Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 46/2021

 

Giá dầu bước vào tuần giao dịch trước với nhiều sức ép với những đồn đoán về việc các nước xả kho dự trữ giúp hạ nhiệt giá, cùng với những lo ngại về nhu cầu khi ngày càng có nhiều số ca nhiễm COVID-19 mới ở châu Âu.

Tuy nhiên, giá dầu đã phục hồi từ mức thấp nhất 8 tuần trong phiên hôm thứ Hai, sau khi OPEC+ cho biết liên minh này có thể điều chỉnh kế hoạch sản xuất, nếu các nước giải phóng kho dự trữ để có thêm nguồn cung trên thị trường.

Giá dầu nối tiếp đà tăng hơn 3% trong phiên sau đó, bất chấp thông báo phối hợp giải phóng dầu thô cùng với các nước tiêu thụ dầu lớn khác của chính quyền Biden, trái ngược hoàn toàn với những gì Nhà Trắng mong muốn.

Bởi lẽ giới phân tích cho rằng ảnh hưởng lên giá dầu chỉ là ngắn hạn do đầu tư vào ngành dầu đã giảm nhiều năm qua và đà phục hồi mạnh của kinh tế thế giới.

Goldman Sachs cho rằng chính phủ các nước xả dầu từ kho dự trữ theo đề nghị từ Mỹ có thể bơm ra thị trường 70 – 80 triệu thùng. Con số này nhỏ hơn mức hơn 100 triệu thùng mà thị trường đã tính vào giá.

Hôm thứ Ba, Bộ Năng lượng Mỹ cho biết, Tổng thống Joe Biden đã cho phép giải phóng 50 triệu thùng từ kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược. Ấn Độ và Anh cũng ra thông báo về việc giải phóng lần lượt 5 triệu thùng và 1,5 triệu thùng từ kho dự trữ của mình. Ngoài ra, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng lên tiếng tham gia vào đợt xả kho lần này.

Các nhà đầu tư liền tập trung sự chú ý đến phản ứng của OPEC+ sau động thái này của các nước, và sẽ không lấy gì làm ngạc nhiên nếu tổ chức này cắt giảm kế hoạch sản xuất, do những bất ổn trong ngắn hạn đối với triển vọng nhu cầu dầu thô, và đây cũng được xem như một hành động nhằm đáp trả lại việc hợp tác xả kho dự trữ dầu.

Song, trong ba phiên tiếp theo, giá dầu điều chỉnh giảm trở lại khi các nhà giao dịch chú ý tới mức tăng trong dự trữ dầu thô hàng tuần tại Mỹ, đồng thời đặt câu hỏi về tính hiệu quả của việc mở kho dự trữ dầu do Mỹ khởi xướng. Giá dầu cũng chịu sức ép bởi số ca nhiễm COVID-19 đang tăng cao và phá vỡ các con số kỷ lục trước đó ở nhiều nơi của châu Âu, khiến nhiều nước phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại.

Đến thứ Sáu, giá dầu lao dốc mạnh sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) họp khẩn về biến chủng mới được đặt tên Omicron được phát hiện ở Nam Phi. Biến chủng này có nhiều đột biến ở gai protein hơn biến chủng Delta hiện tại. Do những đột biến này, giới khoa học lo ngại biến chủng mới có thể kháng vaccine dù WHO cho rằng cần nghiên cứu thêm.

Kết thúc phiên 26/11, giá dầu Brent giao tháng 01 giảm 9,5 USD, tương đương 11,6%, xuống 72,72 USD/thùng. Giá dầu WTI giao tháng 01 giảm 10,24 USD, tương đương 13,1%, xuống 68,15 USD/thùng.

Chốt tuần, giá dầu Brent giảm hơn 8%, WTI giảm hơn 10,4%. Đây là phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020, khi hợp đồng tương lai WTI có giá âm, và là tuần giảm thứ 5 liên tiếp của thị trường dầu.

Theo các nhà quan sát, phiên giao dịch hôm thứ Sáu được rút ngắn, sau ngày nghỉ lễ Tạ ơn trước đó khiến khối lượng giao dịch giảm xuống mức thấp có thể là nguyên nhân làm gia tăng mức biến động của các chỉ số, và cho rằng phiên bán tháo này có thể là một cơ hội để mua vào.

Chủ tịch Fed Jerome Powell và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen sẽ điều trần trước quốc hội ngày 30/11 và 1/12. Đây là phiên điều trần đầu tiên của Powell sau khi ông được Tổng thống Biden đề cử vị trí lãnh đạo Fed thêm nhiệm kỳ nữa.

Hoạt động sản xuất của Iran cũng đang được các nhà đầu tư theo dõi, với những cuộc đàm phán gián tiếp giữa Iran và Mỹ về việc khôi phục một thỏa thuận hạt nhân năm 2015 tiếp tục nối lại vào thứ Hai tuần này.

Tuy nhiên, việc Iran và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế không đạt được thỏa thuận thậm chí chỉ ở mức khiêm tốn về giám sát các cơ sở hạt nhân của Tehran trong tuần trước báo hiệu các cuộc đàm phán sắp tới sẽ không mang lại kết quả tốt.

Trong khi đó, những con số dự báo về tình trạng thừa cung toàn cầu nếu các quốc gia tiêu dùng tiếp tục rút dầu từ kho dự trữ chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới cuộc họp của OPEC+ vào ngày 02/12 tới, nơi các nhà sản xuất dầu chủ chốt này sẽ quyết định liệu có tiếp tục nâng sản lượng dầu thêm 400.000 thùng/ngày vào tháng 1/2022 hay không.

Theo công ty dịch vụ năng lượng Mỹ Baker Hughes, số giàn khoan dầu và khí đang hoạt động tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 24/11 tăng 6 lên 569, cao nhất kể từ tháng 4/2020, do giá dầu tăng thúc đẩy một số công ty khai thác quay lại giếng dầu.

ĐỌC THÊM