Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 36/2019

 

Một lần nữa tâm lý của các trader dầu thô lại trở nên tốt hơn vì cam kết sẽ hỗ trợ cho sự mở rộng kinh tế Mỹ của Jerome Powell đã giúp giá dầu đạt mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 7.

Chủ tịch Fed Jerome tuần trước tuyên bố sẽ hành động phù hợp để giữ đà tăng trưởng kinh tế Mỹ, giúp giá dầu tăng trong phiên 6/9. Chốt tuần, giá dầu Brent ở 61,54 USD/thùng, tăng 1,8%, tuần tăng thứ 4 liên tiếp, giá dầu WTI ở 56,52 USD/thùng, tăng 2,6%, tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 7.

Tồn kho dầu thô tại Mỹ giảm vượt dự kiến trong tuần kết thúc ngày 30/8, tuần giảm thứ 3 liên tiếp bất chấp nhập khẩu tăng, theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Cụ thể, tồn kho giảm 4,8 triệu thùng, gần gấp đôi kỳ vọng từ giới phân tích, xuống còn 423 triệu thùng, thấp nhất kể từ tháng 10/2018.

Từ đầu tháng 8, thị trường năng lượng ẩn chứa nhiều biến động với biên độ dao động giá hàng ngày lên tới hơn 2%.

Ngân hàng Thụy Sĩ UBS từng cảnh báo triển vọng nhu cầu năng lượng xấu đi sẽ đẩy giá dầu Brent về còn 55 USD. Commerzbank, có trụ sở tại Đức, dự báo giá dầu Brent vào cuối năm 2020 là 60 USD/thùng, giảm 5 USD so với con số đưa ra trước đó.

Giá dầu WTI “dự kiến giữ ở 55 USD/thùng và giá dầu Brent giữ ở 59 USD/thùng”, Scott Shelton, nhà môi giới năng lượng tương lai tại ICAP, bang North Carolina, nói.

Một yếu tố đe dọa thị trường năng lượng là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, hiện vẫn chưa có dấu hiệu sắp kết thúc. Washington và Bắc Kinh dự kiến đàm phán vòng thứ 13 tại Washington vào đầu tháng 10. Các vòng đàm phán trước đó thường bất thành, khiến căng thẳng ngày càng leo thang.

Ngày 1/9, Mỹ bắt đầu áp thuế 15% lên 112 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, nằm trong kế hoạch áp thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Phần hàng hóa còn lại sẽ chịu thuế từ ngày 15/12. Mỹ còn dự kiến tăng thuế lên 30% với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, đang chịu thuế 25%, từ ngày 1/10.

Ngày 12/9. Ủy ban giám sát liên bộ trưởng của OPEC sẽ họp tại Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) để thảo luận về chính sách hạn chế sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày mà OPEC cùng đồng minh, tức OPEC+, đang triển khai. Sau cuộc họp, ủy ban sẽ khuyến nghị OPEC cần làm gì để thúc đẩy giá dầu.

Các hãng tin Bloomberg và Reuters và dịch vụ báo cáo giá cả Argus đều tính toán rằng sản lượng của OPEC đã tăng trong tháng trước, trong phạm vi trung bình 80.000 thùng một ngày và 200.000 thùng mỗi ngày.

Một nguồn sản xuất quá mức đáng chú ý là Iraq, quốc gia đã bơm mức trung bình cao kỷ lục mới là 4,88 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 8, cao hơn mức trần đã thỏa thuận theo thỏa thuận hạn chế sản lượng của OPEC+.

Các ước tính này đã đặt ra những lo ngại tiềm ẩn về một đợt dư thừa mới hình thành trên thị trường thế giới, với một loạt các dữ liệu toàn cầu yếu kém hơn mong đợi, đặc biệt là từ lĩnh vực sản xuất.

Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần trước giảm 4 giàn khoan hoạt động xuống còn 738, thấp nhất gần 2 năm, theo công ty dịch vụ năng lượng Mỹ Baker Hughes.

Dưới đây là các sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần:

Ngày 10/9

Viện Dầu mỏ Mỹ (API) ra báo cáo hàng tuần về tồn kho dầu thô.

Ngày 11/9

EIA cập nhật số liệu tồn kho dầu thô hàng tuần.

Ngày 12/9

Ủy ban giám sát liên bộ trưởng của OPEC họp tại UAE.

Ngày 13/9

Baker Hughes cập nhật số giàn khoan dầu hàng tuần.

ĐỌC THÊM