Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nếu sòng phẳng, giá xăng chỉ 8.000-9.000 đồng/lít

Các doanh nghiệp nói bám sát giá dầu thế giới để vận hành giá trong nước song lại đưa ra đủ lý do để trì hoãn việc điều chỉnh giá xăng.
Giá dầu thế giới có lúc đã chạm mức 40 USD/thùng nhưng giá xăng trong nước vẫn chưa giảm tiếp. Ảnh: T.THẠNH
 
Dù giá dầu thô trên thế giới ngày 9-12 đã nhích lên hơn 43 USD/thùng sau khi xuống dưới ngưỡng 40 USD/thùng vào cuối tuần qua, nhưng mức giá này vẫn được đánh giá là quá thấp trong vòng 4 năm qua. Với mức giá này, các chuyên gia kinh tế cho rằng doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu trong nước đang lãi từ 3.000- 4.000 đồng/lít xăng.
 
 Lãi to nhờ... độc quyền
 
Theo dự báo, giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục rớt và có thể tụt xuống mức 25 USD mỗi thùng do khủng hoảng kinh tế thế giới ngày càng lan rộng. Tại VN, tính từ tháng 10 đến nay, đã có 7 lần điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng trong nước. Riêng loại xăng phổ biến nhất trên thị trường là A92 thì giá đã giảm 7.000 đồng/lít (giá hiện tại là 12.000 đồng/lít so với lúc cao điểm nhất là 19.000 đồng/lít).
 
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội, nếu so sánh sự tụt giảm của giá dầu thô trên thị trường thế giới với giá bán lẻ xăng dầu ở VN thì mức giá hiện nay vẫn quá cao. Ông Phong cho rằng việc chậm điều chỉnh giá xăng và giá xăng chưa phù hợp với mức chung của thị trường thế giới là do thiếu cơ chế kiểm soát thị trường.
 
Do đó, Nhà nước cần có chế tài để kiểm soát giá. Bởi lẽ, thị trường xăng dầu chưa thực sự cạnh tranh, nếu trao quyền quá lớn cho DN thì rất dễ dẫn đến độc quyền, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. “Lẽ ra phải cho tự do hóa cạnh tranh trong kinh doanh xăng dầu rồi mới để DN quyết định giá nhưng chúng ta làm ngược quy trình. Người tiêu dùng có thể được hưởng lợi hơn nếu chúng ta đẩy nhanh tiến độ tự do hóa trong kinh doanh xăng dầu”- ông nói.
 
 Một chuyên gia kinh tế khác thì cho rằng kể cả khi Bộ Tài chính quyết định nâng mức thuế nhập khẩu xăng dầu lên 35% thay cho mức 25% hiện hành thì giá bán lẻ xăng dầu ở VN hiện nay so với giá dầu thô thế giới (từ mức đỉnh cao là trên 147 USD/thùng, nay đã xuống hơn 43 USD/thùng) vẫn quá cao. “Nếu tính giá dầu thế giới ở vào ngưỡng 45 USD/thùng thì giá bán lẻ xăng trong nước (sau khi đã tính thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT, phụ phí, 1.000 đồng/lít trả ngân sách Nhà nước) có thể giảm còn 8.000- 9.000 đồng/lít”- chuyên gia này phân tích.
 
Giảm giá xăng dầu: Vẫn đang tính!
 
Nói về khả năng điều chỉnh giảm giá xăng trong những ngày tới đây, ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex, cho biết: “Quan điểm của chúng tôi là bám sát giá dầu thế giới để vận hành giá trong nước sát với thế giới chứ không chờ đợi bước nhảy của thị trường. Vì quyền lợi người tiêu dùng và kiềm chế lạm phát, DN luôn chủ động vận hành theo cơ chế thị trường, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, người tiêu dùng và DN”.
 
Tuy nhiên, lý giải về thực tế giá dầu thô hiện nay đã tương đương với thời điểm giữa năm 2004 và đầu năm 2005 (khi đó giá xăng trong nước vào khoảng 6.000-7.000 đồng/lít) song giá bán lẻ xăng dầu cao gần gấp đôi, ông Dũng lại cho rằng: “Tuy cùng một mặt bằng giá song tỉ giá ngoại tệ khác nhau.
 
Lúc đó, 1 USD tương đương khoảng 13.000 đồng, còn bây giờ gần 17.000 đồng. Hơn nữa, khi đó xăng dầu vẫn được Nhà nước bù lỗ, lãi suất ngân hàng chỉ vài phần trăm... nên không thể so sánh một cách khập khiễng như vậy!”. Theo ông Dũng, so với mặt bằng giá một số nước trong khu vực như: Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia, Lào... giá xăng trong nước 12.000 đồng/lít vẫn... rẻ hơn từ vài trăm đến vài ngàn đồng/lít.
 
Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ ngày 9-12, đại diện một số DN kinh doanh xăng dầu cho biết họ đang cân đối để có thể điều hành giá xăng dầu phù hợp với cơ chế thị trường.
(Người lao động)

ĐỌC THÊM