Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

"Chơi khó" người tiêu dùng!

Giá xăng dầu trong nước chỉ giảm "nhỏ giọt" (ảnh minh hoạ).
Sau nhiều đợt giảm giá nhỏ giọt, đến 10.12, giá xăng trong nước đã giảm còn 11.000 đồng/lít A92, 12.000 đồng/lít dầu hoả. Thế nhưng, so với các nước trong khu vực, giá xăng dầu trong nước vẫn cao hơn và cũng chưa giảm tương ứng so với mức giảm của giá dầu thế giới.

Điều này đã khiến không ít người tiêu dùng (NTD) lẫn một số DN sử dụng nhiều xăng dầu làm nguyên liệu bất bình. Thế nhưng, theo các DN NK, kinh doanh xăng dầu lẫn cơ quan quản lý, giá xăng dầu hiện nay là hợp lý, thậm chí có DN "kêu" bắt đầu lỗ. Vì sao có sự trái ngược này?

Mức giảm chưa tương xứng

Mặc dù diễn biến giảm giá trong nước khá chậm so với diễn biến thị trường thế giới, nhưng đến nay, qua nhiều lần giảm giá, xăng dầu trong nước đã giảm từ đỉnh cao nhất là 19.000 đồng/lít xuống 11.000 đồng/lít, tương ứng 43%. Thế nhưng, so với mức giảm của giá dầu thô thế giới thì mức giảm này chưa tương xứng. Bởi, so với đỉnh cao của giá dầu thô là 147USD/thùng thì hiện nay giá dầu thô nếu tính khoảng 40USD/thùng, mức giảm là hơn 70%.

Với cách tính này, không ít NTD cho rằng mình chưa được đối xử công bằng. Trong khi đó, các DN sử dụng nhiều xăng, dầu làm nguyên liệu sản xuất cũng gặp khó khăn, thất thế cạnh tranh trên thị trường do giá dầu trong nước không điều chỉnh giảm nhanh và tương ứng như các nước trong khu vực.

Ông Nguyễn Huy Thắng - Chánh Văn phòng Hiệp hội Kính và Thủy tinh VN - cho biết: "Các DN thuộc ngành sản xuất kính xây dựng VN đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là sức cạnh tranh chung của ngành giảm mạnh. Nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng của ngành này là do dầu FO - nhiên liệu sản xuất chính của ngành kính xây dựng chiếm 40 - 50% tỉ trọng trong giá thành sản xuất kính xây dựng ở VN đang có giá quá cao so với thế giới và khu vực.

Cụ thể, hồi tháng 10.2008, khi giá dầu thế giới tăng lên mức 140USD/thùng thì các nhà máy phải mua dầu FO với mức giá từ 6.500 đồng/kg lên 13.000 đồng/kg, tăng 236% so với mức giá chung. Thế nhưng, khi giá dầu thế giới và khu vực giảm xuống mức 60 - 64USD/thùng, giá dầu FO thế giới giảm xuống 50%, giá dầu FO tại VN vẫn giữ mức 11.900 đồng/kg, cao gấp 2 lần so với giá dầu ở các nước trong khu vực".

Giá xăng dầu cao do thuế suất?

Trong khi NTD lẫn các DN chưa hài lòng về giá xăng dầu, cho rằng các DN kinh doanh xăng dầu đang hưởng phần lợi nhuận không nhỏ từ chênh lệch giá, các DN lại đưa ra nhiều lý do khác, thậm chí có DN bắt đầu "kêu" lỗ.

Ông Đặng Vinh Sang - TGĐ Cty SaigonPetro - cho biết: "Khi giá dầu 130 - 140USD, lúc đó thuế suất chỉ 0%. Nhưng hiện nay, thuế NK đã tăng lên 40%, cộng 10% thuế tiêu thụ đặc biệt, 10% thuế VAT, 500 đồng/lít lệ phí giao thông tương ứng 10%... và trích 1.000 đồng/lít để nộp bù lỗ trước đây. Những loại phí này đã khiến giá xăng hiện nay chưa giảm nhiều".

Thêm vào đó, một Cty kinh doanh xăng dầu còn "bật mí", thực trạng kinh doanh xăng dầu hiện nay do cạnh tranh giữa các Cty, nên khoản chiết khấu cho các đại lý bán hàng đã phải tăng lên từ tháng 8 - 9 với mức tăng dần từ 400 đồng/lít lên khoảng 1.200 đồng/lít. Thế nên, DN nào còn hàng tồn giá cao đang phải lỗ 500 đồng/lít.

Từ "bật mí" này cho thấy, một khoản tiền không nhỏ của người dân đang rơi vào túi các đại lý - điều mà trước đây NTD ít để ý đến. Bởi theo một chuyên gia kinh tế, với mức tiêu thụ khá lớn trên thị trường hiện nay, các đơn vị kinh doanh xăng dầu chỉ cần lãi khoảng 200 đồng/lít xăng dầu thì số tiền lợi nhuận đã là một khoản đáng kể.

Theo phân tích, tính toán của các chuyên gia, với mức thuế suất và các khoản phí, giá dầu thô thế giới trong vòng 1 tháng qua, giá bán lẻ xăng 10.000 đồng/lít A92 là hợp lý. Mặt khác, theo các Cty kinh doanh xăng dầu, hiện nay đang còn bất cập trên thị trường kinh doanh xăng dầu. Đó là những đơn vị trước đây chấp nhận lỗ, nhập hàng giá cao để cung ứng trên thị trường, hiện đang chịu lỗ hơn so với các đơn vị không nhập hàng, tham gia cung ứng thị trường nhiều khi giá dầu thế giới cao.

Chính những DN này hiện nay không phải bỏ ra 1.000 đồng/lít để bù lỗ, nên thu được lợi nhuận cao trong tình hình hiện nay. Để giải quyết những vấn đề trên, cần có sự can thiệp của các bộ, ngành, trong đó việc chiết khấu cho các đại lý đang tăng cao với mức hơn 1.000 đồng/lít là điều cần lưu tâm.

(Lao động)

ĐỌC THÊM