Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Mỹ tấn công Syria và ảnh hưởng đối với dầu mỏ

Giá dầu tăng vọt sau vụ Mỹ tấn công Syria phải chăng chỉ là phản ứng tức thời của thị trường?

Giá dầu đã tăng sau khi Mỹ phóng 59 tên lửa hành trình vào sân bay Shayrat ở Syria và căn cứ quân sự gần đó của quân đội Chính phủ Syria, với cái cớ là “nhằm trả đũa cho vụ tấn công hóa học vừa xảy ra ở Idlib giết chết ít nhất 80 người” mà Washington đổ lỗi cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đứng sau vụ này.

Cả hai loại dầu thô West Texas Intermediate (WTI), chuẩn dầu trong nước của Mỹ và dầu Brent - chuẩn dầu quốc tế, đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 1 tháng. Sau vụ tấn công, giá dầu giao sau tăng 1,9% tại sàn giao dịch New York và 1,8% tại thị trường London. Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 tăng 1USD lên mức 52,7USD/thùng tại thị trường New York. Trong khi đó giá dầu Brent giao tháng 6 tăng 1,01USD lên mức 55,9USD/thùng tại London. 

Tàu sân bay USS Porter (DDG-78) tiến hành các hoạt động tấn công từ biển Địa Trung Hải ngày 7-4-2017 Ảnh: Hải quân Mỹ

Sự tăng giá dầu đã xảy ra mặc dù không có sự gián đoạn cung cấp đáng kể trong ngắn hạn, mà hoàn toàn xuất phát từ sự lo ngại thế giới sẽ mất đi hầu hết lượng cung dầu từ Syria trong bối cảnh cuộc xung đột ở đất nước Trung Đông này được dự đoán là sẽ diễn biến căng thẳng, phức tạp hơn. Và nếu cuộc khủng hoảng này nghiêm trọng hơn, sẽ có những hậu quả đối với các nhà sản xuất dầu lớn khác như Nga và Iran - những nước ủng hộ Syria, hay như Iraq - nước láng giềng của Syria. Mặt khác, bản thân Syria không phải nước khai thác dầu lớn. Tuy nhiên, nước này nằm gần eo biển Hormuz - trạm trung chuyển quan trọng với hàng triệu thùng dầu đi qua mỗi ngày, nên cũng có những lo ngại cuộc xung đột ở Syria sẽ ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển dầu.

Thomas Pough - một chuyên gia kinh tế hàng hóa tại Capital Economics nhận định: “Giá dầu nhảy vọt cho thấy các nhà đầu tư lo ngại cuộc xung đột có khả năng leo thang và lan tới các nhà sản xuất lớn gần đó hoặc có liên quan. Dường như việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tiến hành can thiệp vào khu vực qua cuộc tấn công quân sự này… Kết quả là căng thẳng ở Trung Đông có thể hỗ trợ giá dầu và vàng trong ngắn hạn, nhưng chúng tôi hy vọng các nguyên tắc cơ bản sẽ tự khẳng định mình là động lực chính của giá trong suốt thời gian còn lại của năm”.

Tập đoàn Nomura Holdings cũng cho rằng, việc giá dầu tăng có thể chỉ là tạm thời, miễn là hành động quân sự có chừng mực và không lan sang Iraq.

Trong khi đó, bà Helima Croft, người đứng đầu về chiến lược hàng hóa trên toàn cầu của RBC Capital Markets, lập luận trong một thông báo cho khách hàng rằng, mặc dù không có những rủi ro lớn trong sản xuất ngắn hạn, nhưng vẫn cần phải theo dõi thị trường năng lượng để làm rõ những vấn đề sau:

Thứ nhất, những căng thẳng mới giữa Nga và các quốc gia trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh có thể trỗi dậy không và những căng thẳng này có thể làm gián đoạn hợp tác trong tương lai về chính sách dầu mỏ hay không? Thứ hai, các cuộc tấn công của Mỹ có thể ảnh hưởng như thế nào đến cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới của Iran?

Về câu hỏi đầu tiên, Nga đến nay vẫn có thể duy trì hỗ trợ cho chính phủ hợp pháp dân cử của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và quan hệ ấm áp với Iran, trong khi vẫn hợp tác về chính sách năng lượng với các nước trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh, bao gồm cả Arập Xêút. Gần đây nhất, Nga đã tham gia vào việc cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ủng hộ việc hợp tác với OPEC hồi tháng 10 năm ngoái trong bối cảnh giá dầu giảm. Reuters sau đó còn tiết lộ ông Putin đóng vai trò trung gian giữa Iran và Arập Xêút để các bên tìm được tiếng nói chung và đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

Theo chuyên gia Croft, Syria không phải là một rào cản khó khăn đối với Moskva khi làm việc với các quốc gia chủ chốt theo hệ phái Sunni. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải theo dõi liệu cuộc xung đột ở Syria sẽ diễn biến tiếp theo ra sao.

Về câu hỏi thứ hai, liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới ở Iran, bà Croft nhấn mạnh: “Tổng thống đương nhiệm của Iran - ông Rouhani có thể sẽ có được nhiệm kỳ thứ hai với sự hỗ trợ ngầm của lãnh đạo tinh thần tối cao Ali Khamenei của nước này. Câu hỏi quan trọng hiện tại là liệu ông Khamenei có quyết định đưa ra thêm một ứng cử viên cứng rắn hơn, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ hơn của Iran đối với ông Assad hay không. Nếu ông Rouhani bị đánh bại bởi một ứng cử viên Tổng thống khác có tư tưởng chống Mỹ mạnh hơn, thì thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và phương Tây có nguy cơ đổ bể và khi đó, xuất khẩu dầu mỏ của Iran sẽ lại bị cản trở do bị phương Tây tái cấm vận”.

Nguồn tin: Petrotimes

ĐỌC THÊM