Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá cước vận tải cần được giảm đồng loạt

Thời gian qua, giá xăng dầu trong nước liên tục giảm theo diễn biến chung của thị trường thế giới. Sau đợt giảm giá vào ngày 8-11 và hôm nay 15-11 giá xăng dầu trong nước đã quay về mức tương đương với mức giá trước khi có đợt tăng mạnh vào ngày 21-7. Dù giá xăng dầu đã giảm mạnh nhưng đến nay, nhiều hãng vận tải chưa giảm giá cước.

Khách hàng chịu thiệt

 

Giám đốc Xí nghiệp Quản lý Bến xe phía Nam Nguyễn Tất Thành  cho biết, đến nay mới có 2 doanh nghiệp (DN) vận tải tại bến đã giảm giá cước vận tải. Đó là Trung tâm Tân Đạt (Tổng Công ty Vận tải Hà Nội) và Công ty CP Vận tải ô tô Nam Định. Hai DN này đã áp dụng mức giá cước mới từ 11-11. Theo đó, Trung tâm Tân Đạt giảm cước tuyến Hà Nội-TP Hồ Chí Minh từ 560 nghìn đồng/vé xuống còn 510 nghìn đồng/vé. Công ty CP Vận tải ô tô Nam Định giảm giá vé từ 45 nghìn đồng xuống 40 nghìn đồng/vé về tới TP Nam Định và giảm từ 50 nghìn đồng xuống 45 nghìn đồng/vé về tới các huyện. Ngoài ra, hiện có khoảng 10 DN khác đã có đề xuất giảm giá vé. Một phụ xe tuyến Hà Nội-Thái Bình cho biết, đến nay vẫn chưa thấy HĐQT công ty thông báo về việc giảm giá cước. Tại Bến xe Gia Lâm, thậm chí chưa có DN nào đề xuất phương án giảm giá vé với xí nghiệp quản lý bến xe. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tại các tỉnh phía Nam, mức cước đi miền Trung, Vũng Tàu cũng đã giảm từ 5 nghìn đồng đến 20 nghìn đồng/vé, tùy tuyến.

 

Đại diện của hơn 70 DN taxi tại Hà Nội cũng đã nhất trí giảm giá cước khoảng 10%. Tuy nhiên, việc giảm giá chưa thể diễn ra ngay do việc kiểm định đồng hồ tính cước sau khi điều chỉnh giá mất nhiều thời gian. Hà Nội hiện có khoảng 10 nghìn taxi nhưng chỉ có 1 trung tâm, 2 trạm kiểm định lưu động nên có hãng sẽ phải đợi 1-2 tháng mới đến lượt kiểm định đồng hồ. Nguyên nhân chủ quan có, khách quan có. Chủ trương giảm giá cũng đã rõ, nhưng nếu chậm ngày nào, hành khách sẽ tiếp tục phải nai lưng “gánh” chịu thiệt thòi ngày đó. Mặt khác mức giảm của các đơn vị như nêu trên dường như chưa tương xứng.

 

Cần quay về mức trước ngày 21-7

 

Dù chưa nhiều DN giảm cước vận tải, nhưng Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cùng lãnh đạo một số bến xe nhận định, với sự cạnh tranh quyết liệt trong lĩnh vực vận tải thời gian qua, trong tuần tới, giá cước sẽ giảm đồng loạt. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng khuyến cáo các DN thành viên nên giảm giá cước xuống mức tương đương với mức giá trước ngày 21-7 (đợt tăng giá xăng dầu lớn nhất). Mức giảm cụ thể tùy theo mức tăng của các hãng trước đó, với taxi là từ 15% đến 18%, đối với vận tải hành khách liên tỉnh là khoảng 8%-10%.

Giải thích nguyên nhân các đơn vị chậm giảm giá cước, ông Hùng cho biết, việc giảm giá phải theo quy trình nhất định và báo cáo với cơ quan chức năng.

 

Sau khi quyết định giảm giá, sớm nhất 3 ngày sau mới có thể áp dụng mức giá mới. Theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, đến ngày 14-11, khoảng 50% số DN vận tải đã kê khai sẽ giảm giá trong thời gian tới. Ông Hùng khẳng định, khi có DN giảm giá, các DN khác hoạt động cùng tuyến cũng phải giảm giá để cạnh tranh. Trong tuần tới, chắc chắn các DN sẽ đồng loạt giảm giá cước. Nếu giữ mức giá bất hợp lý, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra và thực hiện các biện pháp quản lý cần thiết, ông Hùng nhấn mạnh. Giám đốc Xí nghiệp Quản lý Bến xe phía Nam Nguyễn Tất Thành cho biết thêm, ngày 15-11, 10 đơn vị đề xuất giảm giá vé có thể sẽ áp dụng mức giá mới.

 

Về phía ngành Đường sắt, từ 0h ngày 15-11, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng giảm thêm 3% mức phụ thu nhiên liệu đối với vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, giá vé tàu tết vẫn không thay đổi và ngành vẫn bán vé theo phương án giảm giá chiều vắng khách, tăng giá chiều đông khách trong ngày cao điểm.

(Nguồn Hà Nội Mới)

ĐỌC THÊM