Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 46/2022

Giá dầu thế giới khép lại tuần giao dịch giảm thứ ba liên tiếp sau nhiều phiên đầy biến động, do lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc và kế hoạch áp giá trần của phương Tây đối với dầu của Nga.

Ngay ở phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu giảm sốc hơn 5 USD đầu phiên, chạm mức thấp nhất trong vòng 10 tháng sau khi Tạp chí Phố Wall đưa tin tại cuộc họp chính sách vào ngày 4/12 rằng OPEC+ sẽ xem xét mức tăng sản lượng lên tới 500.000 thùng/ngày.

Tuy nhiên, sau đó, giá dầu đã quay đầu tăng tốc, lấy lại được gần như toàn bộ mức đã mất bởi tin tức Bộ trưởng năng lượng Ả Rập Xê-út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, bác thông tin nói trên và cho biết OPEC+ vẫn kiên trì với việc cắt giảm sản lượng và có thể thực hiện các bước tiếp theo để cân bằng thị trường.

Tiếp đà phục hồi, giá dầu tăng thêm khoảng 1% trước khi lao dốc 3 phiên liên tiếp. Trong 3 phiên này, giá dầu chịu tác động lớn bởi 3 yếu tố chính, đó là việc G7 xem xét mức trần giá đối với dầu của Nga, tồn kho xăng ở Mỹ tăng cao hơn dự kiến của các nhà phân tích, và số ca nhiễm Covid-19 vẫn không ngừng gia tăng ở Trung Quốc. Nhiều thành phố tiếp tục áp dụng các biện pháp, như phong tỏa, nhằm kiềm chế sự lây lan mạnh của Covid-19.

Trong tuần trước, các quốc gia G7 đã xem xét mức giá trần đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga trong khoảng 65-70 USD/thùng. Theo dữ liệu của Refinitiv, dầu thô Urals của Nga giao đến tây bắc châu Âu đang giao dịch quanh mức 62-63 USD/thùng, mặc dù ở Địa Trung Hải giá cao hơn khoảng 67-68 USD/thùng. Với chi phí sản xuất được ước tính vào khoảng 20 USD/thùng, mức trần giá này vẫn sẽ mang lại lợi nhuận cho Nga, đồng thời ngăn tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường toàn cầu.

Một số nhà phân tích cho rằng giá trần cuối cùng sẽ ít quan trọng hơn lệnh cấm vận dầu mỏ của châu Âu.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cho đến nay vẫn chưa đạt đồng thuận về trần giá đối với dầu mỏ xuất khẩu của Nga. Một số nước cho rằng đề xuất mức trần 65-70 USD/thùng của G7 được xem là quá thấp, trong khi một số nước cho rằng quá cao.

Cụ thể, đối với Ba Lan, Lithuania và Estonia, mức trần như vậy sẽ khiến Nga có quá nhiều lợi nhuận, do chi phí sản xuất chỉ khoảng 20 USD/thùng. Về phía nguồn cung, các nước các ngành vận tải biển lớn như Cyprus, Greece và Malta cho rằng mức đó là quá thấp.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/11, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,71 USD (tương đương 2%) xuống 83,63 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 1,66 USD (tương đương 2,1%) còn 76,28 USD/thùng. Cả hai loại dầu đều ghi nhận tuần giảm thứ 3 liên tiếp sau khi chạm mức đáy 10 tháng. Tính chung cả tuần, dầu Brent giảm 4,6%, còn dầu WTI mất 4,7%.

Dự kiến, giao dịch trong tuần này sẽ vẫn thận trọng trước khi có thoả thuận về mức trần giá dầu của Nga, và trước thềm cuộc họp tiếp theo của OPEC+ vào ngày 4/12 tới.

ĐỌC THÊM