Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 13/2021

 

Hợp đồng tương lai dầu thô Brent và WTI đã đạt mức cao hơn vào tuần trước trong một tuần giao dịch đầy biến động. Thị trường đã sẵn sàng chốt ở mức thấp hơn trong tuần cho đến khi OPEC và các đồng minh của tổ chức này đưa ra thông báo khiến một số trader rời khỏi vị thế bán của họ.

Đầu tuần, yếu tố xúc tác đè nặng lên giá là việc lưu thông lại giao thông trên kênh đào Suez sau khi một tàu container khổng lồ nằm chắn ngang được giải phóng hồi đầu tuần, dữ liệu tồn kho của Mỹ trái chiều, đồng đô la Mỹ mạnh hơn, lo ngại nguồn cung từ Iran tăng và sự phục hồi nhu cầu suy yếu do sự gia tăng lây nhiễm trên toàn cầu.

Thị trường năng lượng tuần trước nghỉ giao dịch ngày thứ Sáu Tốt lành 2/4 (Good Friday). Kết thúc phiên 1/4, giá dầu Brent tương lai tăng 1,32 USD, tương đương 2,1%, lên 64,86 USD/thùng, giá dầu WTI tương lai tăng 2,29 USD, tương đương 3,9%, lên 61,45 USD/thùng.

Chốt tuần, giá dầu Brent và WTI lần lượt tăng gần 0,5% và 0,8%.

Tiêu điểm của tuần trước là cuộc họp chính sách sản lượng của OPEC+ hôm 1/4. Tại cuộc họp, OPEC+ đã nhất trí nới lỏng sản lượng 350.000 thùng/ngày trong tháng 5, 350.000 thùng/ngày trong tháng 6 và khoảng 400.000 thùng/ngày trong tháng 7.

Ngoài ra, Saudi Arabia cũng điều chỉnh giảm dần mức cắt giảm sản lượng tự nguyện.

Với quyết định này, chính sách sản lượng của OPEC+ sẽ chỉ còn cắt giảm hơn 6,5 triệu thùng/ngày một chút từ tháng 5 so với mức cắt giảm gần 7 triệu thùng/ngày trong tháng 4.

Như vậy, OPEC sẽ bổ sung thêm khoảng 2 triệu thùng dầu mỗi ngày từ tháng 5 đến tháng 7.

Bộ trưởng Dầu mỏ Arab Saudi Abdulaziz bin Salman ban đầu thuyết phục liên minh không tăng sản lượng với lý do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, đặc biệt là ở châu Âu, nơi Pháp đã phải triển khai lệnh phong tỏa toàn quốc thứ ba để ứng phó.

Sau Pháp thực hiện phong toả toàn quốc và đóng cửa các trường học trong 3 tuần, bang Maharashtra, bang giàu nhất Ấn Độ và là nơi có trung tâm tài chính Mumbai, cũng quyết định áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt về phòng chống dịch Covid-19 kể từ ngày 5/4.

Tuy nhiên, phần lớn OPEC+ vẫn muốn tăng sản lượng với niềm tin lực cầu dầu mùa hè sẽ cao hơn nhiều lần so với ước tính của Arab Saudi. Nga, cũng có tiếng nói trong OPEC+, bày tỏ nhu cầu tăng sản lượng để đáp ứng sức tiêu thụ từ thị trường nội địa.

Giới đầu tư cũng đặt kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu thô sẽ tăng mạnh khi các cơ sở lọc dầu mới của Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đi vào hoạt động.

Theo Bloomberg, tính đến tháng 11/2020, Trung Quốc đang có 1,4 triệu thùng/ngày công suất lọc dầu mới đang được xây dựng.

Nhiều thành viên OPEC+, bao gồm cả Arab Saudi, còn lo ngại khi sản lượng từ Mỹ gần đây tăng. Giả định trước đó là đại dịch Covid-19 cùng chính sách năng lượng sạch từ chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ gây sức ép lên sản lượng từ nền kinh tế số một thế giới.

Tuy nhiên, xuất khẩu của Mỹ tuần kết thúc ngày 26/3 tăng 3,2 triệu thùng/ngày từ mức thông thường 2,5 triệu thùng/ngày. Sản lượng cùng giai đoạn tăng từ 11 triệu thùng/ngày lên 11,1 triệu thùng/ngày, các công ty dầu khí tích cực khai thác khi giá dầu ở trên 60 USD/thùng.

Tồn kho dầu thô tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 26/3 giảm 876.000 thùng, trái ngược dự báo tăng 107.000 thùng từ giới phân tích, cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết.

Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần trước triển khai thêm 13 giàn khoan, nâng tổng số giàn khoan hoạt động lên 430, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.

ĐỌC THÊM