Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá xăng dầu sắp giảm lần thứ 6 liên tiếp?

Hiện giá xăng vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục giảm mạnh vào ngày 21-8 tới.

Dữ liệu của Bộ Công thương cho biết, hôm nay (18-8), giá xăng nhập khẩu giảm còn 111 USD/thùng. Mức giá này bằng ngày 14-2, mà khi đó giá xăng trong nước chạm mức 25.320 đồng/lít. Nếu trừ đi 3.300 đồng thuế bảo vệ môi trường thì giá xăng đã rơi về mốc 22.000 đồng/lít.

Như vậy, ngày 21-8 tới, giá xăng trong nước có dư địa để giảm, thậm chí giảm mạnh nếu không trích lập quỹ bình ổn giá.

Theo Tiến sĩ Chu Thanh Tuấn, Đại học RMIT Việt Nam, giá xăng dầu giảm sẽ giúp giảm áp lực tới lạm phát và tác động trực tiếp lên tất cả các ngành hàng, doanh nghiệp và người dân.

Thực tế giá xăng dầu có tác động mạnh nhất đến chỉ số lạm phát của Việt Nam. Tổng cục thống kê đã tính toán rằng giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm cho lạm phát tăng 0,36%.

Hiện giá xăng dầu giảm giúp cho chỉ số lạm phát giảm theo và hưởng lợi nhiều nhất là các doanh nghiệp vận tải, tàu thuyền đánh bắt xa bờ và hàng không do chi phí xăng dầu thường chiếm từ 30-40% chi phí của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Khi giá xăng dầu giảm mạnh, hộ gia đình sẽ có thêm một phần chi tiêu, qua đó làm tăng tổng cầu của nền kinh tế. Nói chung, việc giá xăng dầu giảm nhiệt gần đây sẽ giúp giảm sức ép lạm phát có thể xảy ra ở Việt Nam trong thời gian còn lại của năm nay.

Tiến sĩ Tuấn cũng cho rằng tiếp tục giảm giá xăng dầu sẽ khiến lạm phát hạ nhiệt, qua đó giúp cho doanh nghiệp cũng như người dân có kế hoạch sản xuất, chi tiêu phù hợp hơn.

"Tuy nhiên, các doanh nghiệp đặc biệt doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần theo dõi diễn biến trên thị trường thế giới để có sự chuẩn bị cho các khó khăn có thể gặp phải từ việc kinh tế toàn cầu có thể vẫn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn vào cuối 2022 và đầu 2023.

Tình hình lạm phát của châu Âu căng thẳng và đang đối mặt với một mùa đông khó khăn. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang gặp những khó khăn do chính sách zero Covid và sự sụt giảm của thị trường bất động sản đang tạo ra sức ép lên thị trường tài chính.

Mặc dù Việt Nam được dự báo tăng trưởng tốt trong năm 2022 nhưng những tác động khó khăn của châu Âu và Trung Quốc trong nửa cuối năm 2022 và đầu năm 2023 có thể khiến kịch bản kinh tế trở nên khó đoán hơn, tác động xấu đến các công ty xuất khẩu" - vị chuyên gia RMIT Việt Nam khuyến nghị.

Nguồn tin: Pháp luật

ĐỌC THÊM