Việc giảm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng đang chờ ý kiến của Chính phủ.
Ngày 3-8, Bộ Tài chính cho hay, trước diễn biến của thị trường xăng dầu thế giới, cơ quan này đã nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành một số chính sách về thuế để góp phần ổn định giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô cũng như an ninh năng lượng.
Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết giảm tiếp thuế bảo vệ môi trường cho xăng, dầu, mỡ nhờn..., Bộ Tài chính đã gửi công văn cho Tổng cục Thuế và các cơ quan liên quan yêu cầu thực hiện việc giảm thuế minh bạch, thống nhất.
Đối với thuế nhập khẩu, ngày 19-7, trên cơ sở ý kiến các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế suất MFN) đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì thuộc nhóm 27.10 từ 20% xuống 10%.
Bộ Tài chính đánh giá chính sách này sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung, tạo cơ hội tiếp cận nguồn cung mới cho các doanh nghiệp nhập khẩu thay vì phụ thuộc vào nguồn xăng từ Hàn Quốc hay các nước trong ASEAN
“Văn phòng Chính phủ đang tổng hợp ý kiến thành viên Chính phủ để trình Chính phủ ký ban hành”- Bộ Tài chính thông tin.
Đối với thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt, ngày 28-7, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng, xin chủ trương về phương án thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, dầu.
“Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan triển khai xây dựng văn bản theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”- Bộ Tài chính cho biết.
Liên quan đến giá xăng dầu, Bộ Tài chính đánh giá, tháng 7-2022, mặc dù giá xăng dầu trong nước giảm mạnh trong nhưng giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn tăng. Điều này được giải thích là “do nhiều yếu tố tác động đan xen”.
Để tránh việc lợi dụng xu hướng tăng giá xăng dầu từ đầu năm hoặc cố tình kết cấu thêm những khoản chi phí ngoài giá để tăng giá bất hợp lý, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các bộ, ngành địa phương kiểm soát chặt giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh trong các kỳ điều hành vừa qua.
Đồng thời, tăng cường rà soát kê khai giá các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logicstic để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào.
Trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời. Công điện cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu tiền dịch vụ đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, kết cấu đưa thêm những khoản thu ngoài giá để thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết.
Đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chịu ảnh hưởng gián tiếp từ giá xăng dầu, có tác động đến CPI, đời sống người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan ở Trung ương và địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường… để điều hành, bình ổn giá phù hợp, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý…
Đề nghị Bộ GTVT rà soát giá cước vận tải
Đối với giá cước vận tải, theo quy định hiện hành thì Bộ GTVT là cơ quan chủ trì quản lý nhà nước về lĩnh vực vận tải. Bộ Tài chính là cơ quan phối hợp khi có yêu cầu. Hiện nay, Bộ GTVT, Sở GTVT các tỉnh đang tiếp nhận kê khai giá đối với lĩnh vực cước vận tải hành khách các tuyến
“Đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo rà soát, tiết giảm chi phí để giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ đối với các dịch vụ vận tải do nhà nước định giá thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải.
Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá, đề nghị cơ quan tiếp nhận kê khai rà soát mức giá kê khai dịch vụ vận tải phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá và đề xuất, tham mưu cơ quan có thẩm quyền có biện pháp quản lý giá phù hợp với tình hình thực tế”, Bộ Tài chính nêu.
Nguồn tin: Pháp luật