Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 40/2021

 

Giá dầu thế giới bước vào tuần giao dịch từ ngày 11/10 với xu hướng tăng mạnh khi các dự báo đều cho thấy châu Âu sẽ trải qua một mùa đông vô cùng khắc nghiệt. Bên cạnh đó, những quốc gia tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, nhu cầu dầu thô cũng đang tăng cao khi các nhà máy phát điện chuyển sang dùng dầu thay cho khí đốt. Nhu cầu năng lượng cũng sẽ tăng cao bởi các hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hoá được đẩy mạnh khi các nước tiến hành mở cửa lại nền kinh tế, trong khi nguồn cung vẫn tiếp tục khan hiếm đã hỗ trợ giá có thêm một tuần leo dốc.

Một số phân tích chỉ ra rằng giá dầu thô đang phản ứng một cách thái quá trước kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ toàn cầu khi các dữ liệu kinh tế cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu chậm lại.

Cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra tại nhiều quốc gia sẽ khiến giá cả nhiều loại hàng hoá leo thang và thiếu hụt.

Các nhà phân tích ước tính, quá trình chuyển đổi từ việc sử dụng khí tự nhiên sang dùng dầu thô sẽ làm tăng nhu cầu dầu toàn cầu từ 250.000 – 750.000 thùng/ngày.

Tuy nhiên, điều này diễn ra trong một thời gian sẽ đẩy lạm phát tăng cao, các chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn do thiếu hụt nguồn cung… và kéo theo đó là tăng trưởng kinh tế toàn cầu vốn dĩ đang rất mong manh bị chậm lại, nhu cầu dầu khi đó sẽ đi xuống. Động lực tăng giá vì thế sẽ giảm và đây cũng là nguyên nhân khiến giá dầu giảm nhẹ trong phiên ngày 12 và 13/10.

Trước những lo ngại trên, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ mức 6% xuống còn 5,9% cho năm 2021 nhưng vẫn giữ nguyên mức dự báo 4,9% cho năm 2022.

Tuy nhiên, khi loạt dữ liệu kinh tế về hoạt động sản xuất ở châu Âu và tình trạng thiếu hụt năng lượng có chiều hướng gia tăng, giá dầu thô đã quay đầu tăng trở lại trong hai phiên cuối tuần.

Giá dầu thô còn được thúc đẩy bởi tình trạng thiếu hụt năng lượng đang diễn ra nghiêm trọng tại nhiều quốc gia như châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ... khiến giá nhiều mặt hàng năng lượng như giá khí, giá than tăng cao. Điều này đã thúc đẩy các nhà sản xuất năng lượng đẩy nhanh hơn quá trình thay thế khí và than bằng các loại dầu.

Nhu cầu dầu thô được dự báo sẽ còn tăng mạnh khi lũ lụt đang làm gián đoạn việc cung ứng than tại nhiều khu vực của Trung Quốc, trong khi một mùa đông khắc nghiệt đang đến gần khiến nhu cầu khí đốt tại châu Âu gia tăng.

Báo cáo từ Viện Dầu khí Mỹ cho thấy sản lượng tại trung tâm dự trữ dầu lớn nhất của nước này là Cushing, Oklahoma đã giảm 2,28 triệu thùng.

Kết thúc phiên 15/10, giá dầu Brent tương lai tăng 86 cent, tương đương 1%, lên 84,86 USD/thùng, trong phiên có lúc chạm 85,1 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 10/2018. Giá dầu WTI tương lai tăng 97 cent, tương đương 1,2%, lên 82,28 USD/thùng.

Chốt tuần, giá dầu Brent tăng 3%, tuần tăng thứ 6 liên tiếp, giá dầu WTI tăng 3,5%, có tuần tăng thứ 8 liên tiếp.

Kể từ đầu năm, giá dầu Brent tăng 64%, WTI tăng gần 70%. Goldman Sachs và Morgan Stanley đều dự báo giá dầu Brent chạm 90 USD/thùng trước cuối năm.

Thông tin Trung Quốc đang cắt giảm hạn ngạch nhập khẩu dầu thô đối với các cơ sở lọc dầu độc lập và số liệu tồn kho tại Mỹ ngày 14/10 bị nhà đầu tư bỏ qua. Cụ thể, tồn kho dầu thô tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 8/10 tăng 6 triệu thùng, vượt xa dự báo tăng 702.000 thùng từ giới phân tích, theo cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Sản lượng cũng tăng cao hơn, đạt 11,4 triệu thùng/ngày.

Thay vào đó, nhà đầu tư chú ý đến thông báo từ Nhà Trắng hôm 15/10 rằng Mỹ sẽ dỡ hạn chế đi lại liên quan Covid-19 với người nước ngoài đã tiêm vaccine đầy đủ, hiệu lực từ ngày 8/11, động thái này có thể thúc đẩy lực cầu nhiên liệu máy bay.

Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần tiếp tục triển khai thêm 10 giàn khoan dầu và khí, nâng tổng số giàn khoan đang hoạt động lên 543, cao nhất kể từ tháng 4/2020, theo cơ quan dịch vụ năng lượng Baker Hughes.

ĐỌC THÊM