Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá dầu sẽ sớm vượt mốc 100 đô la/thùng do hụt nguồn cung?

Thị trường dầu thô vừa thoát khỏi tình trạng dư thừa nguồn cung, giúp giá dầu phục hồi nhanh trong một năm qua nhưng do thiếu đầu tư do các dự án mới, nguồn cung dầu có thể thặt chặt trong thời gian sắp tới và có thể đẩy giá dầu vượt mức 100 đô la Mỹ/thùng, theo tờ The Wall Street Journal. 

Giàn khoan dầu Mad Dog của BP trên Vịnh Mexico. Ảnh: BP

Thiếu đầu tư cho các dự án mới

Thế giới không thiếu dầu nhưng các tập đoàn năng lượng và các quốc gia dầu mỏ, vốn lâm vào tình cảnh khốn đốn do giá dầu sụp đổ vào năm 2014, đang chi tiêu rất ít cho các dự án mới dù giá dầu đã tăng gấp đôi kể từ năm 2016. Thực tế này đang khiến một số chuyên gia ngành dầu mỏ lo ngại giá dầu có thể tăng sốc trong thời gian sắp tối, gây tổn thương cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp,

Ngành công nghiệp dầu mỏ toàn cầu cần phải tăng cường thêm nguồn cung, thay thế hơn 33 tỉ thùng dầu mỗi năm để đáp ứng nhu cầu được dự báo tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt ở các nước đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ. Năm nay, các khoản đầu tư mới chỉ cung cấp thêm cho thị trường 20 tỉ thùng, theo dữ liệu của công ty tư vấn nặng lượng Rystad Energy (Na Uy).

Tốc độ suy giảm trung bình của ngành dầu mỏ (tốc độ sản lượng giảm do thiếu hoạt động bảo dưỡng mỏ dầu và khoan thăm dò mỏ dầu mới) là 6,3% vào năm 2016 và 5,7% vào năm ngoái, công ty Rystad Energy cho biết. Bốn năm trước khi giá dầu đạt đỉnh và sụp đổ vào năm 2014, tốc độ suy giảm này chỉ là 3,9%.

Các nhà phân tích từng lo ngại nguồn cung sẽ đạt đỉnh nhưng giờ đây, họ đề cập đến những trữ lượng dầu khổng lồ đang nằm dưới lòng đất.

Chẳng hạn, Vịnh Mexico, giáp Mỹ về phía đông bắc, đang có trữ lượng dầu 4 tỉ thùng, theo dữ liệu của Cục Thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Song các dự án mới ở đây đòi hỏi nguồn vốn đầu tư hàng tỉ đô và mất nhiều năm để phát triển. Dự án phát triển mỏ dầu khí Mad Dog giai đoạn 2 có mức vốn đầu tư 9 tỉ đô la của tập đoàn BP (Anh) ở Vịnh Mexico sẽ chưa đi vào khai thác cho đến năm 2021 dù bắt đầu được phát triển vào năm 2016

Các dự án phát triển mỏ dầu mới trên toàn cầu trong năm nay chỉ giúp cung cấp thêm cho thị trường gần 20 tỉ thùng/năm, chưa đủ để thay thế sản lượng dầu hơn 33 tỉ thùng/năm. Ảnh: WSJ

Các dự án nước sâu như vậy thường mất trung bình 3,5 năm và khoảng 5 tỉ đô la chi phí đầu tư từ giai đoạn phê duyệt đến giai đoạn khai thác, theo công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie.

Một loạt các yếu tố khác đang đe dọa nguồn cung dầu. Venezuela, Iran, Libya và Nigeria nằm trong số những nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới nhưng đang chật vật duy trì sản lượng vì hàng loạt vấn đề từ kinh tế, chính trị cho đến công nghệ.

Tại một số khu vực mỏ dầu ở Brazil và Na Uy, tốc độ suy giảm sản lượng đang ở mức 10-15%, nhà phân tích Virendra Chauhan của công ty tư vấn năng lượng Energy Aspects (Anh), cho biết. Sản lượng từ các mỏ dầu khí già cỗi của Venezuela đã giảm 700.000 thùng/ngày trong vòng một năm qua, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).

Hồi tháng 6, sản lượng dầu của Angola chạm mức thấp nhất trong 12 năm, trong khi đó, sản lượng dầu của Mexico giảm gần 300.000/thùng ngày so với thời điểm vào giữa năm 2016.

Các ông lớn dầu khí vẫn thận trọng

Các tập đoàn dầu khí lớn trên toàn cầu đang thận trọng sau một giai đoạn chi tiêu ồ ạt vào những năm trước khi giá dầu sụp đổ vào năm 2014, buộc họ phải trải qua quá trình tái cấu trúc gian nan.

Thậm chí khi thị trường dầu hồi phục, các ông lớn dầu khí vẫn chịu áp lực của các cổ đông, đòi hỏi họ phải tuân thủ kỷ luật tài chính và giữ lời hứa cải thiện lợi nhuận. Trong khi sản lượng dầu vẫn đang tăng ở nhiều tập đoàn dầu khí, họ vẫn thận trọng trong các quyết định phê duyệt các dự án mới.

“Chúng ta sẽ phải nâng mức đầu tư cao hơn mức mà chúng ta đang chứng kiến ở thời điểm hiểm tại. Tôi vẫn hy vọng chúng ta có thể tránh được tình trạng nguồn cung thiếu hụt”, Ben van Beurden, giám đốc điều hành tập đoàn dầu khí Shell, nói trong cuộc trao đổi với The Wall Street Journal hôm 26-7.

Mức đầu tư trong ngành dầu mỏ toàn cầu giảm 25% vào năm 2015 và 2016, theo IEA. Mức chi tiêu đầu tư này đi ngang trong năm 2017 và dự báo tăng nhẹ trong năm 2018 dù giá dầu hiện nay đã tăng khoảng 30% so với mức cao nhất vào năm ngoái.

Xu hướng thế giới dần loại bỏ sử dụng các nhiên liệu hóa thạch cũng đang khiến các lãnh đạo ngành dầu khí lo lắng. BP và Shell đang chuyển sang khai thác khí đốt nhiều hơn dầu vì họ dự báo nhu cầu loại nhiên liệu có hàm lượng carbon thải ra thấp hơn này sẽ tăng mạnh.

“Không có ông lớn dầu khí nào đang thực sự vào cuộc. Họ vẫn đang chịu tổn thương do thị trường dầu suy thoái (vào năm 2014)”, Doug King, giám đốc đầu tư của quỹ đầu cơ hàng hóa Merchant Commodity ở Singapore, nói

Giá dầu sẽ vượt mốc 100 đô/thùng?

Các nhà phân tích ngành dầu mỏ cho rằng bất cứ sự thiếu hụt nào trong nguồn cung cũng có thể đẩy giá dầu tăng, tương tự như khi giá dầu gần chạm mốc 150 đô la/thùng vào năm 2008.

Chauhan, nhà phân tích ở công ty tư vấn năng lượng Energy Aspects, nói: “Tình trạng thiếu đầu tư trong nhiều năm đang tạo ra viễn cảnh thiếu hụt nguồn cung”. Ông cho rằng thâm hụt sản lượng có thể xảy ra sớm vào cuối năm sau và có thể đẩy giá dầu vượt mốc 100 đô la/thùng.

Pierre Andurand, nhà đầu tư kỳ cựu trên thị trường dầu, đặt cược giá dầu sẽ chứng kiến đà tăng giá kéo dài trong nhiều năm tới.

Ông dự báo giá dầu Brent có thể lên mức 100 đô la ngay trong năm nay và tăng vọt lên trên mức 150 đô la/thùng vào những năm đầu thập niên 2020.

Martijn Rats, nhà chiến lược dầu mỏ toàn cầu ở ngân hàng Morgan Stanley, cho biết mức chi phí đầu tư suy giảm mạnh sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn cung trong tương lai. Ông dự báo tình trạng nguồn cung thiếu hụt kết hợp với các yếu tố khác sẽ đẩy giá dầu Brent tại thị trường London lên mức 90 đô la/thùng vào đầu năm 2020 và có thể lên 105 đô la/thùng trong kịch bản thị trường tăng giá mạnh

Song nhu cầu dầu thô mạnh mẽ có thể sụp đổ nếu như nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại. Về phía nguồn cung, một số dự án lớn mới đã được phê duyệt, báo hiệu nhu cầu đầu tư tăng trong thời gian tới và các ông lớn dầu khi cũng đang cắt giảm chi phí phát triển các dự án, cho phép họ tăng lợi nhuận nhờ chi phí thấp hơn

Mặt khác, sản lượng tăng vọt ở các mỏ dầu đá phiến ở Mỹ đang giúp bù đắp cho tình trạng đầu tư thiếu hụt và suy giảm sản lượng ở các nơi khác. Các nhà phân tích ngành dầu mỏ dự báo tăng trưởng của ngành dầu đá phiến sẽ đạt đỉnh vào đầu hoặc giữa thập niên 2020.

Song họ cho rằng để tránh thị trường dầu tăng giá trong dài hạn, khiến xu hướng chuyển sang sử dụng các năng lượng sạch diễn ra nhanh hơn, các ông lớn dầu khí cần đầu tư từ bây giờ cho các dự án nước sâu

Nguồn tin: Thesaigontimes.vn

ĐỌC THÊM