Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nhà máy lọc dầu Dung Quất: Công trình thế kỷ

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng luôn có mặt để chỉ đạo, kiểm tra tiến độ công trình
Sự kiện nhà máy lọc dầu Dung Quất chính thức hoạt động sản xuất thương phẩm đầu tiên với công xuất 6,5 triệu tấn/năm đánh dấu thành công từ quyết tâm của Chính phủ, nỗ lực của các ban ngành trong 10 năm thực hiện dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất, nâng cao thế mạnh nội lực của đất nước trên trường quốc tế. Và từ bây giờ, người dân Việt Nam có quyền tự hào về một dòng dầu của người Việt - của trí lực Việt.
 
Nói đến việc thi công dự án nhà máy lọc dầu (NMLD) đã có rất nhiều ý kiến khác nhau, và có nhiều địa bàn có thể xây dựng được NMLD, như: Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu), Nghi Sơn (Thanh Hóa), Hòn La (Quảng Bình) và Vân Phong (Khánh Hòa) để rồi bao cuộc tranh luận đã diễn ra. Tuy nhiên, các phương án dần được loại với lý do: Tránh tập trung quá lớn những công trình trọng điểm quốc gia vào một khu vực, và nhiều nơi không có cảng nước sâu... chỉ còn lại Dung Quất là sự lựa chọn tốt nhất. Bởi Dung Quất nằm ở khu vực giữa Nam Trung bộ và Tây nguyên, vùng lãnh thổ đặc biệt quan trọng của đất nước. Dung Quất gần quốc lộ 1A và đường sắt thống nhất, tiếp đó là sân bay Chu Lai. Công trình thủy lợi Thạch Nham sẽ cung cấp đủ nước ngọt. Bên cạnh đó, Dung Quất có cảng nước sâu ở bên ngoài để dẫn dầu thô vào, có cảng trong vịnh để làm cảng phân phối.
 
Đòn bẩy kinh tế miền Trung
 
Có thể đúng theo nhiều nhận xét là Dung Quất không phải là vị trí kinh tế tốt nhất để đặt nhà máy lọc dầu, nhưng Dung Quất đang và sẽ là đòn bẩy cho khúc ruột miền Trung - Tây Nguyên đi lên cùng cả nước. Quảng Ngãi là một trong 5 tỉnh trọng điểm của khu vực miền Trung, với 4 khu kinh tế lớn là Chân Mây, Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội. Trong đó, Dung Quất và Chu Lai nằm cạnh nhau "như hai nửa trái tim" tạo động lực phát triển kinh tế toàn khu vực miền Trung - Tây Nguyên, và NMLD đặt ở Dung Quất là quyết sách đúng đắn của Chính phủ. Có lý nào khi kinh tế hai đầu đất nước hình chữ S ngày càng phình to, mà khúc ruột miền Trung lại teo tóp.
 
Khu kinh tế Dung Quất vốn là mảnh đất đầy bom đạn, giờ ngày đêm rộn ràng tiếng máy tạo hình hài của một KKT năng động, hiện đại với "trái tim" NMLD đang đập rộn rã trong ngày "khai hoa nở nhụy". Sự kiện này đã gây được sự chú ý đặc biệt không chỉ trong nước, mà còn đối với nước ngoài. Tính đến nay tại KKT Dung Quất đã cấp chứng nhận đầu tư cho 113 dự án, chấp thuận đầu tư cho 44 dự án, với tổng số vốn đăng ký tương đương 10,3 tỷ USD. Trong số này có 44 dự án hoàn thành đi vào hoạt động, nộp ngân sách nhà nước hơn 700 tỷ đồng, chiếm hơn 40% nguồn thu ngân sách của tỉnh. Các dự án này đã giải quyết được cho gần 12.300 lao động với mức lương bình quân gần 1, 2 triệu đồng/tháng. Theo tính toán, khi NMLD Dung Quất đi vào hoạt động với công suất 6,5 triệu tấn/năm sẽ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu sử dụng xăng dầu trong nước; đóng góp vào ngân sách tỉnh Quảng Ngãi hơn 2.000 tỷ đồng /năm...
 
Kinh nghiệm sống còn
 
Dự án NMLD đã trở thành máu thịt của những người có cùng quyết tâm xây dựng nhà máy. Theo Ban quản lý dự án, hoàn thành hai gói thầu 5A và 5B là điểm nhấn để bảo đảm tiến độ đưa NMLD vào hoạt động và cũng là bài học kinh nghiệm sâu sắc nhất. Gói thầu xây dựng đê chắn sóng (gói thầu 5A) là một bước đột phá trong kinh nghiệm xây dựng đê biển từ những chuyên gia hàng đầu Hà Lan. Đê chắn sóng dài 1,6 km được khởi công từ năm 2001, do Cty xây dựng Lũng Lô đảm nhiệm. Nhà thầu xây dựng theo kiểu "cuốn chiếu" đến đâu hoàn thành đến đó. Kết quả là từ năm 2001 đến năm 2006 chỉ hoàn thành được 200 m. Lý do chậm tiến độ là do dưới nền đáy biển có nhiều loại đất khác nhau, chỗ thì toàn cát, chỗ thì có những hòn đá mồ côi lớn như ngôi nhà. Năm 2006 nhà thầu Vee - oock (Hà Lan) nhận thầu, họ đã xây kè đê chắn sóng theo 2 lớp: Lớp thứ nhất làm kè thấp mặt đất một tầng nền dưới nước, sau một thời gian ổn định họ tiếp tục xây cao kè. Sau 2 năm, đến tháng 5/2008 hoàn thành toàn bộ đê kè sóng.
 
Gói thầu 5B - cảng xuất sản phẩm do TCty Công trình giao thông 1 đảm nhiệm phần dưới, thế nhưng đến đầu năm 2007 tiến độ công trình chậm đến 20 tháng. Trong khi đó phần trên của gói thầu này là do Cty Technip thi công. Theo hợp đồng nếu phần dưới chậm tiến độ, không đáp ứng thời gian để thi công thì Technip sẽ huỷ hợp đồng và phạt theo thoả thuận. Thế là Ban quản lý dự án phải tìm thêm một Cty khác chia gói thầu với TCty công trình giao thông 1 mới kịp tiến độ với yêu cầu của Technip. Ngày 18/12/2008, Hội đồng nghiệm thu cơ sở Dự án NMLD Dung Quất đã hoàn thành nghiệm thu Gói thầu 5B. Qua đây mới biết, chúng ta thường kéo dài thi công dự án là chuyện thường, nhưng với các nước tiên tiến, đã đặt con dấu thì không có lý do chậm.
 
Hướng tới con số 10 triệu tấn dầu/năm
 
NMLD có công suất 6,5 triệu tấn/năm, thế nhưng theo Ban Quản lý dự án NMLD thì việc nâng công suất nhà máy lên 10 triệu tấn vẫn có thể được. Theo kế hoạch dự kiến, từ tháng 2 đến tháng 6/2009, nhà máy đưa vào chạy thử với 60% công suất. Tháng 6 sẽ đưa tất cả các hạng mục vào vận hành, đến tháng 8 mới chạy đủ 100% công suất. Như vậy năm 2009, NMLD sẽ đạt công suất từ 3,5 đến 4 triệu tấn. Trong đó, có 3 triệu tấn diesel (dành cho ôtô); 400.000 tấn xăng máy bay; 300.000 tấn mazut... đáp ứng được 1/3 nhu cầu lăng lượng tiêu thụ dầu Việt Nam.
 
Để nâng cao công suất có hai phương án: Phương án thứ nhất là nâng cao công suất hoạt động lên 120 - 130%. Để được như vậy thì phải cải tạo nâng cấp, nhưng cao nhất cũng chỉ được 8,5 triệu tấn/năm. Phương án 2, xây dựng thêm cụm công trình mới (dây chuyền thứ 2). Kế hoạch xây dựng dây chuyền thứ 2 đã được xây dựng từ chủ trương của Chính phủ nhưng đến tháng 11/2009 mới báo cáo xin phê duyệt. Theo kế hoạch dây chuyền 2 Ban dự án sẽ đề nghị cho các nhà đầu tư đầu tư một phần vốn xây dựng, kể cả nhà đầu tư nước ngoài, và năm 2015 bắt đầu sản xuất và công suất đạt 10 triệu tấn/năm sẽ trong tầm tay.
 
(Diễn đàn doanh nghiệp)

ĐỌC THÊM