Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 47/2021

 

Giá dầu có tuần giao dịch đầy biến động ngay cả trong từng phiên, với nhiều cung bậc cảm xúc xoay quanh biến thể mới cũng như những đồn đoán trước cuộc họp OPEC+.

Bước vào phiên giao dịch đầu tuần, với kỳ vọng các hãng dược sẽ kiểm soát được biến thể Omicron, qua đó đẩy lùi những lo ngại về rủi ro tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 đã giúp giá lấy lại được phần nào mức đã để mất khi giới đầu tư cho rằng sự lao dốc của thị trường hôm thứ Sáu là phản ứng thái quá, khi vẫn chưa có đủ dữ liệu về biến thể mới Omicron.

Tuy nhiên, sự phục hồi của giá dầu trong phiên ngày 29/11 là khá hạn chế so với mức giảm sốc tới 10 USD/thùng trong phiên giao dịch cuối tuần trước, khi mà sự xuất hiện của biến thể Omicron đã buộc nhiều nước phải tái áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại.

Song, khi những cảnh báo về việc biến thể Omicron có thể làm giảm hiệu quả vacxin ngừa Covid-19 liên tục được phát đi khiến tâm lý thị trường bị ảnh hưởng mạnh, giá dầu đã quay đầu giảm sốc lần hai.

Chia sẻ với Financial Times, Stephane Bancel, CEO hãng dược Moderna, cho biết việc phát triển các loại vacxin mới ngừa Covid-19 là cần thiết trước sự xuất hiện của biến chủng Omicron.

Giá dầu bước vào phiên GD ngày đầu tiên của tháng 12 với sự phục hồi mạnh mẽ, trước dự đoán động thái hỗ trợ từ OPEC, nhưng sau đó đã nhanh chóng quay đầu giảm trở lại và có phiên giảm thứ năm, do giới đầu tư bán tháo sau thông tin virus biến thể Omicron đã được tìm thấy tại Mỹ.

Ngoài ra, giá còn chịu sức ép bởi dữ liệu tồn kho hàng tuần của Cơ quan Thông tin Năng lượng EIA. Theo đó, dự trữ dầu thô tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 26/11 giảm 910.000 thùng, thấp hơn dự báo giảm 1,2 triệu thùng; tồn kho xăng tăng 4 triệu thùng.

Tuy nhiên, giá tăng trở lại ngay cả khi OPEC+ gây bất ngờ với việc tuân thủ kế hoạch tiếp tục tăng dần sản lượng 400.000 thùng/ngày trong tháng 01/2022.

Giới phân tích nhận định phản ứng của thị trường thể hiện sự tin tưởng vào quyết định của OPEC+, khi liên minh cho biết sẽ có điều chỉnh nếu lực cầu suy giảm trong quý I/2022 do ảnh hưởng bởi các biện pháp ngăn Omicron lây lan. Liên minh có thể họp trước ngày 4/1 theo kế hoạch.

Quyết định của OPEC+ đưa ra trong bối cảnh Mỹ và các nước tiêu thụ dầu lớn nhiều lần kêu gọi tăng sản lượng, đồng thời đã thực hiện việc xả kho dự trữ dầu nhằm hạ nhiệt giá.

Trong khi đó, lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu yếu đi trước sự xuất hiện của biến chủng Omicron khi ngày càng có nhiều quốc gia khi nhận các ca nhiễm do biến thể này và đã triển khai nhiều biện pháp “khẩn cấp” nhằm phòng chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ dầu thô cũng được nhận định sẽ hạ nhiệt khi nguồn cung khí đốt tiếp tục được cải thiện mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu sưởi ấm vào mùa đông.

Triển vọng tiêu thụ dầu cũng chịu áp lực khi dữ liệu việc làm của Mỹ trong tháng 11/2021 không được như kỳ vọng. Cụ thể, báo cáo ngày 3/12 của Bộ Lao động Mỹ cho biết, số việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng 11 vừa qua đã tăng thêm 210.000 việc, thấp hơn so với mức dự báo 550.000.

Kết thúc phiên 03/12, giá dầu Brent tương lai tăng 21 cent, tương đương 0,3%, lên 69,88 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai giảm 24 cent, tương đương 0,4%, xuống 66,26 USD/thùng.

Chốt tuần, giá dầu Brent giảm 4%, WTI giảm 2,8%, tuần giảm thứ 6 liên tiếp, và đều nằm trong vùng quá bán phiên thứ 6 liên tiếp, lần đầu tiên kể từ tháng 9/2020.

Kể từ khi ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm Omicron ở bang California ngày 1/12, Mỹ tiếp tục có thêm hơn 20 ca nhiễm biến chủng này, trong đó, 5 trường hợp ở New York City – một tâm dịch Covid-19 năm 2020.

Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần giữ nguyên số giàn khoan dầu và khí ở mức 569, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.

ĐỌC THÊM