Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

DN vận tải vẫn ‘tảng lờ’ giảm cước

Dù giá xăng dầu tiếp tục giảm thêm 1.000 đồng một lít nhưng nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn làm ngơ với việc giảm giá cước. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các mặt hàng thiết yếu chưa thể rẻ thêm và chưa kích thích sức mua trên thị trường.

Xăng dầu thường chiếm 40 - 50% chi phí đầu vào của cước vận tải. Giá xăng hiện giảm 6.000 đồng (tương đương 31,5%), giá dầu diesel giảm 2.900 đồng (19%) so với mức kỷ lục 19.000 đồng một lít trong tháng 7. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, giá cước vận tải vì thế phải giảm tương ứng 15 - 18%.
 
Tuy nhiên, đến thời điểm này, các doanh nghiệp vận tải mới chỉ giảm 10% cước taxi, 5% với cước vận tải đường dài (tương đương 500 - 1.000 đồng một km).

Trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam thừa nhận: “Mức giảm này chưa đạt yêu cầu và chưa xứng với kỳ vọng”. Thậm chí đến nay, hàng chục doanh nghiệp taxi vẫn chưa giảm giá cước.

Cước vận tải vẫn chỉ giảm "nhỏ giọt". Ảnh: Như Ý.

Doanh nghiệp chậm giảm cước cũng là lý do khiến giá các mặt hàng thiết yếu chưa thể giảm nhiều. Phó Tổng Giám đốc Siêu thị BigC Hà Nội Nguyễn Thái Dũng cho biết, báo giá đầu vào của các mặt hàng mỳ tôm, dầu ăn, rau củ quả, thịt gà, thịt lợn… có hạ 3 - 5% nhờ chi phí vận tải giảm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phân phối vẫn chờ cước vận tải giảm tiếp để hàng hóa đến tay người tiêu dùng có giá hợp lý hơn, kích thích được sức mua trên thị trường.

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị  Công ty Taxi Việt Sơn (taxi Net) cho biết, phải chờ giá xăng rẻ thêm nữa vì xăng giảm 1.000 đồng tương đương 5%. Ngành vận tải vì thế chỉ có thể hạ cước tối đa 2 - 3%. “Nếu điều chỉnh giảm nhỏ giọt, thủ tục phức tạp sẽ rất mất thời gian mà thực tế người dân cũng không được hưởng giá thấp hơn bao nhiêu”, ông Sơn lý giải.
 
Ông Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc taxi Nguyên Minh cũng giải thích, đợt điều chỉnh của xăng dầu lần này rơi vào đúng thứ 7 nên “doanh nghiệp chưa phản ứng kịp”.

Trong khi đó, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định, đã đề nghị các đơn vị thành viên khẩn trương giảm tiếp giá cước ngay sau khi liên Bộ tài chính – Công thương quyết định giảm giá xăng cuối tuần qua. Đặc biệt, những đơn vị vẫn chưa áp dụng giá cước mới phải kết hợp với mức giảm giá xăng dầu lần này để đăng ký điều chỉnh giá cước cho hợp lý.

Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đỗ Gia Phan cho rằng, lý giải của các doanh nghiệp trong việc trì hoãn giảm giá cước là “không thể chấp nhận được”. Theo ông Phan, điều này cho thấy một bộ phận doanh nghiệp chỉ đứng trên quyền lợi cục bộ, lạm dụng quyền tự quyết giá, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Một số chuyên gia cho rằng, cơ chế lỏng lẻo chính là nguyên nhân dẫn đến việc “doanh nghiệp khi tăng giá thì sốt sắng, khi giảm giá lại chây ỳ”. Nguyên phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận: “Lâu nay mới chỉ để ý xử phạt doanh nghiệp tăng giá bán quá mức mà chưa lường đến tình huống ngược lại là doanh nghiệp giảm giá không tương xứng khi giá đầu vào đã giảm mạnh”.

(Đất Việt)

ĐỌC THÊM