Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 41/2022

Phiên giao dịch đầu tuần trước với sự đi lên của giá dầu lúc đầu phiên và trượt dần về phía cuối phiên đã báo hiệu một tuần giao dịch không ổn định.

Sự bất ổn trong giá dầu chịu tác động bởi lo ngại lạm phát cao, chi phí năng lượng tăng cao có thể kéo nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái dù quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới, Trung Quốc, vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.

Tiếp đà giảm nhẹ của phiên đầu tuần, giá dầu giảm thêm khoảng 2 USD bởi nguồn cung của Mỹ tăng cùng suy thoái kinh tế trong khi nhu cầu nhiên liệu của Trung Quốc giảm.

Trung Quốc đã trì hoãn vô thời hạn việc công bố các chỉ số kinh tế ban đầu dự kiến được công bố vào ngày 18/10. Điều này cho thấy nhu cầu nhiên liệu đang suy giảm đáng kể trong khu vực. Theo John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC ở New York, việc Trung Quốc quyết định không công bố các số liệu kinh tế không phải là một dấu hiệu tốt. Còn theo nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets, Trung Quốc tuân thủ chính sách ‘Không Covid’ đã tiếp tục làm gia tăng những bất ổn về tăng trưởng kinh tế của quốc gia Đông Á này.

Tuy nhiên, lo ngại về nguồn cung thắt chặt, và thông tin Mỹ sẽ giải phóng nhiều dầu thô hơn từ kho dự trữ chiến lược đã đảo ngược đà trượt dốc của giá dầu. Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/10, giá dầu đã lấy lại được hơn 2 USD để mất trước đó.

Cũng trong ngày 19/10, báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ dầu thô bất ngờ giảm 1,7 triệu thùng, so với kỳ vọng tăng 1,4 triệu thùng. Dự trữ dầu chiến lược của Mỹ giảm 3,6 triệu thùng xuống còn hơn 405 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 5/1984.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch giải phóng thêm 15 triệu thùng dầu từ kho dự trữ dầu chiến lược. Nhà Trắng cũng cho biết sẽ bắt đầu bổ sung dầu cho kho dự trữ khi giá dầu giảm xuống trong khoảng 67-72 USD/thùng, để đảm bảo nhu cầu dài hạn và kích thích sản xuất trong nước. Song, thông tin này đã không thể xoa dịu giá dầu vốn khá sốc với báo cáo của EIA về sự sụt giảm trong dự trữ dầu chiến lược của Mỹ, trong khi các kho dự trữ dầu thương mại cũng giảm bất ngờ.

Giá dầu gần như đi ngang trong phiên giao dịch ngày 20/10, khi vẫn chịu tác động của “bóng ma” lạm phát và tin tức Trung Quốc đang xem xét điều chỉnh thời gian cách ly đối với du khách từ 10 ngày xuống còn 7 ngày.

Trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần, dầu Brent giao dịch tại London tăng 1,12 USD, tương đương 1,2%, ở mức 93,50 USD/thùng. Giá WTI giao dịch tại New York tăng 54 cent, tương đương 0,6% ở 85,05 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu thô Brent và WTI tăng lần lượt 2% và 0,6%.

Các chuyên gia cho rằng, giá dầu có thể sẽ sớm gặp áp lực trở lại khi rủi ro từ môi trường vĩ mô đang gia tăng.

ĐỌC THÊM