Về mặt công khai, Bắc Kinh đã thể hiện mình là một bên trung lập trong cuộc chiến do Nga gây ra với cuộc xâm lược toàn diện Ukraine, tuyên bố tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết các mối quan ngại về an ninh của Nga.
Nhưng đằng sau bức màn, điều đó có thể đang thay đổi.
Theo các quan chức EU phát biểu với RFE/RL với điều kiện giấu tên, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nói với Cao ủy Chính sách Đối ngoại EU Kaja Kallas tuần trước rằng Bắc Kinh không thể chấp nhận thất bại của Nga trong cuộc chiến vì điều đó sẽ giúp Washington rảnh tay tập trung vào Trung Quốc.
Lời thừa nhận đáng chú ý này, được tờ South China Morning Post đưa tin lần đầu tiên, được đưa ra trong cuộc thảo luận kéo dài bốn giờ với Kallas tại Brussels, đề cập đến một loạt các chủ đề từ các hoạt động thương mại như trợ cấp nhà nước cho xe điện, Đài Loan, tình hình Trung Đông, và dĩ nhiên là cả cuộc chiến ở Ukraine.
Chính trong những cuộc đàm phán đó, Brussels đã cáo buộc Trung Quốc đứng về phía Moscow và lưu ý rằng hành động xâm lược một quốc gia có chủ quyền là vi phạm luật pháp quốc tế.
Bắc Kinh được cho là đã lên tiếng phản đối cáo buộc của EU rằng Nga đang sử dụng các sản phẩm và linh kiện của Trung Quốc trong nỗ lực chiến tranh của mình, trước khi thêm vào đó là lo ngại về các lệnh trừng phạt tiềm ẩn của phương Tây đối với các tổ chức tài chính Trung Quốc và chiến thắng cuối cùng của Ukraine trong cuộc xung đột.
Những dấu hiệu cho thấy sự bất mãn của Brussels đối với Trung Quốc về cuộc chiến đang ngày càng gia tăng.
Vào tháng 5, một báo cáo mật của EU cho biết Trung Quốc, bao gồm Hồng Kông, chịu trách nhiệm cho "khoảng" 80% các vụ lách lệnh trừng phạt chống lại Nga.
Khối liên minh 27 thành viên này cũng đã bắt đầu nhắm mục tiêu vào các công ty Trung Quốc mà họ tin là góp phần cho "sự phá hoại toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine".
Trong gói trừng phạt mới nhất, khối này đang xem xét việc đóng băng tài sản và cấm thị thực đối với một doanh nhân Trung Quốc vì đã nhiều lần chuyển hàng hóa được sản xuất tại EU sang Nga trong khi những hàng hóa này đang chịu các hạn chế xuất khẩu của EU.
Hai công ty Trung Quốc cũng bị nhắm mục tiêu vì bán xe địa hình (ATV), máy dò hồng ngoại và các linh kiện quang học khác cho lực lượng vũ trang Nga để sử dụng tại Ukraine.
Một dấu hiệu khác cho thấy mối lo ngại ngày càng tăng tại Brussels đến từ Tổng Thư ký NATO Mark Rutte, người gần đây đã tuyên bố Trung Quốc và Nga đang tạo ra những mối đe dọa ngày càng tăng đối với liên minh xuyên Đại Tây Dương.
Ông Rutte nói với các phóng viên trong chuyến thăm Berlin rằng ông tin Nga và Trung Quốc sẽ phối hợp tấn công Đài Loan và châu Âu để cùng lúc khiến phương Tây sa lầy ở nhiều nơi trên thế giới.
“Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trước khi tấn công Đài Loan, sẽ gọi điện cho Moskva để yêu cầu [Tổng thống Nga Vladimir] Putin giúp chúng ta bận rộn ở khu vực này của châu Âu”, ông Rutte nói.
Trung Quốc và Nga đã thiết lập cái gọi là “quan hệ đối tác chiến lược không giới hạn” ngay trước cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022.
Quan hệ đối tác này không bao gồm một liên minh quân sự chính thức hay cam kết cụ thể nào về phòng thủ chung, nhưng nó bao gồm hợp tác quân sự sâu rộng và liên kết chiến lược nhằm tăng cường lợi ích an ninh của cả hai nước.
Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn công khai muốn tránh xa các hành động của Nga.
Phát biểu sau chuyến công du châu Âu của ông Vương Nghị, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc lại rằng “Lập trường của Trung Quốc về cuộc khủng hoảng Ukraine là khách quan và nhất quán, tức là đàm phán, ngừng bắn và hòa bình. Một cuộc khủng hoảng Ukraine kéo dài sẽ không phục vụ lợi ích của bất kỳ ai.”
Tuy nhiên, các nhà phân tích đang tập trung vào những phát biểu gần đây khác của các quan chức Bắc Kinh.
Phát biểu với Current Time, nhà khoa học chính trị người Nga Natalia Shevshkova nhận định những bình luận của ông Vương sau chuyến công du châu Âu gần đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đã "trở nên táo bạo hơn" trong ngôn từ, đến mức "không còn là ngoại giao kiểu phương Đông nữa, mà là hành vi thẳng thừng, gần như thô lỗ."
"Trung Quốc hiểu rằng nếu Putin được phép công nhận - nếu ông ta được phép giữ Crimea, nếu cộng đồng phương Tây sẵn sàng đàm phán và để lại một số vùng lãnh thổ cho Putin, thì Trung Quốc cũng sẽ được tự do", Shevshkova nói.
Nguồn tin: xangdau.net/RFE/RL