Theo một nghiên cứu kinh doanh mới từ Đại học Duke, KU Leuven và Đại học California ở Los Angeles, những nỗ lực của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã làm tăng chi phí sản xuất dầu và khí đốt lên thêm gần 160 tỷ USD, làm chuyển đổi ngành công nghiệp này.
Số liệu theo dõi 13.248 mỏ dầu trong 34 năm cho thấy cách mà nhóm này đã làm tăng trở ngại tài chính để tham gia vào cuộc chơi dầu khí như thế nào.
Nhà kinh tế học Allan Collard-Wexler, một trong những tác giả nói: "Câu hỏi mà người ta thường hỏi về OPEC và các nhóm khác là: Liệu nó có làm tăng giá cho người tiêu dùng không? Chúng tôi thấy rằng nhóm cũng có những ảnh hưởng rộng lớn hơn đối với nền kinh tế."
Chiến lược chủ chốt của OPEC kể từ khi thành lập vào năm 1960 là kiểm soát sản lượng để giá dầu ở mức cao. Họ đã làm điều này thông qua hạn ngạch và các thỏa thuận khác, nhưng mục tiêu của nhóm là nhất quán. Hệ quả không mong muốn của chiến lược này là thúc đẩy các nhà sản xuất tìm kiếm các phương pháp mới và tốn kém để chiết xuất được dầu từ mặt đất.
Allan Collard-Wexler cho biết: "về cơ bản chúng tôi đang xây dựng những tòa nhà chọc trời ở đại dương. Nó giống như việc xây dựng một tòa nhà 10 tầng ở giữa Bắc Cực. Nhiều trong số những công nghệ này - ví dụ như fracking - sẽ không tồn tại nếu không có các hoạt động của OPEC".
Đồng ý với các lý thuyết kinh tế cổ điển về những ảnh hưởng của sự độc quyền đối với sức khoẻ của một ngành công nghiệp, nghiên cứu cho biết, việc có một nhóm thao túng thị trường sẽ làm tăng chi phí sản xuất.
"Đó là một khía cạnh nhận được ít sự quan tâm hơn so với giá cả. Và nó có mối quan hệ mật thiết với tăng trưởng kinh tế ", nhà kinh tế nói.
OPEC là tổ chức dầu mỏ lớn nhất thế giới và sản xuất gần 40% lượng nhiên liệu hóa thạch được tìm thấy trên thị trường quốc tế, nhưng các nhà sản xuất lớn như Nga, Mỹ và thậm chí là Trung Quốc không nằm trong nhóm này. Hiệp định mới nhất đã cam kết cắt giảm 1,2 triệu thùng mỗi ngày cho đến tháng 3 năm 2018.
Nguồn tin: xangdau.net