Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 21/2022

Giá dầu khởi đầu tuần trước với sự trái chiều khi dầu Brent giảm nhẹ, dầu WTI tăng bởi Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về cấm vận dầu Nga.

Để phá vỡ thế bế tắc cho một phần của gói trừng phạt thứ 6 này của EU, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất lệnh cấm chỉ áp dụng đối với dầu nhập khẩu của Nga theo đường biển, thay vì đường ống Druzhba để Hungary, Slovakia và Séc có thể tiếp tục nhận dầu từ Nga cho đến khi tìm được nguồn cung thay thế. Động thái mới này sẽ giúp EU giành chiến thắng trước Hungary và các quốc gia thành viên không giáp biển.

Giá dầu Brent sau đó đã nhanh chóng tăng tốc lên mức hơn 121 USD/thùng- mức cao nhất trong hai tháng qua khi Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các hạn chế ngăn ngừa sự lây lan của Covid-19 và các nhà giao dịch kỳ vọng EU cuối cùng cũng sẽ đạt được thỏa thuận cấm nhập khẩu dầu của Nga.

Giá dầu đã được thúc đẩy sau khi thị trường tiếp nhận thông tin tại hội nghị bất thường diễn ra ngày 31/5, các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý về nguyên tắc cắt 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga trong vòng 6 tháng.

Giá dầu tiếp đà tăng sau dữ liệu từ chính phủ Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô và nhiên liệu của Mỹ đã giảm trong tuần trước do cầu vượt cung và tồn kho dầu thô thương mại giảm.

Thông tin về dự trữ dầu và nhiên liệu của Mỹ giảm đã làm “lu mờ” quyết định của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) về việc tăng sản lượng lên 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8 thay vì 432.000 thùng/ngày như đã áp dụng với những tháng trước đó. Tuy nhiên, mức tăng này chỉ như “muối bỏ bể” và theo Oilprice, chỉ đáp ứng 0,4% nhu cầu toàn cầu trong tháng 7 và 8, trong khi nhu cầu đang ngày một tăng sau sự mở cửa trở lại ở một số thành phố lớn của Trung Quốc. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại những nghi ngờ liệu OPEC+ có thể hoàn thành mức tăng đã cam kết hay không, do nhiều thành viên của tổ chức này đã và đang phải vật lộn để tăng sản lượng.

Amrita Sen, đồng sáng lập công ty tư vấn Energy Aspects, cho biết sản lượng gia tăng thực tế trong hai tháng 7 và 8 có thể chỉ đạt ngưỡng 560.000 thùng, thấp hơn nhiều so với kế hoạch gần 1,3 triệu thùng, vì phần lớn các quốc gia đã chạm ngưỡng công suất tối đa.

Mùa lái xe mùa hè ở Mỹ đã bắt đầu cũng là một trong những yếu tố đẩy giá dầu tăng tốc.

Chốt phiên giao dịch ngày 3/6, giá dầu Brent tương lai giao tháng 8 tăng 2,11 USD, tương đương 1,8%, lên 119,72 USD/thùng. Trước đó, giá dầu Brent có thời điểm chạm ngưỡng 120,05 USD/thùng. Chốt tuần, Brent tăng 0,2% và có tuần tăng thứ 3 liên tiếp.

Giá dầu WTI tăng 2 USD, tương đương 1,7%, lên 118,87 USD/thùng. Trong ngày, giá dầu WTI đạt giá trị cao nhất 119,41 USD/thùng. Chốt tuần, WTI tăng khoảng 3%.

Trong ngày 3/6, Mỹ chính thức công bố báo cáo việc làm tháng 5, phản ánh thị trường lao động vẫn tương đối nóng. Có thêm 390.000 việc làm mới trong các lĩnh vực phi nông nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì ở ngưỡng thấp nhiều năm.

Bên cạnh báo cáo việc làm tháng 5 của Mỹ, giá dầu tăng trong phiên giao dịch 3/6 do một lý do khác: Tổng thống Joe Biden bỏ ngỏ khả năng ông sẽ tới Arab Saudi để gặp mặt trực tiếp Thái tử của Vương quốc này, người giữ vai trò quan trọng, quyết định việc liệu OPEC có bơm thêm dầu để hạ nhiệt thị trường hay không, sau khi một loạt các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga có hiệu lực.

Trước áp lực từ phương Tây muốn loại Nga ra khỏi OPEC+, Arab Saudi vẫn quyết giữ vững mối quan hệ đồng minh của mình với Nga, cho rằng xuất khẩu dầu không nên bị chính trị hóa sau cuộc xung đột Ukraine. Đó có thể là lý do Tổng thống Joe Biden chưa muốn có một chuyến thăm tới Riyadh, các chuyên gia phân tích cho biết.

Giá dầu đang trong xu hướng tăng điểm và 130 USD/thùng sẽ là mục tiêu tiếp theo, Sunil Kumar Dixit, Giám đốc chiến lược kỹ thuật tại skcharting.com nhận định.

ĐỌC THÊM