Mỹ có một bước đi rất nhanh trong hoàn cảnh này, tôi e rằng nó sẽ ảnh hưởng đến các nước khá nặng nề," ông Basu nói.

Sau nhiều tháng báo trước về việc tăng lãi suất trong năm nay, Fed sẽ phải đối mặt với một cuộc tranh luận căng thẳng tại cuộc họp chính sách ngày 16-17/9 này về việc khi nào tăng lãi suất và làm thế nào để giữ cân bằng giữa một nền kinh tế nội địa đang vững chắc với một thị trường tài chính toàn cầu đang biến động do những lo ngại về sự giảm tốc của Trung Quốc.

Có những tín hiệu trái chiều về khả năng tăng lãi suất của Fed trong tháng này. Trong khi thị trường lao động tiếp tục cải thiện, thì đồng USD tăng giá và việc giá các loại hàng hóa giảm có thể kìm hãm lạm phát.

Chủ tịch Fed Janet Yellen đã nhiều lần bật tín hiệu rằng bà mong muốn sẽ tăng lãi suất trong năm nay - lần tăng đầu tiên kể từ năm 2006. Bà chỉ còn 3 cuộc họp từ nay đến cuối năm 2015 để hoàn thành mong muốn của mình.

Tác động của sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đối với thế giới đã được nêu bật bằng những số liệu thương mại công bố ngày 7/9, cho thấy cả xuất khẩu và nhập khẩu của nước này đều giảm trong tháng 8.

Ông Basu cho biết mức dự báo WB đưa ra hồi tháng 6 cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu là 2,8% năm nay đang bị đe dọa do các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Brazil tăng trưởng chậm lại trong khi các nền kinh tế công nghiệp phát vẫn đang tăng trưởng yếu.

“Nhìn chung, chúng ta sẽ bước vào một giai đoạn tăng trưởng toàn cầu chậm lại,” ông Basu đánh giá.

NHD

 

ĐỌC THÊM