Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Hút thêm 1 triệu tấn dầu bù giá: Bệnh thành tích?

 “Ở các nước khi giá giảm thì họ sẽ ngừng khai thác để cắt lỗ, chờ giá lên mới tiếp tục sản xuất. Trong khi Việt Nam lại làm ngược lại”.


Việt Nam làm ngược thế giới

Theo thông tin từ tập đoàn dầu khí (PVN), giữa năm 2016, Chính phủ giao cho tập đoàn khai thác thêm 1 triệu tấn dầu so với kế hoạch trước đây để bù đắp phần ngân sách thiếu hụt do giá dầu giảm.

Cụ thể, kế hoạch mới sẽ khai thác khoảng 17 triệu tấn dầu so với mục tiêu ban đầu là 16 triệu tấn. 1 triệu tấn dầu khai thác thêm dự kiến sẽ mang lại cho ngân sách khoản thu 350 triệu USD.

Năm 2015, Chính phủ cũng giao PVN khai thác 16 triệu tấn dầu thô. Thực tế sản lượng khai thác của PVN năm đó vượt 18 triệu tấn và chủ yếu là khai thác từ các mỏ trong nước.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài Chính) cho rằng từ trước đến nay đã nhiều lần chúng ta tính đến giải pháp này để bù đắp các phần ngân sách bị thiếu hụt. Tuy nhiên đã đến lúc phải nhìn nhận lại thật sự nghiêm túc việc khai thác dầu trên cơ sở 2 yếu tố hiệu quả khai thác và trữ lượng tài nguyên thiên nhiên có hạn.

PVN khai thác thêm 1 triệu tấn dầu bù thiếu hụt ngân sách do giá giảm. Ảnh minh họa
“Khi giá dầu giảm thấp thì việc đẩy mạnh khai thác nguồn tài nguyên có hạn cần xem xét cẩn thận. Không phải vì lý do thâm hụt ngân sách, lý do tăng trưởng chậm lại thì chúng ta phải tìm cách tăng sản lượng lên. Như vậy quan điểm này không kèm theo tính hiệu quả của hoạt động kinh tế.

Bất cứ hoạt động gì thì vấn đề quan trọng nhất là tính toán hiệu quả. Ở đây phải tính xem khai thác thêm 1 triệu tấn dầu với giá như thế thì lãi bao nhiêu, giá cả như thế nào?

Tài nguyên là cái có hạn chứ không phải vô hạn nên chúng ta phải cân nhắc. Thời gian trước khi GDP tăng trưởng thấp thì nhiều người cũng bảo khai khoáng lên, đào mỏ lên thì sẽ tăng GDP. Đây là quan điểm không đúng, phi thị trường”, PGS.TS Long nhấn mạnh.

Cùng nêu ý kiến, PGS.TS Lê Cao Đoàn - Viện kinh tế Việt Nam khẳng định chúng ta đang đi ngược lại hoàn toàn so với xu hướng phát triển chung của thế giới.

Theo PGS.TS Đoàn, thông thường ở các nước khi giá giảm thì họ sẽ ngừng khai thác để cắt lỗ, chờ giá lên rồi mới tiếp tục sản xuất. Trong khi đó Việt Nam lại đang đi ngược lại hoàn toàn khi chủ trương tăng sản lượng để bù vào phần thâm hụt ngân sách trong bối cảnh giá dầu thấp kéo dài.

“Khi giá giảm, tức là sản lượng đang lớn, cung lớn hơn cầu vì vậy nếu chúng ta quyết định tăng sản lượng sản xuất tức là đang hướng tới bù lỗ ngân sách chứ không phải hiệu quả.

Làm kinh tế bao giờ cũng phải hướng đến hiệu quả. Nếu hiệu quả quá kém mà chúng ta bù như thế thì sẽ tiếp tục lún sâu, xuống dốc và không giải quyết được vấn đề.

Đáng lẽ trong trường hợp này nhà nước phải điều chỉnh không sản xuất nữa. Làm sao lấy cái nọ bù vào cái kia được theo kiểu giật gấu vá vay được. Làm như thế là đã trái với quy luật kinh tế”, TS Đoàn khẳng định.

Để chứng minh điều mình vừa nói, TS Đoàn phân tích thêm: “Khi giá thấp thì sản xuất càng nhiều thì lỗ càng cao, đó là cuộc chạy đua xuống địa ngục chứ không phải kinh tế.

Chẳng hạn như thời cao điểm giá dầu là 140-150 USD/thùng. Khi nó tụt xuống 50 USD/thùng, tức là giá giảm 2/3 so với ban đầu mà vẫn khai thác thì khả năng thua lỗ rất cao. Bởi lẽ giá giảm nhưng chi phí khai thác vẫn giữ nguyên cho 1 tấn dầu”.

Bệnh thành tích?

Nhìn nhận lại vấn đề gia tăng sản lượng dầu, PGS.TS Ngô Trí Long nhận định, Việt Nam đã có quá nhiều bài học từ việc sử dụng không hiệu quả nguồn tài nguyên để bù lỗ vào nguồn ngân sách thâm hụt của nhà nước. Điển hình trong số đó là việc khai thác than tràn lan khiến hiện nay Việt Nam vẫn phải thường xuyên nhập khẩu từ nước ngoài.

“Trước đây khai thác than chúng ta làm không hiệu quả. Chất lượng than rất kém, trộn than bùn tất cả lại nên không xuất khẩu được. Trong khi đó giá thành cao, hiệu quả sản xuất không có. Điều này dẫn đến xuất hiện tình trạng than trong nước thì thừa trong khi vẫn phải nhập từ nước ngoài. Việc này hoàn toàn có thể hiểu được vì giá trong nước đắt hơn giá thế giới nên người kinh doanh họ phải nhập khẩu để có lãi”, PGS.TS Long nói.

Lý giải cho điều này, ông Long cho rằng chúng ta vẫn mắc bệnh chạy theo thành tích để đạt được chỉ tiêu, cố gắng bù đắp ngân sách bằng mọi cách trong điều kiện nền kinh tế trì trệ, khó khăn.

Nguồn tin: Baodatviet

ĐỌC THÊM