Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Bão Harvey có thể là yếu tố giúp OPEC thành công trong mục tiêu tăng giá dầu

Bão Harvey có thể giúp đạt được những gì trên thị trường dầu thô toàn cầu chỉ trong một vài ngày, trong khi OPEC và các nước đồng minh đã phải vật lộn để đạt được nó trong nhiều tháng – đó là thắt chặt nguồn cung và tăng giá.

Bão Harvey đã tiến vào bờ biển Texas hôm thứ Sáu, là cơn bão mạnh nhất đánh vào đất liền trong hơn 50 năm, gây ra thiệt hại và lũ lụt trên diện rộng.

Khu vực có bão đi qua là nơi có công suất lọc dầu khoảng 2,2 triệu thùng/ngày cũng là điểm vận chuyển chính cho cả nhập khẩu và xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm nhiên liệu.

Công suất lọc dầu bị ảnh hưởng bởi cơn bão là khoảng 11,2 phần trăm trong tổng sản lượng cả nước, và tác động tức thì đang được cảm nhận với giá xăng.

Giá xăng đã tăng tới 6.8% vào đầu phiên giao dịch hôm thứ Hai ở châu Á chạm mức 1,7799 USD/gallon.

Dầu Brent đã tăng 0.8% trong phiên giao dịch Châu Á, lên tới 52.84 USD/thùng.

Cho đến nay, điều này ngụ ý thị trường dầu thô khá thoải mái về tác động của bão Harvey, nhưng có thể ảnh hưởng của cơn bão sẽ đi xa hơn là giá xăng trong nước, do Mỹ là một cường quốc mới nổi trong xuất khẩu dầu thô và sản phẩm lọc dầu.

Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ đã làm nản lòng những nỗ lực của OPEC và các đồng minh để đẩy giá dầu tăng cao trong năm nay bằng cách hạn chế sản xuất của chính họ.

Trong khi sản xuất dầu thô ngoài khơi vùng vịnh Mexico bị ảnh hưởng thì mức độ thiệt hại từ cơn bão gây ra  có lẽ còn cả trên đất liền.

Lưu vực đá phiến Eagle Ford nằm trên đường đi của cơn bão và các nhà sản xuất trong khu vực đã phải ngừng hoạt động.

Theo báo cáo của S & P Global Platts, trong số các công ty dầu mỏ đã ngừng hoạt động ở Eagle Ford là ConocoPhillips, công ty sản xuất 161.000 thùng dầu tương đương mỗi ngày vào cuối năm 2016, BHP Billiton với 99.000 thùng/ngày và Murphy Oil với 46.000 thùng/ngày.

Rủi ro là sản xuất trên bờ mất nhiều thời gian hơn để quay lại hơn là thị trường kỳ vọng, do thiệt hại trên diện rộng tới cơ sở hạ tầng do lũ lụt gây ra trong khu vực và mất thời gian dài để nước lũ rút.

Nếu đúng như vậy, các khách hàng mua dầu thô và các sản phẩm chưng cất của Mỹ có thể phải tranh giành nhau những lô hàng thay thế.

TÁC ĐỘNG TOÀN CẦU

Ảnh hưởng từ bão Harvey sẽ không chỉ giới hạn ở Hoa Kỳ và các nước láng giềng lân cận.

Theo dữ liệu hải quan, Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 130.000 thùng/ngày từ Mỹ trong bảy tháng đầu năm, trong đó có 174.000 thùng/ngày trong tháng 7, khiến Mỹ trở thành nhà cung cấp lớn thứ 15 cho quốc gia mua dầu thô hàng đầu thế giới.

Hoa Kỳ đã xuất khẩu khoảng 1 triệu thùng dầu thô trong những tháng gần đây, và trong khi không phải tất cả những điều này sẽ bị ảnh hưởng bởi Harvey, thì 3/4 lượng này được vận chuyển từ vùng Vịnh Bờ Hoa Kỳ.

Không chỉ xuất khẩu dầu thô của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng, mà khu vực này cũng là trung tâm nhập khẩu.

Điều này có nghĩa là lưu lượng dầu sẽ bị gián đoạn, với một số lô hàng có thể sẽ bị chuyển hướng.

Nhìn chung, điều này làm cho nhiều khả năng giá sẽ tăng trong ngắn hạn khi các nhà cung cấp dầu thô tới bờ Vịnh Mỹ tìm kiếm khách hàng mới và người mua dầu thô của Mỹ tìm kiếm nguồn hàng mới.

Cũng có khả năng chênh lệch giữa các loại dầu thô khác nhau sẽ bị ảnh hưởng, vì Mỹ chủ yếu xuất khẩu dầu thô nhẹ nhưng nhập khẩu loại nặng hơn.

Sự sụt giảm trong xuất khẩu dầu thô của Mỹ có thể làm tăng nhu cầu đối với các loại dầu tương tự từ các nhà cung cấp như Angola và Nigeria, trong khi các hãng vận chuyển dầu nặng hơn có thể sẽ phải giảm giá nếu các lô hàng tới Mỹ phải chuyển hướng.

Mặc dù Harvey có thể có tác động trong ngắn hạn đối với thị trường dầu thô và sản phẩm chưng cất toàn cầu nhưng câu hỏi đặt ra là tốc độ sản xuất và xuất khẩu của Mỹ trở lại bình thường nhanh như thế nào.

Thậm chí giả định nó mất không quá một vài tuần, thì tác động của bão Harvey có thể sẽ kéo dài lâu hơn.

Thực vậy, cơn bão đã giúp cho OPEC và các đồng minh, chẳng hạn như Nga, nhẹ nhõm đi phần nào.

Có vẻ như Ả rập Xê-út, nhà sản xuất hàng đầu của OPEC, đang vận chuyển ít dầu thô hơn để tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng của mình.

Nếu các nhà sản xuất khác có thể thực hiện theo đúng kế hoạch trong vài tháng tới, thì có thể bất kỳ sự thắt chặt nào gây ra bởi tác động của cơn bão đơn giản là có thể được kéo dài, dẫn đến sự tăng giá bền vững.

Nguồn tin: xangdau.net

ĐỌC THÊM