Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 15/2022

Thị trường dầu mỏ trải qua một tuần đầy biến động trong tuần giao dịch vừa qua do triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu ảm đạm và nguồn cung bị thắt chặt do xung đột tiếp diễn giữa Nga và Ukraine. Mặc dù việc Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét cấm nhập khẩu dầu của Nga, động thái có thể khiến nguồn cung trở nên eo hẹp hơn, song giá dầu vẫn mất gần 5% trong tuần qua.

Thị trường năng lượng khởi đầu tuần mới với diễn biến khá tích cực, khi giá dầu tăng hơn 1% vào phiên 18/4 do tình trạng ngưng sản xuất ở Libya càng làm tăng thêm lo ngại về nguồn cung toàn cầu vốn đã bị thắt chặt vì cuộc khủng hoảng Ukraine.

Giới quan sát cho rằng dầu sẽ còn chứng kiến những đợt biến động giá mạnh vì sản lượng toàn cầu trong thời gian tới. Ông Jeffrey Halley, nhà phân tích tại công ty môi giới OANDA (Mỹ), cho biết, với nguồn cung toàn cầu quá eo hẹp như hiện nay, một sự gián đoạn nhỏ nhất cũng có thể tác động lớn đến giá cả.

Tuy nhiên, giá dầu quay đầu giảm khoảng 5% ngay trong phiên giao dịch liền sau đó, do những lo ngại về nhu cầu tiêu thụ sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và cảnh báo lạm phát cao.

Triển vọng u ám này đã làm gia tăng sức ép lên giá dầu, vốn đang chịu tác động từ đồng USD ở mức cao nhất trong hai năm.

Đà giảm này diễn ra ngay cả khi Tổ chức OPEC+ hạ sản lượng trong bối cảnh sản lượng của Nga bắt đầu giảm do các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Cụ thể, OPEC+ đã sản xuất dưới mức mục tiêu 1,45 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 3/2022, còn Nga sản xuất ít hơn 300.000 thùng/ngày so với mục tiêu, ở mức 10,018 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, một nguồn tin từ châu Âu cho hay, Ủy ban châu Âu (EC) đang đẩy nhanh mức độ sẵn có của các nguồn cung năng lượng thay thế. Hà Lan cho biết có kế hoạch ngừng sử dụng nhiên liệu từ Nga vào cuối năm nay.

Giá dầu tiếp tục trồi sụt trái chiều trong phiên 20/4 trước khi tăng trở lại vào phiên 21/4, do quan ngại về gián đoạn nguồn cung dầu mỏ.

Thị trường bán ra không nhiều sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng EU cần phải thận trọng về lệnh cấm hoàn toàn nhập khẩu năng lượng của Nga vì động thái đó có thể khiến giá dầu tăng đột biến.

Tới phiên giao dịch cuối tuần ngày 22/4, giá dầu thế giới lại đảo chiều giảm do triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu, lãi suất tăng cao và các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt tại Trung Quốc liên quan tới dịch COVID-19 đang làm ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ.

Kết thúc phiên này, giá dầu Brent giảm 1,68 USD (tương đương 1,6%) xuống 106,65 USD/thùng. Giá dầu WTI mất 1,72 USD (tương đương 1,7%), xuống còn 102,07 USD/thùng. Cả 2 hợp đồng dầu đều mất gần 5% trong tuần trước.

IMF có thể tiếp tục hạ dự báo kinh tế toàn cầu nếu các nước châu Âu mở rộng các lệnh trừng phạt đối với Nga và giá năng lượng tăng cao hơn.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết việc nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm "sẽ được thảo luận" tại cuộc họp chính sách tiếp theo của Fed vào tháng Năm tới, thúc đẩy đồng USD tiến lên mức cao nhất trong 2 năm.

Morgan Stanley đã nâng dự báo giá dầu Brent trong quý III/2022 thêm 10 USD, lên 130 USD/thùng, với lý do "thiếu hụt nguồn cung lớn hơn dự kiến" trong năm nay do sự sụt giảm nguồn cung từ Nga và Iran.

Theo dữ liệu từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes, số giàn khoan dầu tại Mỹ trong tuần trước đã tăng thêm 1 giàn, lên 549 giàn, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020.

ĐỌC THÊM