Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 39/2021

 

Giá dầu nhìn chung đã có một tuần tăng hơn 4% vì cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu kéo giá lên mức cao nhất kể từ năm 2014, dầu thô WTI thậm chí có lúc vượt 80 USD/thùng.

Giá dầu bước vào phiên giao dịch ngày 4/10 giảm mạnh khi chờ kết quả cuộc họp từ OPEC+ với đồn đoán OPEC+ sẽ nới lỏng nhiều hơn mức 400.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, giá dầu Brent đã bứt phá vượt ngưỡng 80 USD/thùng trong hai phiên đầu tuần khi những nhà đầu cơ giá lên hoan nghênh quyết định chỉ tăng dần sản lượng của OPEC+ bất chấp nguồn cung toàn cầu bị siết chặt và lạm phát ngày càng trầm trọng hơn. Ngoài ra, các trader cũng tin rằng thị trường sẽ tiếp tục thiếu hụt nguồn cung trong mùa đông sắp tới vốn được dự báo là sẽ lạnh hơn mọi năm.

Sau chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp, đến ngày 06/10 giá dầu quay đầu giảm trở lại do báo cáo cáo dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh.

Tồn kho tại Mỹ tăng 2,3 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 1/10, trái với kỳ vọng giảm 418.000 thùng, theo Bộ Năng lượng Mỹ. Tồn kho xăng tăng, tồn kho sản phẩm tinh chế giảm nhẹ.

Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần trước triển khai thêm 5 giàn khoan dầu và khí, tuần tăng thứ 5 liên tiếp, nâng tổng số giàn khoan hoạt động lên 533, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.

Trong hai phiên cuối tuần, giá dầu lấy lại được mức đã để mất trong phiên trước đó khi có thông tin chính phủ Hoa Kỳ không có kế hoạch bán dầu thô từ kho dự trữ khẩn cấp cũng như cấm xuất khẩu mặt hàng này để hạ nhiệt giá nhiên liệu và lạm phát đang tăng cao.

Ngoài ra, giá còn được hỗ trợ khi ghi nhận loạt thông tin tích cực từ nền kinh tế Mỹ.

Theo đó, sau nhiều tranh cãi, Quốc hội Mỹ đã đồng ý nâng trần nợ công quốc gia đến đầu tháng 12/2021 nhằm tranh nguy cơ vỡ nợ của chính phủ nước này. Điều này đã giúp nền kinh tế Mỹ tránh khỏi nguy những rủi ro vỡ nợ đối với triển vọng tăng trưởng, phục hồi kinh tế.

Ngoài ra, Bộ Lao động Mỹ cho biết, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của nền kinh tế số 1 thế giới đã giảm 38.000, xuống còn 326.000, giảm so với con số 362.000 đơn thất nghiệp của tuần trước đó, và thấp hơn nhiều con số dự báo 350.000 được đưa ra trước đó.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng cho rằng, nhu cầu tiêu thụ dầu thô toàn cầu sẽ tăng thêm 150.000 – 500.000 thùng/ngày trong những tháng tới.

Còn các nhà phân tích hàng hóa tại ANZ điều chỉnh dự báo lực cầu dầu thô quý IV thêm 450.000 thùng/ngày.

Nguồn cung dầu toàn cầu cũng được dự báo sẽ khan hiếm trong những tháng tới do hoạt động khai thác dầu thô ở Bắc bán cầu sẽ bị ảnh hưởng khi mùa Đông đến.

Trong khi nhu cầu dầu thô toàn cầu đang phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là tại những thị trường nhập khẩu dầu lớn như Trung Quốc, Ấn Độ nhờ việc kiểm soát được dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, đồng USD suy yếu, trượt khỏi mức cao nhất 1 năm cũng giúp hỗ trợ giá dầu.

Kết thúc phiên 8/10, giá dầu Brent tương lai tăng 44 cent, tương đương 0,5%, lên 82,2 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai tăng 1,05 USD, tương đương 1,3%, lên 79,35 USD/thùng, cao nhất kể từ 31/10/2014.

Chốt tuần, giá dầu Brent tăng 4%, tuần tăng thứ 5 liên tiếp, WTI tăng 5%, tuần tăng thứ 7 liên tiếp. Kể từ đầu năm, giá dầu Brent tăng gần 59%, WTI tăng 63%.

Louise Dickson, nhà phân tích tại Rystad Energy, lưu ý thị trường không nhất thiết sẽ thắt chặt như hiện tại bởi OPEC cùng đồng minh, tức OPEC+, vẫn còn dư địa tăng sản lượng 8,6 triệu thùng/ngày, khi OPEC+ kiểm soát tới 95% sản lượng dầu toàn cầu.

Trong khi đó, chính phủ Mỹ cho biết đang theo dõi tình hình nhưng không thông báo hành động nhằm hạ nhiệt giá dầu, như xả kho dự trữ chiến lược, càng thúc đẩy thị trường đi lên.

ĐỌC THÊM