Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá xăng lại giảm nhỏ giọt

Hôm qua, 10-12, giá xăng và dầu hỏa trong nước tiếp tục giảm thêm 1.000đ/lít, còn 11.000đ/lít đối với xăng A92 và 12.000đ/lít đối với dầu hỏa.

Giá xăng cần được giảm mạnh hơn

Tuy nhiên, mức giảm này được cho là quá khiêm tốn so với sự mong đợi của người tiêu dùng khi giá dầu thô trên toàn thế giới đã giảm tới 67%, còn giá trong nước mới giảm 42% so với mức kỷ lục 147USD/thùng hồi tháng 7. Bộ Tài chính cũng quyết định tăng thuế nhập khẩu xăng dầu lên mức kịch trần 40%, là mức kỷ lục từ trước tới nay, áp dụng cho các tờ khai hải quan kể từ ngày 11-12.
 
Ông Vương Thái Dũng - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Petrolimex cho biết, giá xăng và dầu giảm 1.000đ/lít là căn cứ vào giá dầu thành phẩm chứ không căn cứ vào giá dầu thô. Giá của 2 loại hàng này khác nhau rất lớn.
 
Tuy nhiên, theo ông Vương Đình Dũng - Phó Tổng giám đốc Công ty Xăng dầu Quân đội, thì mức giảm 1.000đ/lít phụ thuộc vào giá dầu thô, giá dầu thành phẩm và chính sách điều hành của Nhà nước. Giá dầu thô trung bình 20 ngày qua là 48USD và giá dầu thành phẩm hiện nay đang thấp hơn giá dầu thô.
 
Còn nhớ, ngày 3-7-2005, khi giá dầu thô là 49,5USD/thùng, giá xăng bán lẻ trong nước là 8.800đ/lít. Ngày 17-8-2005, giá xăng bán lẻ là 10.000đ/lít tương ứng với giá dầu thô là 63,25USD/thùng. Mức giá xăng 11.000đ/lít hiện nay bằng mức giá của ngày 27-4-2006 với giá dầu thô là 70,9USD/thùng.
 
Ông Vương Đình Dũng lý giải, so với 2 năm trước, tương ứng với giá dầu như hiện nay thì giá xăng rẻ hơn rất nhiều. Tuy vậy, không thể so sánh khi mà, các yếu tố đầu vào đến nay đã thay đổi rất nhiều. 2 năm trước tỷ giá USD chỉ có 13.000đ/USD, thuế nhập khẩu thấp hơn, lãi suất ngân hàng chỉ mấy phần trăm. Điều khác biệt cơ bản nữa là khi đó, xăng dầu vẫn còn được Nhà nước trợ giá.
 
Ông Vương Đình Dũng cho biết, cách tính giá cũng khá đơn giản, thuế nhập khẩu là 40%, thuế tiêu thụ đặc biệt là 10%, thuế VAT là 10%, trích 1.000đ/lít để trả nợ ngân sách Nhà nước, 500đ lệ phí giao thông... Chiết khấu hoa hồng tối đa của hệ thống xăng dầu Quân đội là 700-800đ/lít cho các đại lý.
 
Ông Vương Đình Dũng cũng hé mở, hiện nay, sản lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước đã sụt giảm rất nhiều, tháng sau giảm so với tháng trước khoảng 20%. Giá lại giảm liên tục nên tiến độ trả nợ cho ngân sách Nhà nước sẽ bị chậm.
 
Cũng nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh này, Bộ Tài chính không nên tăng thuế kịch trần mà nên tạo điều kiện để kéo giá xăng trong nước xuống thấp hơn để kích cầu. Về phía doanh nghiệp, ông Vương Thái Dũng băn khoăn, nếu Bộ Tài chính điều chỉnh thuế liên tục cứ 7-15 ngày một lần như hiện nay, doanh nghiệp không thể nắm bắt được yếu tố đầu vào, không chủ động về kế hoạch kinh doanh được. Hiện nay, hơn 70% giá thành của xăng là dành cho các khoản thu của Nhà nước. Doanh nghiệp cần ổn định 1 mức thuế trong vòng 3-6 tháng.
 
Thế nhưng, phản hồi về những than phiền trên, ông Nguyễn Cẩm Tú - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, DN thì muốn bán cao để có lợi nhuận, còn người dân thì muốn mua được giá rẻ. Đó là tâm lý bình thường. Mức thuế nhập khẩu 40% là không có gì sai, khung thuế đó đã được Quốc hội phê duyệt cho phép tối đa là 40%.
 
Theo ông Tú, nếu xăng đắt quá, tại sao người dân không chọn hình thức đi lại khác tiết kiệm hơn? Nếu giá xăng rẻ quá, sẽ rất khó thay đổi thói quen tiêu dùng, đi lại. Về cách tính giá xăng, ông Tú cho rằng, một số nơi đưa cách tính là sai, thiếu nhiều yếu tố như định mức hao hụt xăng dầu... Công thức tính giá xăng không đơn giản là cứ quy đổi giá dầu thô theo tỷ giá USD rồi ra giá trong nước.
 
Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh bình luận, trong bối cảnh cần kích cầu như hiện nay, mức tăng thuế nhập khẩu tới 40% là quá cao, không tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Một mặt, ta có thể thông cảm với Bộ Tài chính việc cần có nguồn thu nên phải tăng thu bằng biện pháp này.
 
Nhưng việc tăng thuế đó lại là lại là tăng chi phí cho doanh nghiệp. Như vậy, DN sẽ càng khó cạnh tranh với các nước khác. Vì thế, các biện pháp như áp thuế cần tính toán kỹ và đạt được mức trung bình trong khu vực. Việt Nam đã  hội nhập rồi thì phải tạo điều kiện để cạnh tranh với quốc tế. 
 
(An ninh thủ đô)

ĐỌC THÊM