Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 43/2019

 

Tuần giao dịch vừa qua, giá dầu thế giới ghi nhận tuần tăng mạnh nhất trong hơn một tháng, nhờ tâm lý lạc quan của thị trường về triển vọng đàm phán thương mại Mỹ-Trung, sự sụt giảm dự trữ dầu thô của Mỹ và triển vọng các nhà sản xuất “vàng đen” cắt giảm sản lượng hơn nữa.

Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng hơn 4%, mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 20/9, còn giá dầu WTI tăng hơn 5%.

Sau khi đi xuống trong phiên đầu tuần (21/10), giá dầu lấy lại đà tăng trong phiên ngày 22/10 khi Trung Quốc báo hiệu sự tiến bộ trong đàm phán thương mại với Mỹ. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành cho hay Washington và Bắc Kinh đã đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán thương mại và những vấn đề tồn đọng có thể được giải quyết miễn là đôi bên tôn trọng lẫn nhau.

Một nhân tố khác hỗ trợ giá dầu là thông tin Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh xem xét cắt giảm sản lượng. OPEC tuyên bố gia hạn thỏa thuận hạn chế nguồn cung là một lựa chọn để ứng phó với triển vọng lực cầu suy yếu trong năm 2020. Arab Saudi muốn OPEC tập trung vào tăng cường tính ràng buộc của thỏa thuận với các đồng minh như Nga trước khi gia hạn.

Nhà đầu tư tuần trước phản ứng tích cực với thông tin tồn kho dầu thô trong tuần kết thúc ngày 18/10 giảm 1,7 triệu thùng, trái ngược so với dự báo tăng 2,2 triệu thùng. Nguyên nhân là hoạt động lọc dầu gia tăng, nhập khẩu dầu thô giảm.

Tuy nhiên, mối lo ngại về sự suy giảm tăng trưởng kinh tế vẫn là nhân tố gây áp lực đối với thị trường “vàng đen”. Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cao cấp của OANDA, nhận định đà tăng trưởng chậm lại của hoạt động kinh tế toàn cầu sẽ tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ và “đè nặng” lên giá mặt hàng này.

Trong một cuộc thăm dò ý kiến do hãng Reuters tiến hành, các nhà kinh tế cho rằng sự sụt giảm mạnh hơn trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn có nhiều khả năng hơn là sự phục hồi đồng bộ, ngay cả khi nhiều ngân hàng trung ương tung ra các chương trình nới lỏng tiền tệ.

Trong một khảo sát khác, những người tham gia tin thỏa thuận đình chiến thương mại mà Mỹ và Trung Quốc đạt được gần đây không phải bước ngoặt, không có ích trong giảm nguy cơ Mỹ rơi vào suy thoái trong hai năm tới.

Tại châu Âu, việc làm lĩnh vực tư nhân ở Đức trong tháng 10 giảm lần đầu tiên trong 6 năm, cho thấy đà giảm tốc trong quý III có thể tiếp tục lan sang ba tháng cuối năm.

Các công ty năng lượng Mỹ tuần trước giảm 17 giàn khoan hoạt động xuống còn 696.

Những yếu tố có thể ảnh hưởng thị trường dầu tuần này gồm: số liệu tồn kho dầu tại Mỹ; cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed vào ngày 29-30/10; các diễn biến tiếp theo trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và Brexit.

ĐỌC THÊM