Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 42/2022

Giá dầu Brent và WTI đều ghi nhận một tuần đi lên trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung.

Giá dầu đã liên tục biến động ngay trong phiên giao dịch đầu tiên của tuần trước. Kết thúc phiên, giá dầu giảm chưa đến 50 cent nhưng trong phiên cả dầu Brent và WTI đều trượt dốc tới 2 USD. Sự hỗn loạn trong phiên giao dịch là bởi nhu cầu của Trung Quốc trong tháng 9 vẫn mờ nhạt, đồng bạc xanh bật tăng trở lại, trong khi dữ liệu hoạt động kinh doanh của Mỹ suy yếu làm giảm kỳ vọng về việc tăng lãi suất mạnh mẽ hơn.

Hoạt động kinh doanh của Mỹ trong tháng 10 giảm tháng thứ tư liên tiếp. Theo S&P Global, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Mỹ - dùng để theo dõi các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ - đã giảm xuống 47,3 so với 49,5 vào tháng 9.

Phil Flynn, nhà phân tích của Price Futures Group, nhận định rằng việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang phát huy tác dụng và có thể thuyết phục Fed làm chậm chính sách tăng lãi suất, một tín hiệu tích cực cho nhu cầu nhiên liệu.

Đà giảm giá được kéo sang đầu phiên tiếp theo. Nhưng đến cuối phiên, giá dầu đã nhích nhẹ chưa đến 1 USD do sự suy yếu của đồng USD.

Dữ liệu sốc về xuất khẩu dầu thô ở mức kỷ lục – 5,1 triệu thùng/ngày của Mỹ, cùng mức hoạt động cao hơn bình thường của các nhà máy lọc dầu và đồng USD tiếp tục suy yếu đã hỗ trợ giá dầu leo dốc gần 3% trong phiên giao dịch tiếp theo.

Và giá dầu đã kéo dài mức tăng thêm hơn 1 USD ở phiên giao dịch kế tiếp.

Tuy nhiên, đà tăng trong 3 phiên này đã không thể kéo sang phiên giao dịch cuối cùng của tuần do chịu tác động của thông tin Trung Quốc tăng cường các biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19.

Nhưng mức giảm hơn 1% không đủ để đảo ngược sự leo dốc của hai chuẩn dầu. Tính cả tuần, dầu Brent đã tăng khoảng 2%, và WTI tăng 3%. Chốt phiên thứ Sáu, giá dầu Brent giảm xuống mức 95,77 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ dừng ở mức 87,9 USD/thùng.

Chính các dữ liệu về sự phục hồi mạnh mẽ GDP của Mỹ trong quý 3 và sự tăng trưởng bất ngờ của nền kinh tế Đức cũng trong quý này đã hạn chế đà giảm của giá dầu tại phiên kết thúc tuần.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, GDP của nước này đã tăng 2,6% trong khoảng thời gian từ tháng 7 tới tháng 9 sau khi giảm 1,6% trong quý 2 và 0,6% trong quý 1. Kinh tế Mỹ đạt được mức tăng này phần lớn do gia tăng các hoạt động xuất khẩu và chi tiêu tiêu dùng cao.

Theo một số chuyên gia kinh tế, lạm phát của Mỹ vẫn ở mức cao dù không tăng. Điều này đồng nghĩa với việc Fed sẽ phải tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất. Dự kiến, tại cuộc họp chính sách vào tháng tới, Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm. 

Trong khi đó, với chính sách "zero Covid" tại Trung Quốc, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra dự báo tăng trưởng của quốc gia này sẽ chậm lại còn 3,2% trong năm nay, giảm 1,2% so với dự báo hồi tháng 4, sau khi tăng 8,1% vào năm 2021. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, cái khó nhất là khả năng phục hồi mua dầu thô của Trung Quốc thế nào trong bối cảnh không chắc chắn về chính sách "zero Covid” của nước này. Bên cạnh đó, thị trường vẫn thận trọng về thời hạn mua dầu thô Nga của châu Âu trước khi lệnh trừng phạt có hiệu lực vào ngày 05/12.

ĐỌC THÊM