Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 45/2022

Giá dầu tuần trước ghi nhận 4 trong tổng số 5 phiên suy yếu, kéo theo mức giảm hàng tuần lớn nhất trong vòng 5 tháng qua, khi hai chuẩn dầu mất khoảng 10% do nhu cầu từ Trung Quốc suy yếu và khả năng cao Mỹ sẽ tiếp tục nâng lãi suất tại cuộc họp vào tháng 12 tới.

Theo các nhà phân tích, nguyên nhân trực tiếp khiến giá dầu và khí đốt giảm là do tâm lý bất an ngày càng tăng rằng Trung Quốc sẽ không nới lỏng đáng kể các chính sách phong tỏa do Covid-19 vì các ca lây nhiễm đang gia tăng trở lại. Điều đó có thể sẽ kìm hãm nền kinh tế Trung Quốc và nhu cầu dầu của nước này. Trên thực tế, dữ liệu vận chuyển cho thấy số lượng tàu chở dầu cung cấp cho nước này đã giảm trong những ngày gần đây.

Ngoài ra, dữ liệu kinh tế trong tháng 10 tại quốc gia này cũng không mấy khả quan khi doanh số bán lẻ lần đầu tiên sụt giảm kể từ tháng 5, trong khi tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp cũng chậm lại. 

Áp lực bán càng được củng cố khi báo cáo dầu thô hàng tháng của các tổ chức lớn tiếp tục hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu. Cụ thể, báo cáo của Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu trong quý IV năm nay khoảng 400.000 thùng/ngày do dịch bệnh tại Trung Quốc và những khó khăn kinh tế tại khu vực châu Âu có khả năng làm mờ triển vọng nhu cầu.

Đồng thời, OPEC cũng cắt giảm dự báo tiêu thụ 100.000 thùng/ngày cho năm nay và năm 2023. Cùng chung quan điểm, Cơ quan năng lượng quốc tế (EIA) cũng dự báo tăng trưởng nhu cầu sẽ chậm lại trong năm tới xuống mức 1,61 triệu thùng/ngày, thấp hơn 40.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó.

Một số nhà sản xuất dầu lớn, bao gồm các thành viên của OPEC+, đã giảm nguồn cung để đáp ứng nhu cầu yếu hơn. Xuất khẩu dầu của Ả Rập Xê-út đã giảm gần 500.000 thùng/ngày trong tháng này.

Yếu tố vĩ mô cũng là một nguyên nhân thúc đẩy lực bán trên thị trường dầu, khi hàng loạt phát biểu của các quan chức Fed đã dập tắt hy vọng về sự giảm tốc trong tiến trình tăng lãi suất. Thậm chí, Chủ tịch Fed Louis James Bullard cho rằng lãi suất cần phải tăng ít nhất lên mức 5 -5,25%, cao hơn dự đoán của thị trường. Thị trường vẫn nhất trí rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp vào tháng 12 tới, sau chuỗi bốn lần tăng 0,75 điểm phần trăm.

Chốt phiên ngày 19/11, giá dầu WTI của Mỹ mất 1,56 USD, tương đương gần 2% xuống 80,08 USD/thùng; giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu giảm 2,16 USD, tương đương 2,41% xuống 87,62 USD/thùng. Như vậy, tính cả tuần, cả hai loại dầu đều giảm sốc với dầu Brent giảm khoảng 9% và dầu WTI giảm khoảng 10%.

Mặc dù chịu sức ép giảm trong tuần thứ hai nhưng khả năng giá tăng trở lại vẫn còn do nguồn cung không chắc chắn. Nhóm G7 đã đặt mục tiêu công bố mức giá mà họ sẽ đặt giới hạn lên dầu thô của Nga vào ngày 23/11. Trong khi đó, chính quyền Biden dự kiến sẽ chia sẻ riêng một mức giá đề xuất trước cuộc họp này.

Chỉ còn 2 tuần nữa là lệnh cấm dầu Nga của các nước phương Tây sẽ được thực thi, đến lúc đó sẽ có khoảng trống nguồn cung 2 triệu thùng/ngày mà Nga để lại, nhất là khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC+ thực hiện cắt giảm sản lượng.

Do đó, giá dầu sẽ tiếp tục biến động mạnh trong những phiên tới.

ĐỌC THÊM