Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá xăng tăng kỷ lục, đại biểu Quốc hội đề nghị giảm thuế xăng dầu

Giá xăng dầu liên tục lập đỉnh mới, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội và Chính phủ nên xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu để hạn chế tăng giá, kiểm soát lạm phát.

Từ 15h ngày 1/6, sau điều chỉnh từ liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng RON 95 đã vượt 31.000 đồng một lít, ở mức 31.570 đồng. Xăng E5 RON 92 cũng tăng thêm 600 đồng, lên mức 30.230 đồng một lít.

Giá các mặt hàng dầu đều tăng. Dầu hoả là 25.340 đồng một lít, tăng 940 đồng. Dầu diesel lên 26.390 đồng một lít, tăng 840 đồng. Dầu mazut là 20.900 đồng một kg, tăng 310 đồng.

Đây lần tăng giá thứ 5 kể từ 21/4 đến nay. Tổng cộng giá xăng RON 95 đắt thêm 4.260 đồng một lít, E5 RON 92 cũng tăng thêm 3.760 đồng một lít.

Theo đại biểu Bùi Mạnh Khoa (đoàn Thanh Hoá), hiện nay Chính phủ đang điều hành giá xăng dầu trong nước theo giá thế giới, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, dự báo giá xăng, dầu có khả năng tiếp tục tăng hoặc giữ ở mức cao. Giá xăng, dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà còn trực tiếp làm tăng CPI, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Vừa qua, căn cứ quy định của Luật Thuế bảo vệ môi trường, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này.

"Tuy nhiên, hiện nay mặt hàng xăng, dầu đang chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và mức thuế suất này do Quốc hội quyết định”, đại biểu Khoa nói.

Để bảo đảm linh hoạt trong việc kiềm chế giá xăng, dầu tăng cao, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, kiềm chế lạm phát, ông Khoa đề nghị ngay tại kỳ họp này Quốc hội giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT đối với giá xăng, dầu trong năm 2022, tương tự như đối với thuế bảo vệ môi trường trên cơ sở đề nghị của Chính phủ.

Đại biểu Bùi Mạnh Khoa cho rằng, việc giảm thuế đối với xăng, dầu có thể ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước, tuy nhiên, với giá dầu thô tăng cao mà Việt Nam lại xuất khẩu dầu thô, do đó chúng ta có thể bù đắp thu ngân sách nhà nước từ nguồn này.

Đây cũng là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.

Rất nhiều lần, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Tp.HCM) đề cập tới việc giảm thuế đối với mặt hàng xăng dầu. Theo ông Ngân, Chính phủ cần xây dựng hệ thống các giải pháp đồng bộ từ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, thích ứng với các kịch bản, trong đó lưu ý đến 2 biến số quan trọng, đó là giá xăng dầu và giá lương thực. Trước mắt, cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.

Ông Ngân cho rằng, Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT đối với các mặt hàng, trong đó mặt hàng quan trọng nhất là mặt hàng xăng dầu, vì để giá xăng dầu tăng cao sẽ dẫn đến domino các mặt hàng giá cả khác. Hỗ trợ, giảm các chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giữ giá bán hàng hóa. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát giá, chống đầu cơ, chống các hành vi "té nước theo mưa" và khuyến nghị các chương trình bình ổn giá tại các địa phương, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Trong khi đó, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh việc tăng sản lượng khai thác và lọc hoá dầu trong nước không chỉ tăng hiệu quả khai thác gấp nhiều lần so với thời điểm giá thấp, mà còn tạo nguồn cung trong nước ổn định, là cơ sở để bình ổn giá xăng dầu trong nước không quá nhạy cảm với biến động giá xăng dầu nhập khẩu trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, với nguồn thu tăng lên từ khai thác dầu, đại biểu đề nghị Chính phủ đề xuất với Quốc hội có chính sách tiếp tục giảm các loại thuế xăng dầu để bình ổn giá xăng dầu, tránh những tác động đẩy mặt bằng giá các hàng hoá khác tăng.

Giảm thuế đối với xăng dầu nhằm kiểm soát giá mặt hàng này không vượt ngưỡng cao để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hộ kinh doanh và cuộc sống của người dân cũng là đề xuất của đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long).

“Nghiên cứu tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt, kiềm chế giá xăng dầu là yếu tố quan trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nên cần khẩn trương thực hiện linh hoạt hiệu quả bởi giá xăng dầu tăng ở mức cao sẽ gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế, làm giảm hiệu quả của chính sách tài khóa và tiền tệ”, bà Thanh cho hay.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, phải cố gắng dùng các công cụ kể cả thuế, kiểm soát thị trường để giảm giá. Trong trường hợp giá xăng dầu tăng quá cao, cần tính toán đến các công cụ như dùng chính sách an sinh hỗ trợ cho đối tượng yếu thế. Mục tiêu là để kiểm soát giá đảm bảo hiệu quả quản lý cả trong nước và phù hợp với quy định, luật pháp quốc tế.

Theo Bộ trưởng Công Thương giá xăng Việt Nam hiện thấp hơn giá thế giới và một số nước trong khu vực, nên có tình trạng "chảy" xăng dầu ra nước ngoài.

Nguồn tin: Tài chính doanh nghiệp

ĐỌC THÊM