Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Người tiêu dùng và giá cả: Hãy “bỏ phiếu” bằng ví tiền của mình

Báo chí trong nước tuần qua dày đặc những thông tin về giá cả.
Tuần qua, báo chí phản ánh rất nhiều tình trạng nhiều mặt hàng có đầu vào theo giá xăng dầu nhưng khi giá đầu vào giảm, giá đầu ra vẫn không giảm theo.
 

Đầu tuần mới, Pháp Luật TP.HCM trò chuyện với tiến sĩ Vũ Đình Ánh - Viện phó Viện Khoa học thị trường giá cả. Ông nói:

Lâu nay, nhà mình chỉ quan tâm vấn đề tăng giá mà chưa có ứng xử phù hợp về vấn đề giảm giá, cả từ phía người dân, nhà nước và doanh nghiệp. Chẳng hạn như lúc lạm phát còn cao, Chính phủ đã áp dụng một loạt biện pháp đặc biệt kiểm soát thị trường như mở rộng diện mặt hàng bình ổn giá, buộc doanh nghiệp phải đăng ký giá; kiểm tra, xử lý đầu cơ tăng giá; cấm tăng giá những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như điện, than, xăng dầu. Nay tình trạng đặc biệt dần qua, thấy taxi, lương thực thực phẩm... không chịu giảm giá, báo chí tiếp tục quán tính đó đòi hỏi nhà nước can thiệp. Còn chính quyền đâu đó bắt đầu tuyên bố sẽ kiểm tra, xử lý... Tức là lẫn lộn giữa chức năng quản lý của nhà nước và quyền năng riêng của thị trường.

Báo chí đã thật sự bảo vệ người tiêu dùng?

. Nhưng báo chí phần nào phản ánh bức xúc của người tiêu dùng chứ?

+ Báo chí từng phản ánh yếu tố lợi ích nhóm trong vấn đề giá điện, than. Nhưng trong trường hợp taxi, sữa ngoại..., các bạn đang vô tình bảo vệ lợi ích nhóm của nhà giàu.

Taxi ai đi? 80% dân chúng sống nhờ nông nghiệp chắc chắn không rồi. Các bài viết về thị trường bất động sản cũng vậy, e là chịu nhiều tác động từ những trùm địa ốc. Báo cứ kêu lên là nhà đất giảm giá, là thị trường bất động sản sập đến nơi. Chứ như chỗ tôi theo dõi, văn phòng, chung cư cao cấp giảm 15%-20%, còn nhà ở thương mại - mối quan tâm của đa số dân chúng Hà Nội - giảm chút nào đâu. Với cách thông tin như thế, khó có thể tin là báo chí phản ánh quyền lợi đa số người tiêu dùng.

Những mặt hàng, dịch vụ còn yếu tố độc quyền như than, điện, xăng dầu... hoặc hàng thiết yếu phục vụ đại bộ phận dân chúng thì can thiệp của nhà nước là cần thiết. Còn ngoài ra không nên đòi hỏi nhà nước và nhà nước cũng không được can thiệp vào thị trường này. Nhà nước nên từ bỏ can thiệp hành chính.

. Tuần qua, báo chí phản ánh giá sữa trẻ em cuối năm tăng chóng mặt. Dường như vấn đề này cũng được Bộ Tài chính quan tâm khi đưa sữa vào nhóm hàng áp dụng cơ chế bình ổn giá?

+ Cục Quản lý giá đưa sữa vào nhóm hàng mà nhà nước có thể can thiệp để bình ổn giá nhưng tôi cho là không cần thiết. Sữa nào tăng giá? Toàn hàng nhập khẩu! Ai sử dụng? Tất nhiên là người giàu thành thị! Vậy thì hãy để phân khúc thị trường này tự điều chỉnh. Chi phí sản xuất 100 mà họ bán 1.000 cũng kệ. Biện pháp mà Cục đặt ra còn không khả thi. Hàng trăm đơn vị nhập khẩu, cả ngàn mác sữa, buộc họ kê khai giá thì mỗi lần điều chỉnh vài trăm đồng, cơ quan quản lý căng người ra kiểm tra cũng chẳng xuể.

Ứng xử của nhà nước phải nhằm vào sữa rẻ, chất lượng đảm bảo chứ đừng có melamine như bên Trung Quốc và phải phục vụ đa số nhân dân. Mà với phân khúc thị trường quan trọng này, doanh nghiệp trong nước vẫn đáp ứng đủ. Họ còn phàn nàn: Bán rẻ thế sao dân ít mua?

Đừng dị ứng với đầu cơ

. Vậy còn lương thực, thực phẩm tăng giá nhiều mà giảm chẳng bao nhiêu?

+ Mỗi nhóm hàng yếu tố tăng, giảm giá đều có lý do riêng của họ. Như nhóm rau, củ, quả chẳng hạn, vừa lũ lụt xong thì giá rất rẻ vì hộ sản xuất phải bán tháo sản phẩm thu hoạch chạy lụt. Qua giai đoạn đó thì hết hàng, giá ắt tăng. Nhà nước có cần can thiệp không? Không! Có chăng là hỗ trợ nông dân khắc phục hậu quả, nhanh chóng cấy trồng lại thì một vài tuần thị trường lại đầy ắp. Thực phẩm cũng vậy thôi, thiên tai, dịch bệnh làm giảm nguồn cung thì cách duy nhất của nhà nước là giảm thuế, tăng thêm thực phẩm nhập khẩu.

. Nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giảm giá thất thường. Có ý kiến cho rằng có yếu tố đầu cơ, nâng giá. Ông nghĩ sao?

+ Tăng giảm phần nhiều do biến động trên thị trường thế giới, nguyên liệu đầu vào. Còn đổ lỗi cho đầu cơ là không đúng. Mua lúc rẻ bán lúc đắt là quy luật của thị trường, của người kinh doanh. Cứ nói đầu cơ là tiêu cực, vậy Chính phủ chỉ đạo doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu tăng dự trữ từ 20 ngày lên 30 ngày thì có phải là đầu cơ không? Trong trường hợp đặc biệt, nhà nước có thể áp dụng biện pháp đặc biệt là chống đầu cơ nhưng với hàng hóa đặc thù mà thôi.

Hạn chế can thiệp bằng biện pháp hành chính

. Qua biến động giá cả trong và ngoài nước vừa qua, theo ông có những bài học kinh nghiệm gì cần rút ra từ phía quản lý nhà nước?

+ Nhà kinh doanh thì chỉ cần giỏi về thị trường và có thể biết chút ít để đối phó với quản lý nhà nước. Còn quản lý nhà nước phải hơn anh kinh doanh một cái đầu, tức phải nắm vững thị trường thì mới quản lý được. Muốn vậy thì bộ máy quản lý phải tinh hoa, có tầm nhìn bao quát về thị trường và ngóc ngách của nó, biết được lúc nào giá lên, giá xuống, lúc nào cung thừa, cung thiếu, tại sao. Và quan trọng nữa là biết giới hạn quyền lực của mình, can thiệp đúng lúc, đúng chỗ, tạo môi trường cho thị trường phát triển lành mạnh. Doanh nghiệp cạnh tranh để nhắm tới mục tiêu độc quyền, còn nhà quản lý phải biết duy trì môi trường cạnh tranh tối đa nhưng kiểm soát được để không có độc quyền.

Bài học qua một năm đầy biến động thì nhiều nhưng tôi nhấn mạnh là cần tính toán liều lượng cũng như thời điểm áp dụng các biện pháp can thiệp hành chính vào thị trường. Đừng biến những biện pháp đặc biệt, vốn chỉ nên sử dụng trong trường hợp đặc biệt thành biện pháp dài hạn. Quy định những biện pháp hành chính đặc thù đó bằng thông tư, nghị định như hiện nay tất dẫn tới lo ngại nhà nước sẽ lạm dụng ngay cả khi thị trường đã đi vào ổn định.

. Còn người tiêu dùng có thể rút ra bài học gì?

+ Hãy bỏ phiếu bằng ví tiền của chính mình.

Các nước tiên tiến, bên cạnh lập pháp, hành pháp, tư pháp độc lập còn có trụ cột xã hội dân sự công bình tương tác tới ba nhánh quyền lực kia. Còn ta, thị trường còn mới ở bước chập chững ban đầu, xã hội dân sự thì gần đây mới được đề cập đến một cách không chính thức. Khó mà hy vọng có ngay cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hữu hiệu.

Cho nên, trong điều kiện hiện nay, rất cần vai trò của một nhà nước bảo vệ người tiêu dùng.

. Xin cảm ơn ông.

(Pháp luật TPHCM)

ĐỌC THÊM