Với việc các nhà sản xuất dầu đá phiến thêm vào giàn khoan mỗi tuần, sản lượng đang tăng lên và vì vậy tồn kho đang gây sức ép lên giá cũng như khả năng phục hồi, làm hỏng những nỗ lực của OPEC để tái cân bằng thị trường.
Đó là tin tốt cho những nhà đầu cơ giá xuống nhưng lại là tin xấu đối với nhà đầu cơ giá lên, nhưng theo các nhà phân tích hàng hóa của RBC, không phải sản lượng tăng lên quá nhiều đang làm ảnh hưởng đến giá. Mà đó chính là công suất của các nhà máy lọc dầu đã giảm trong quý đầu tiên của năm do rơi vào mùa bảo dưỡng.
Trên thực tế, các nhà phân tích RBC ước tính rằng công suất nhà máy lọc dầu thấp hơn trong quý I - dưới 90% năng lực - là nguyên nhân chính khiến tồn kho gia tăng, góp tới 64,2%, trong khi sản lượng tăng chỉ chiếm 11,5%. Vậy nguyên nhân còn lại khiến cho dầu lưu kho tăng đến từ đâu? Câu trả lời là nhập khẩu chiếm 20,8% trong số đó, và dự trữ dầu chiến lược chiếm 3,5% phần còn lại.
Khi họ viết ra ước tính của mình thì các nhà phân tích tin tưởng rằng, khi mùa bảo trì kết thúc, tồn kho sẽ bắt đầu giảm. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa xảy ra, mặc dù Cơ quan Thông tin Năng lượng báo cáo rằng các nhà máy lọc dầu vận hành trên 90% công suất trong hai tuần trước.
Trong tuần tính đến ngày 7 tháng 4, công suất hoạt động trung bình là 91%, với tiêu thụ dầu thô tăng thêm 268.000 thùng/ngày so với tuần trước đó lên mức khá lớn 16,7 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, tồn kho cũng tăng lên, và không phải chỉ một vài nghìn thùng, mà là 2,2 triệu thùng. Đồng thời, tồn kho xăng giảm 3 triệu thùng.
Những diễn biến này đã được duy trì trong những tuần qua. Trong tuần tính đến ngày 31 tháng 3, các nhà máy lọc dầu chạy 90,8% công suất, xử lý 16,4 triệu thùng dầu thô mỗi ngày. Tuần trước đó, họ hoạt động 87,4% công suất, xử lý 15,8 triệu thùng dầu thô mỗi ngày.
Vì vậy, công suất hoạt động đang gia tăng, nhưng có vẻ như không làm giảm bớt lượng dầu tồn kho một cách tự động. Lẽ nào sản lượng lại đóng vai trò lớn hơn trong cuộc chơi? Số lượng các giàn khoan đang hoạt động gia tăng đều đặn và không lay chuyển được kể từ cuối năm 2016, từ 425 vào cuối tháng 9 năm 2016 lên 672 vào ngày 7 tháng 4 năm nay. Con số này là rất nhiều giàn khoan, và sẽ tiếp tục tăng, nhất là nếu như OPEC đồng ý mở rộng cắt giảm sản lượng vào nửa cuối năm nay.
Sản lượng hiện tại đạt khoảng 9,1 triệu thùng/ngày, tăng so với mức 8,6 triệu thùng/ngày hồi tháng 9. Sản lượng đã tăng nửa triệu thùng/ngày chỉ trong vòng có 6 tháng, nhưng theo tính toán của RBC, nó chỉ đóng góp 9,8 triệu thùng vào tồn kho thương mại trong cùng thời kỳ. 17,7 triệu thùng khác là do nhập khẩu gia tăng.
Theo bộ phận phân tích hàng hóa của RBC thì tin tốt là công suất nhà máy lọc dầu đang phục hồi và sắp bước vào mùa lái xe, vì vậy tồn kho sẽ bắt đầu giảm. Nhưng tuy là mùa lái xe theo truyền thống sẽ giúp tăng nhu cầu nhiên liệu, nhưng năm ngoái lại là một sự thất vọng. Cụ thể, vào giữa tháng 7- là mùa cao điểm- tồn kho xăng tăng lên chứ không giảm, khiến thị trường bất ngờ và đẩy giá xuống.
Rõ ràng, những tính toán và ước tính không phải lúc nào cũng đúng bởi vì đơn giản là không thể đoán trước được hành vi lái xe của hàng trăm triệu người. Gạt chủ đề này sang một bên, báo cáo của EIA được một số người đánh giá là ngày càng không liên quan đến tình trạng thực tế cung-cầu dầu mỏ ở Mỹ.
Trong bối cảnh không chắc chắn như vậy, thứ duy nhất chắc chắn đó là sản lượng dầu thô đang tăng và không có dấu hiệu nào cho thấy điều này sẽ thay đổi trong lúc đang có nhiều thuận lợi và giá vẫn ở trên mức 50 USD/thùng. Giá xăng thấp do sản lượng cao hơn có thể kích thích nhiều người lái xe hơn, nhưng đây không phải là căn cứ. Vì vậy, bất kể thủ phạm lớn nhất đứng sau làm cho tồn kho liên tục tăng là gì thì sự gia tăng này dường như là một thực tế, tuy nhiên liên quan hay không liên quan đến số liệu EIA?
Nguồn tin: xangdau.net