Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá dầu giảm cũng là cơ hội cho Petro Vietnam ?

Từ phải qua: Tổng thống Huygo Chavez, ông Rafael - Bộ trưởng Bộ Năng lượng Venezuela và đồng chí Đinh La Thăng.
Dự báo năm 2009, giá dầu trên thế giới sẽ không thể tăng cao như giữa năm 2008. Giá dầu giảm khiến doanh thu của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam) cũng giảm nhiều. Điều đó có tác động không nhỏ tới hoạt động của tập đoàn và đóng góp vào ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, đã có nhiều tia sáng tích cực “lóe” ra trong bức tranh dầu khí ảm đạm này.

PV Chuyên đề ANTG đã có buổi trao đổi với đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam về những vấn đề quan trọng của ngành dầu khí.
 
PV: Xin đồng chí vui lòng cho bạn đọc Chuyên đề ANTG biết một số nét khái quát về ngành dầu khí thế giới nói chung và của riêng Việt Nam trong năm 2009.
 
Đ/c Đinh La Thăng: Như chúng ta đã biết, thị trường dầu khí thế giới trong năm 2008 có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, ngoài tất cả các dự đoán của các chuyên gia và các tổ chức tư vấn có nhiều kinh nghiệm nhất (có lúc giá dầu lên tới gần 150 USD/thùng và đến thời điểm cuối năm đã chạm gần tới mức giá 40 USD/thùng).
 
Năm 2009, các tổ chức tư vấn thế giới có nhiều dự báo khác nhau về giá dầu, song đều có nhận định chung là giá dầu thô sẽ ở mức thấp (có tổ chức dự báo là dưới 30 USD/thùng thậm chí là 25 USD/thùng, có tổ chức dự báo là trong khoảng 30-50 USD/thùng...), cùng với tình hình khủng hoảng tài chính và suy giảm/suy thoái kinh tế trên thế giới chưa dự báo được điểm dừng làm cho cầu về tiêu dùng trên thế giới giảm nghiêm trọng kéo theo đó là dư thừa về cung, trong đó cung - cầu về dầu thô và các sản phẩm dầu cũng không tách khỏi sự chao đảo của quy luật cung - cầu hàng hóa chung.
 
Vì vậy, ngay từ đầu năm 2009, các công ty dầu trên thế giới đều đã và đang phải xem xét lại tiến độ, kế hoạch triển khai các dự án thăm dò, phát triển, khai thác và chế biến dầu khí do phải cân nhắc kỹ đến hiệu quả đầu tư và khả năng thu xếp vốn cho các dự án, hệ quả là:
 
Đối với Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Tập đoàn) nhận định, sự biến động về kinh tế - tài chính thế giới và trong nước đang và sẽ tác động lớn đến mọi thành phần kinh tế của Việt Nam.
 
Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam với hoạt động chính là thăm dò, khai thác, vận chuyển, dự trữ, chế biến dầu khí và các dịch vụ dầu khí sẽ là một trong những đơn vị chịu tác động lớn và sâu rộng.
 
Các tác động khó khăn là: Giá dầu thô giảm mạnh, gây khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản lượng dầu thô xuất khẩu của Tập đoàn và làm giảm rất lớn nguồn thu của Tập đoàn từ khai thác dầu khí; Kế hoạch tiếp tục khai thác dầu khí tại các mỏ nhỏ, cận biên sẽ gặp khó khăn trong việc bù đắp chi phí.
 
Tiến độ triển khai các dự án thăm dò và phát triển sẽ bị ảnh hưởng do các nhà thầu phải cân nhắc đến hiệu quả đầu tư và khả năng thu xếp vốn, hệ quả là sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trữ lượng và ảnh hưởng đến sản lượng khai thác của Tập đoàn trong những năm tiếp theo.
 
Giá dầu rẻ kéo theo giá dịch vụ dầu khí rẻ từ Trung Quốc sẽ là nguy cơ cạnh tranh lớn đối với công tác phát triển dịch vụ dầu khí của Tập đoàn; Sự hấp dẫn vốn đầu tư nước ngoài vào các dự án đầu tư của Tập đoàn sẽ khó khăn hơn, do các ngân hàng, các tập đoàn lớn ở nước ngoài cũng gặp khó khăn về tài chính.
 
Tuy nhiên, Tập đoàn nhận định, trong thời kỳ khó khăn của nền kinh tế cũng có nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế tài chính lớn như Petro Vietnam tái cơ cấu lại các lĩnh vực kinh doanh một cách hợp lý, tổ chức sắp xếp và ổn định lại doanh nghiệp đón đầu thời kỳ phục hồi kinh tế dự kiến sau năm 2009. Khi nền kinh tế đã có bước phát triển ổn định và bắt đầu có tích lũy sẽ tạo đà cho sự tăng trưởng vào năm 2010 và những năm tiếp theo.
 
PV: Thưa đồng chí, sự giảm giá dầu trên thế giới và giảm doanh thu của riêng ngành dầu khí Việt Nam có tác động như thế nào đối với kinh tế đất nước?
 
Đ/c Đinh La Thăng: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là tập đoàn kinh tế đầu tàu của đất nước, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh (đặc biệt là kết quả thu được từ khai thác dầu khí) của Tập đoàn trong những năm qua luôn có vai trò hết sức quan trọng đối với kinh tế đất nước, là động lực thu hút hỗ trợ các địa phương, các thành phần kinh tế cùng phát triển...
 
Năm 2008, doanh thu từ Tập đoàn đạt 208,05 nghìn tỉ đồng, bằng 149,6% kế hoạch năm 2008, tăng 31,1% so với năm 2007, chiếm gần 20% GDP cả nước; nộp ngân sách Nhà nước đạt 121,80 nghìn tỉ đồng, bằng 181,4% kế hoạch cả năm 2008, tăng 41,7% so với năm 2007, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
 
Với dự báo giá dầu thô năm 2009 sẽ giảm mạnh so với năm 2008 (năm 2008 giá dầu trung bình là 102 USD/thùng) sẽ có tác động lớn đến kinh tế của đất nước, các tác động đó có thể thấy rõ qua các phương án giá dầu như sau:
Phương án 1: Giá dầu 50 USD/thùng.
 
Tổng doanh thu toàn Tập đoàn năm 2009 (212 nghìn tỉ đồng) giảm so với năm 2008 khoảng 68 nghìn tỉ đồng; kim ngạch xuất khẩu dầu thô năm 2009 (4,4 tỉ USD) giảm so với năm 2008 (10,4 tỉ USD) khoảng 6,0 tỉ USD (trong đó: do giảm giá dầu là 4,6 tỉ USD, giảm do một phần dầu thô cung cấp cho Dung Quất là 1,4 tỉ USD).
Phương án 2: Giá dầu 40 USD/thùng.
 
Tổng doanh thu toàn Tập đoàn năm 2009 (199 nghìn tỉ đồng) giảm so với năm 2008 dự kiến là 80 nghìn tỉ đồng; kim ngạch xuất khẩu dầu thô năm 2009 (3,5 tỉ USD) giảm so với năm 2008 (10,4 tỉ USD) dự kiến khoảng gần 7,0 tỉ USD (trong đó: do giảm giá dầu là 5,4 tỉ USD, giảm do một phần dầu thô cung cấp cho Dung Quất là 1,6 tỉ USD).
Phương án 3: Giá dầu giảm đến mức dưới 30 USD/thùng.
 
Kế hoạch tiếp tục khai thác dầu khí tại các mỏ nhỏ, cận biên sẽ gặp khó khăn trong việc bù đắp chi phí và khó có thể có lãi.
 
PV: Đồng chí có thể thông báo cho bạn đọc biết về những kế hoạch gì đảm bảo sự tăng trưởng của ngành trong những năm tiếp theo?
 
Đ/c Đinh La Thăng: Để có thể đứng vững trong môi trường cạnh tranh và vượt qua được những khó khăn trong các năm tiếp theo, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã xây dựng Chương trình hành động của Tập đoàn thực hiện các giải pháp cấp bách của Chính phủ nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì mức tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; đồng thời, Tập đoàn đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tăng tốc phát triển trong giai đoạn tới, những giải pháp mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đặc biệt quan tâm là: phát huy hiệu quả mọi nguồn lực (công nghệ, thiết bị, con người...) để phát triển; mở rộng hoạt động thăm dò dầu khí trong nước thông qua việc đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh công tác tự đầu tư/điều hành các dự án, thúc đẩy triển khai hoạt động thăm dò - thẩm lượng các lô hợp đồng đã ký ở nước ngoài, gia tăng khai thác từ tất cả các mỏ/ thân dầu mà điều kiện kỹ thuật cho phép; thúc đẩy triển khai thực hiện các dự án đầu tư đúng tiến độ; sử dụng hiệu quả tối đa các khu vực, các tập đoàn kinh tế lớn ở trong và ngoài nước; tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới và tiên tiến trên thế giới; cải tiến chế độ tiền lương và chính sách để thu hút các chuyên gia giỏi vào làm việc trong Tập đoàn; tiết kiệm chi phí tối đa, hạ giá thành sản phẩm; tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái; tăng cường công tác đào tạo và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ chuyên môn nghiệp vụ trình độ cao để đáp ứng được nhu cầu nhân lực ngày càng cao của thị trường.
 
PV: Xin cảm ơn đồng chí Chủ tịch HĐQT Petro Vietnam

(An ninh thế giới)

ĐỌC THÊM