Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 29/2021

 

Thị trường năng lượng giảm trong phiên đầu tuần trước do lo ngại số ca nhiễm mới Covid-19 liên quan biến thể Delta gia tăng có thể khiến lực cầu suy yếu. Nhưng sau đó giá dầu phục hồi nhờ một số thông tin tích cực.

JP Morgan dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ, Trung Quốc hạ nhiệt sau khi tăng mạnh vào quý II/2021. Tuy nhiên, JP Morgan dự báo khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ tăng trưởng mạnh trở lại, vượt mức tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong quý II/2021 và kinh tế Ấn Độ cũng sẽ tăng trưởng mạnh vào quý III/2021 tới.

Một chút lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dấy lên sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố bản cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới khiến giá dầu trong phiên 29/7 có xu hướng giảm nhẹ. Tuy nhiên, trạng thái này đã nhanh chóng qua đi khi báo cáo cho thấy triển vọng cải thiện nhu cầu dầu thô vẫn tích cực bởi các nền kinh tế vẫn đang giữ được đà phục hồi.

Cùng với đó, giá dầu thô còn được hỗ trợ bởi thông tin dự trữ dầu thô Mỹ giảm. Theo thông tin được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố, dầu tồn kho của nước này đã giảm 4,1 triệu thùng trong tuần tính đến 23/7 do nhập khẩu giảm và sản lượng dầu đi xuống.

Cũng theo EIA, các cơ sở lọc dầu Mỹ hoạt động với 91,1% công suất tối đa trong tuần kết thúc ngày 23/7, cách không xa mức đỉnh hồi hè 2019.

Sau thông tin trên, ngân hàng ANZ cũng phát đi nhận định dịch Covid-19 đang ít ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân Mỹ hơn dự báo.

Đà tăng của giá dầu chỉ bị chặn lại trong các phiên giao dịch ngày 29 và 30/7 khi những dữ liệu tiêu cực về dịch Covid-19 ở Mỹ, Trung Quốc, 2 quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn nhất, được phát đi.

Cùng với dịch bệnh, mốc thời điểm OPEC+ tăng sản lượng thêm 400.000 ngàn thùng/ngày cũng là yếu tố gia tăng áp lực giảm giá đối với dầu thô.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch cuối tuần, khi loạt dữ liệu tăng trưởng kinh tế tích cực từ châu Âu được phát đi cho thấy khu vực kinh tế này đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, giá dầu đã lấy lại đà tăng.

Nhu cầu dầu thô được kỳ vọng sẽ tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ khi chính phủ và ngân hàng Trung ương một số nước phát tín hiệu sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, thu mua tài sản để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

Kết thúc hai ngày họp chính sách 27 – 28/7, Fed cho biết kinh tế Mỹ vẫn đang trên đà phục hồi bất chấp Covid-19. Ngân hàng trung ương Mỹ chưa ấn định thời gian bắt đầu siết chương trình mua trái phiếu khiến lợi suất trái phiếu chính phủ giảm, kéo đồng USD suy yếu. Đây cũng là tác nhân giúp giá dầu thô phiên giao dịch cuối tuần đi lên.

Kết thúc phiên 30/7, giá dầu Brent giao tháng 9, đáo hạn cùng ngày, tăng 28 cent, tương đương 0,4%, lên 76,33 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 10 tăng 31 cent lên 75,41 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai tăng 33 cent, tương đương 0,5%, lên 73,95 USD/thùng.

Chốt tuần, giá dầu Brent tăng 1,8% còn WTI tăng 2,1%, lần lượt là tuần tăng tốt nhất trong 6 tuần và 5 tuần.

Giá dầu Brent tăng 1,1% trong tháng 7, tháng tăng thứ 4 liên tiếp, trong khi WTI tăng 0,7%.

Theo FX Empire, nhà đầu tư sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến Covid-19 để đánh giá ảnh hưởng đến lực cầu. Dù số ca nhiễm tăng nhanh, đại dịch vẫn chưa có dấu hiệu ảnh hưởng đến lực cầu trong ngắn hạn.

Theo số liệu từ công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, các công ty năng lượng Mỹ trong tuần trước giảm 3 giàn khoan dầu và khí xuống còn 488 giàn khoan.

Trong khi đó, nguồn cung dự báo thắt chặt sau khi đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc có dấu hiệu bế tắc, đồng nghĩa sản lượng dầu của Tehran khó sớm quay lại thị trường.

ĐỌC THÊM